Ảnh: Mưu sinh trước giờ khai ấn đền Trần

Mỵ Lương Thứ hai, ngày 22/02/2016 08:02 AM (GMT+7)
Về dự lễ khai ấn đền Trần, hàng vạn phật tử và du khách thập phương chen nhau mang đồ lễ đến dâng hương, xin khấn. Nhân dịp này, nhiều người dân tranh thủ “kiếm lời”.
Bình luận 0

Đền Trần (phường Lộc Vừng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi hàng vạn du khách thập phương đổ về đây làm lễ và chờ giờ khai ấn.

img

Hàng bán hương, đổi tiền lẻ trong đêm khuya phục vụ phật tử, du khách thập phương.

Theo quan sát của PV, bên trong khu đền Cố Trạch, Thiên Trường, phật tử và du khách thập phương chen nhau thắp hương, dâng lễ.

Các bàn viết sớ bán ra hàng nghìn tờ có giá 10.000 đồng/tờ. Bên cạnh những nghi thức lễ, khấn trang nghiêm, lễ hội đền Trần còn tồn tại những hình ảnh khiến du khách ngán ngẩm như tình trạng người ăn xin hay chèo kéo đổi tiền lẻ.

Vừa trao tiền cho một người ăn xin và bước thêm vài bước, chị Đỗ Thị Lan (Thái Thụy, Thái Bình) lại mở ví tiền đưa thêm cho một trường hợp hai mẹ con ăn xin nằm bên đường.

img

Khoảng 2.000 cảnh sát huy động đảm bảo an ninh cho lễ khai ấn đền Trần.

“Nhiều người có hoàn cảnh bất hạnh thật, nhưng mình biết cũng có người lợi dụng dịp này kiếm ăn. Tuy nhiên, đi lễ cầu mong sự an lành, công việc suôn sẻ trong năm mới nên mình vẫn sẽ cho dù ít dù nhiều”, chị Lan bày tỏ.

img

Nhiều người ăn xin ngồi la liệt ngoài đường.

Bên cạnh đó, nhiều sạp tiền lẻ, hương hoa, tiền vàng được bày bán tràn lan. Mang theo đồ lễ về dâng tại chùa Phổ Minh, cô Hoàng Thị Hương (Nam Định) vừa chen chân trong đoàn người vừa cho biết, nhiều lần đi lễ đền Trần nên cô rút kinh nghiệm, chuẩn bị đồ lễ từ nhà vì đến gần chùa sẽ bị ép giá cao.

Vừa đổi 50.000 đồng chẵn lấy 40.000 đồng tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng để vào lễ chùa, anh Trần Văn Quang (Nam Định) chia sẻ: “Biết là thiệt thòi, nhưng ngày lễ mình phải chấp nhận”.

img

Văn hóa phẩm được bày bán cho phật tử và du khách đến làm lễ.

Năm nay, lễ phát ấn đền Trần được Ban tổ chức triển khai sớm hơn 30 phút tại ba nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày đền Trùng Hoa vào lúc 5h30 sáng 22.2 (tức ngày 15 tháng Giêng, Bính Thân). Nhiều phật tử và du khách thập phương trắng đêm chờ đợi đến giờ phát ấn.

img

Nhiều hàng quán vẫn bán thâu đêm phục vụ phật tử, du khách thập phương đi lễ dâng hương rạng sáng.

Với vẻ mặt mệt mỏi dọn dẹp lại quán hàng đồ ăn, vợ chồng ông Đoàn Văn Đề (xã Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, vợ chồng ông chuyên buôn bán đồ ăn vặt tại các hội, từ ngày mùng 2 Tết năm nay ông bà đã đi bán ở các lễ hội.

img

Vợ chồng ông Đoàn Văn Đề dọn hàng vào 3h sáng.

“Năm nay, bán hàng tại hội đền Trần không "ăn thua" vì dòng người đi như thác nước đổ. Để kiếm thêm thu nhập, hai vợ chồng chạy xe 40km từ lúc 3h sáng đến đền Trần. Tuy nhiên, tiền lãi không được là bao so với bán ở hội làng vì giá cả cạnh tranh, hàng ăn vặt nhiều. Ví như xúc xích, dù đã bán giá khá mềm, chỉ dao động 7.000 - 10.000 đồng/chiếc mà vẫn ế”, ông Đề ngao ngán.

img

“Biệt đội” xe ôm có hơn 100 người được phân bổ tại nhiều điểm phục vụ du khách đến hội với giá 25.000 đồng đi chặng đường 2-3km quanh khu vực diễn ra Lễ hội khai ấn đền Trần.

Tại khuôn viên lễ hội đền Trần, không khó bắt gặp đội hình xe ôm với trên 100 người chia thành nhiều điểm. Để phục vụ du khách thập phương, nhiều người thức trắng đêm chở khách.

img

Vượt chặng đường 70km từ Giao Thủy (Nam Định) về đền Trần, anh Phùng Văn Chiến và anh Tô Văn Hải ngả lưng tại ghế đá cho lại sức để 5h30 đi lấy ấn.

"Vì nhà cách đền Trần 5km, tôi chỉ kịp ăn cơm xong lại ra chạy xe ôm ngay. Mỗi lần chạy giá từ 20.000 - 30.000 đồng/lượt. Số tiền kiếm được cũng giúp gia đình lo phần nào kinh phí cho con đi học nên mình chấp nhận một ngày chỉ ngủ từ 1 đến 2 tiếng để chạy xe ôm", anh Nguyễn Quốc Trung (xã Lộc An, Nam Định) cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem