Tung lò mò - đặc sản của người Chăm được chọn là 1 trong 6 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh An Giang

Hồng Cẩm Thứ ba, ngày 27/04/2021 08:44 AM (GMT+7)
Tung lò mò là món ăn truyền thống đặc sắc lâu đời của người Chăm ở An Giang. Tung lò mò thoạt nhìn bên ngoài giống như lạp xưởng của người Kinh và người Hoa nhưng cách làm món ăn này thì hết sức đặc biệt, nó gắn liền với văn hoá ẩm thực, đời sống tín ngưỡng của đồng bào Chăm.
Bình luận 0

Tung lò mò là món đặc sản gì?

Theo như anh Hứa Hoàng Vũ (tên tiếng Chăm là Salếch) chủ cơ sở sản xuất kinh doanh lạp xưởng bò Anas (Tổ 7, ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong, TX Tân Châu, tỉnh An Giang), chia sẻ: Trong tiếng Chăm, "tung" là "ruột", còn "lò mò" là "thịt" (thịt bò), món tung lò mò đơn giản là thịt bò dồn vào ruột bò, hay còn gọi là lạp xưởng bò.

Tung lò mò là món gì mà được An Giang bình chọn là 1 trong 6 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh - Ảnh 1.

Anh Hứa Hoàng Vũ, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh lạp xưởng bò Anas

Ấp Phũm Soài là 1 trong 3 ấp có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số Chăm sinh sống của xã Châu Phong, từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm và món ăn đặc sản từ bò như: cơm bò nướng, lạp xưởng bò, cari bò…

Món tung lò mò là món ăn truyền thống của người Chăm, đã có lịch sử hình thành hàng trăm năm. Trước đây, vào dịp Tết truyền thống, những hộ khá giả trong làng Chăm thường làm thịt nguyên con bò rồi chia cho người nghèo ăn cùng. 

Có những gia đình ăn không kịp, sợ thịt hư nên đã băm thịt nhỏ ra, tẩm ướp thêm gia vị rồi dồn trở vô ruột bò, đem treo đầu bếp để ăn dần. Nhiều người thấy món tung lò mò ngon, thú vị nên đã học cách làm, nhân rộng thành món ăn truyền thống của người Chăm.

Ngày nay, nhiều hộ người Kinh ở An Giang cũng làm món tung lò mò nhưng món tung lò mò của người Chăm ở An Giang ngoài là món ăn thì nó còn gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của đồng bào. Chính vì vậy mà món tung lò mò của người Chăm đặc biệt, không đơn giản là món lạp xưởng bò của người Kinh làm.

Theo anh Vũ chia sẻ, công thức làm món tung lò mò cũng đơn giản. Nguyên liệu làm tung lò mò từ thịt bò và mỡ bò theo tỉ lệ 8 thịt, 2 mỡ và sử dụng ruột bò, sau khi làm sạch, phơi hơi se lại để dòn thịt vào. Thịt bò làm tung lò mò phải là bò tươi từ đùi hoặc bắp bò, sau đó khử mùi bò bằng rượu và gừng, rồi xay nhỏ thịt và mỡ bò trộn lại với nhau.

Gia vị để chế biến gồm tiêu, tỏi và vài nguyên liệu truyền thống bí truyền của người Chăm. Sau khi quy trình chế biến nguyên liệu hoàn thành, tất cả sẽ được nén vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng 3 đốt ngón tay, hoặc cái dài khoảng 10cm như lạp xưởng người Kinh, người Hoa rồi đem phơi ngoài nắng khoảng ba lần. 

Nếu muốn ăn tươi thì đem bỏ ngăn đông tủ lạnh, khi ăn rã đông là chế biến bằng cách nước, luộc hoặc áp chảo.

Tung lò mò là món gì mà được An Giang bình chọn là 1 trong 6 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh - Ảnh 2.

Tung lò mò của người Chăm (An Giang) phải làm từ bò trong đạo sát sinh, trên bao bì sản pẩhm có dấu Halal

Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là theo anh Vũ cho biết, món tung lò mò của người Chăm cũng làm từ thịt bò nhưng phải là bò trong đạo sát sinh, không mua thịt bò bên ngoài về làm. 

