An dân nông thôn

Chủ nhật, ngày 07/07/2013 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nước ta cho đến nay vẫn còn là nước nông nghiệp. Hoạt động nông nghiệp chủ yếu diễn ra ở nông thôn và do nông dân thực hiện.
Bình luận 0

Đảng ta nói “trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể”. Vậy ngoài mối quan hệ “mật thiết” đó ra, nông dân còn có mối quan hệ “mật thiết” gì với các giai tầng xã hội khác không? Và mối quan hệ đó là thế nào?

Năm 1990, nông dân nước ta chiếm tới 81% dân số, hiện nay thì còn gần 70%, cũng vẫn là đa số trong nhân dân. Đội ngũ công nhân nước ta có khoảng 90-95% xuất xứ là con em nông dân, sinh ra lớn lên ở nông thôn nhưng rồi may mắn không phải làm nông dân, được trở thành công nhân. Đội ngũ công chức, viên chức, trí thức và hầu hết những người là lãnh đạo các cấp từ cơ sở đến trung ương theo lý lịch thì cũng có khoảng 90% xuất xứ từ nông thôn, là con em nông dân. Đối với lực lượng vũ trang thì còn cao hơn, có tới 90-95% số cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an có ông bà, bố mẹ, chú, bác, cô, dì... ở nông thôn.

Từ kết quả của quá trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” các đô thị cũ thì có khoảng 70%, còn đô thị mới xấp xỉ 100% cư dân có xuất xứ từ “người nhà quê”, sinh ra và lớn lên từ nông thôn. Bằng chứng là ở TP.Hà Nội và nhiều đô thị khác những ngày tết thường rất vắng người, chỉ có số ít đi du lịch còn hầu hết là... về quê. Quê là đâu? Quê là nông thôn.

Bởi vậy giữa công nhân, công chức, viên chức, bộ đội, công an... kể cả đội ngũ lãnh đạo các cấp, cư dân thành thị... tuy không ở nông thôn nhưng tuyệt đại đa số có mối quan hệ “ruột thịt”, “huyết thống” với nông dân, chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ xã hội.

Chính vì mối quan hệ “ruột thịt” “huyết thống” đó mà mọi chuyện vui buồn, nhất là có chuyện gì động chạm, làm thương tổn đến nông dân ở nông thôn tức là động chạm đến chính ông bà, bố mẹ, chú, bác, cô, dì, “phi nội tắc ngoại” của nhiều người không phải nông dân, động chạm đến quê hương, mà “quê hương mỗi người chỉ có một, như là chỉ có một mẹ thôi” của nhiều giai tầng xã hội khác.

Anh bộ đội ở Trường Sa liệu có yên tâm làm nhiệm vụ - nếu như ở quê đang bị mất mùa, con không có tiền đóng học... Cô công nhân ở trong khu công nghiệp, đồng chí làm việc ở cơ quan trung ương nghĩ gì khi ở quê, ông chú ruột, ông bác ruột mình và bà con thôn mình, xã mình không được đền bù thỏa đáng khi bị thu hồi đất đang kéo nhau đi khiếu kiện...

Bởi vậy nếu nông dân, nông thôn mà yên thì đất nước yên; nông thôn, nông dân bị tổn thương thì nhiều thành phần xã hội khác cũng bị tổn thương theo.

Chính vì có mối quan hệ đặc biệt như vậy nên những gì “cư xử” với nông dân thì cũng là “cư xử” với nhiều đối tượng khác đấy. Những gì “được hay mất” của nông dân cũng là “được hay mất” của nhiều giai tầng xã hội khác!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem