Ảnh minh họa.
Ngày 22.3.2015, ông Dương ở thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ra sông câu cá và phát hiện một phần thi thể trên mặt nước. Cảnh sát phong tỏa hiện trường, tìm kiếm dọc theo dòng sông, hy vọng có thể thấy được những phần thi thể khác. Đây là con sông chảy qua trung tâm thành phố, hai bên có rất nhiều khu dân cư. Án mạng xảy ra giữa thành phố phồn hoa, đủ loại tin đồn lan nhanh khiến cảnh sát cảm nhận được áp lực rất lớn.
Trong hơn 10 tiếng với phạm vi một cây số đường sông, cảnh sát tìm được 11 phần thi thể. Cơ quan pháp y xác định nạn nhân là nam giới, chết từ năm đến 20 ngày trước. Do không có thêm thông tin nào khác, cảnh sát quyết định tìm kiếm kiểu trải thảm với khu vực xung quanh, hy vọng có thể phát hiện nhiều đầu mối hơn. Phía đông hiện trường vụ án có một công viên và một trường học, phía nam là khu dân cư lớn nhất ở thành phố này, phía tây là công trường xây dựng.
Theo CCTV, tin rằng hiện trường giết người rất có thể nằm ở gần đây, cảnh sát huy động chó nghiệp vụ tìm kiếm toàn bộ các tòa nhà xung quanh, từ tầng hầm lên đến tận tầng thượng, cố gắng không để lọt bất cứ manh mối nào.
Việc tìm kiếm nhanh chóng có kết quả. Gần công trường xây dựng phía tây tìm được một túi nilon màu đen, bên trong có ga trải giường, vỏ chăn, quần áo, mũ lưỡi trai. Cảnh sát đưa toàn bộ các vật phẩm này đi xét nghiệm, phát hiện trên một số quần áo có ADN của người chết, chứng tỏ đây là quần áo của anh ta.
Cảnh sát chú ý, phía trong vành mũ lưỡi trai bị sờn rất rõ, chứng tỏ đã được đội rất lâu. Chiếc thắt lưng chỉ đáng giá vài tệ, nhiều chỗ đã bị nứt nhưng người chết lại dùng băng dính quấn lại để dùng tiếp chứ không nỡ vứt đi. Hai ống quần của chiếc quần dài được tìm thấy đều có vết mòn rất rõ quanh bắp chân, dường như cọ xát với thứ gì đó.
Phân tích lại thông tin đã có như vị trí tìm thấy bộ phận thi thể cách vị trí vứt quần áo không xa, đều ở khá gần công trường, nhà chức trách cho rằng nếu từ nơi khác tới, hung thủ sẽ không mạo hiểm đến gần công trường để vứt xác, dễ bị bảo vệ công trường phát hiện hoặc bị công nhân nhìn thấy. Công trường xây dựng vì thế được xác định là khu vực điều tra trọng điểm của cảnh sát.
Thông báo treo thưởng tại đây, điều tra viên liên tục gặp công nhân để hỏi thăm gần đây có ai mất tích.
Công trường có trên 2.000 công nhân, đa số đều không biết nhau. Do cảnh sát không có đặc điểm nhận dạng nạn nhân, chỉ biết là người này thường đội mũ lưỡi trai nên việc gặp các công nhân để tìm hiểu tình hình không hề thuận lợi.
Những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều quy định về đãi ngộ với công nhân. Chế độ thuê mướn công nhân được chuẩn mực hóa, tiền lương tăng nhanh. Theo người phụ trách công trường, nhiều công nhân lái ôtô đến công trường làm việc, thu nhập mỗi tháng hàng chục nghìn nhân dân tệ cũng không phải số ít. Thời gian làm việc mỗi ngày chỉ có đúng tám tiếng nên để bảo đảm tiến độ, kiếm được nhiều tiền, mỗi công nhân gần như đều giành giật từng giây để làm việc, thậm chí không chịu trả lời câu hỏi của điều tra viên.
Từ hành vi vứt xác có thể thấy được, tính tình nghi phạm tương đối nôn nóng nhưng không có nhiều kinh nghiệm gây án. Hắn vứt rất tùy ý, một số thứ ở nơi không kín đáo, gần như không hề lo lắng sau khi bị tìm thấy sẽ có hậu quả gì. Vì vậy, cảnh sát nhận định hung thủ gây án không có dự mưu, rất có thể là nhất thời kích động dẫn đến án mạng. Hơn nữa sau khi gây án, có thể vì căng thẳng và hoảng sợ nên mới vứt xác và đồ đạc ở những nơi không xa nhau.
Sau vài ngày điều tra, cảnh sát chú ý tới một nhóm người trên công trường. Họ luôn hối hả ngược xuôi, bận rộn nhất, lúc thì phụ hồ, lúc vận chuyển gạch ngói sắt thép đến các nơi. Đây là những công nhân có trình độ văn hóa không cao, chỉ làm được công việc có hàm lượng kĩ thuật rất thấp. Điều khiến cảnh sát chú ý là những công nhân khác đều đi giầy khi làm việc, còn những thợ phụ này lại đi ủng. Hơn nữa khi họ đi lại, thành ủng sẽ cọ sát với quần ở vị trí bắp chân. Điều này khiến cảnh sát nghĩ tới chiếc quần bị sờn ở bắp chân của nạn nhân. Vậy người chết có phải một trong số này không?
Tìm hiểu về các thợ phụ này, cảnh sát phát hiện họ là lao động thời vụ không có hợp đồng, nhận lương theo ngày, tính biến động rất lớn, quản lý công trường không nắm được thông tin cá nhân của họ. Cảnh sát trực tiếp tới gặp từng người một, cuối cùng nắm được một đầu mối quan trọng. Một tuần trước, một thợ phụ hơn 40 tuổi họ Tống đột nhiên bỏ về quê vì bị ốm. Trong đợt nghỉ tết âm lịch, Tống không về quê mà ở lại công trường. Cả khu lán công nhân chỉ có hai người ở lại ăn tết. Người còn lại là phụ hồ khoảng 60 tuổi người An Huy, mới đến làm thuê trước tết, không ai biết tên là gì. Khi các công nhân đi làm trở lại thì chỉ thấy một mình Tống. Tại nơi ở của Tống trước đó, cảnh sát tìm được mẫu ADN của nạn nhân.
Ngày 10.4, nghi phạm Tống bị bắt tại Cát Lâm và nhanh chóng khai nhận đã sát hại nạn nhân tại công trường... Theo lời khai, nạn nhân tên Đại, do cả khu lán chỉ còn lại hai người, Tống gọi Đại sang ở cùng với mình trong dịp tết. Ban đầu, hai người còn khá vui vẻ, nhưng đến tối 11.3, Tống bắt gặp Đại dùng chậu rửa mặt của mình để rửa chân đã giận dữ quát mắng. Đại chẳng những không xin lỗi mà còn tranh cãi quyết liệt. Trong quá trình giằng co, Tống đánh chết Đại. Để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, Tống phi tang xác.
Tống đi làm thuê xa nhà nhiều năm, tình hình kinh tế gia đình rất khó khăn. Để tiết kiệm lộ phí, Tống đã ba năm liền ở lại công trường ăn tết một mình. Còn nạn nhân Đại gần sáu mươi tuổi vẫn chưa có gia đình, mười mấy năm liền vẫn đi làm thuê khắp nơi, tết năm nào cũng chỉ có một mình nơi đất khách.
Khang Diệp (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.