Bò trong đạo sát sinh làm ra bỏ huyết, lấy thịt bò nóng làm ngay, không làm thịt cũ, thịt từ bò bệnh chết. Chính vì vậy trên mỗi bao bì sản phẩm tung lò mò của cơ sở Anes đều có dấu Halal (tức sản phẩm làm từ bò trong đạo sát sinh, người Chăm sử dụng được)

Xây dựng thương hiệu được cả nước biết đến

Từ món ăn truyền thống lâu đời của người Chăm, tung lò mò được xây dựng thương hiệu đặc sản An Giang, được tỉnh An Giang công nhận là 1 trong 6 sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn OCOP 3 sao, để trở thành món ăn phổ biến với nhiều người.

Tung lò mò là món gì mà được An Giang bình chọn là 1 trong 6 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh - Ảnh 3.

Từ ngày được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tung lò mò được người tiêu dùng cả nước biết đến (Trong ảnh: Con gái anh Vũ quảng bá tung lò mò tại Ngày hội sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù tại Châu Đốc, An Giang)

Anh Vũ cho biết, trước đây, những người thích ăn tung lò mò (lạp xưởng bò) khi đến xã Châu Phong thường mua của các hộ sản xuất nhỏ lẻ mang về dùng. 

Tuy nhiên, sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, không có hạn sử dụng nên người tiêu dùng chưa thật sự an tâm. Đặc thù của tung lò mò là có vị chua, kg sử dụng chất bảo quản nếu không bảo quản đúng cách rất dễ hư hỏng.

Xuất phát từ thực tế này, năm 2012, anh Hứa Hoàng Vũ đã mạnh dạn thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh lạp xưởng bò Anas với quyết tâm xây dựng thương hiệu cho đặc sản tung lò mò, đại diện người Chăm ở ấp Phũm Xoài đưa sản phẩm truyền thống của đồng bào Chăm đến người tiêu dùng trong cả nước.

Anh trang bị trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, sản xuất sản phẩm đa dạng, đầu tư vào bao bì, nhãn mác bắt mắt để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Để cơ sở có nguồn sản phẩm đủ cung cấp thị trường, anh vận động 10 hộ người Chăm sản xuất lẻ trong ấp Phũm Xoài tham gia sản xuất cho cơ sở. Ngoài ra, hàng ngày cơ sở của anh giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục phụ nữ Chăm Trong ấp, với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/ tháng.

Anh Vũ chia sẻ: "Tôi rất tự hào vì trải qua hàng 100 năm, cuối cùng Cơ sở Anas trở thành niềm tự hào của cộng đồng Chăm Islam tỉnh An Giang khi đã chuẩn hóa đặc sản truyền thống theo yêu cầu hiện đại. Càng tự hào hơn khi vào cuối năm 2017, sản phẩm lạp xưởng bò ANAS đã được đánh giá cao tại Hội chợ tiêu dùng tổ chức tại Malaysia...".

"Đây là 1 trong 6 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh An Giang năm 2018, đồng thời là 1 trong 3 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Nam (cà phê hòa tan Newcafe, lạp xưởng bò ANAS, bánh kẹp Tiến Anh", anh Vũ cho biết thêm.

Tung lò mò là món gì mà được An Giang bình chọn là 1 trong 6 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh - Ảnh 4.

Tung lò mò làm từ thịt bò tươi cùng với nguyên liệu truyền thống bí truyền của người Chăm (An Giang), khi chế biến có thể nướng, luộc hoặc áp chảo

Anh Vũ cho biết, để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong cả nước, bên cạnh phân phối qua các kênh truyền thống, các cửa hàng, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh, cơ sở ANAS còn tích cực quảng bá tại các sự kiện kết nối giao thương, lập trang bán hàng trên facebook, bán hàng qua các trang thương mại điện tử phổ biến như: Tiki, Shopee, gian hàng sản phẩm OCOP Việt Nam…

Mỗi tháng trung bình cơ sở Anes sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 1,2-1,5 tấn/ tháng; vào các dịp lễ tết lên đến 6-8 tấn/tháng. Giá mỗi ký tung lò mò là 250.000 /kg.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem