Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng

Bài, ảnh: Ba Cần Thơ Thứ năm, ngày 14/01/2016 06:26 AM (GMT+7)
Đến làng Thanh Thủy Chánh (còn gọi Thanh Toàn), nay thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngoài việc tham quan những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, chúng ta còn được tận mắt thấy lại những nông, ngư cụ truyền thống xưa kia đặt tại “Nhà trưng bày Nông cụ”. Đó là cái xa quạt, cối xay lúa, cối giã gạo, nồi đồng nấu cơm, và cối xay bột... luôn gắn bó với đời sống người nông dân suốt một thời gian khó.
Bình luận 0

Lặng người trước những nông, ngư cụ truyền thống mà ông cha ta trong quá trình khai phá đất đai trồng trọt, đánh bắt để mưu sinh, miền ký ức trong tôi được đánh thức và miên man nhớ về những kỷ niệm xưa nơi làng quê yêu dấu.

Cái xa quạt

Tôi nhớ rất rõ, gia đình nội tôi khi ấy khá giả nhất trong làng. Cứ mùa vụ xong là lúa chất đầy bồ và trong nhà nội có sắm sẵn một cái xa quạt. Nội tôi vốn là người rất dè sẻn trong chi tiêu, nhưng biết trân trọng công sức của người đã làm ra hạt gạo. Ông giáo dục chúng tôi khi còn nhỏ là khi ăn cơm phải ăn cho hết, không được bỏ sót hạt cơm nào trong chén vì đó là “hạt ngọc” trời, bỏ sót là có tội!. Những lời dạy của nội còn ghi mãi trong tôi. Và sau nầy lớn lên qua các bài giảng của các thầy cô ở trường, tôi còn ghi nhớ những câu ca dao như: “Ai ơi, bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!”…

img

Cái xa quạt trưng bày tại “Nhà trưng bày Nông cụ”.

Chính vì thế, khi gặp lại cái xa quạt, lòng tôi bỗng lâng lâng, thấy nó tuy xa mà gần, bởi một thời không phải nhà nào cũng sắm được. Bởi ngày xưa, chỉ những gia đình khá giả, ruộng lúa nhiều mới  có mà thôi. Còn những gia đình ruộng ít, khi gặt lúa xong muốn giê lúa cho sạch thì phải dùng phương cách thủ công là: Một người dùng tấm chiếu xếp đôi, dang 2 chân kẹp một đầu chiếu, đầu còn lại dùng 2 tay chập qua, chập lại tạo gió; còn người thứ hai vác thúng lúa trên vai trút xuống theo hướng gió để đưa những tạp chất trong lúa ra ngoài. Công việc giê lúa nầy tốn rất nhiều thời gian và công sức so với giê lúa bằng xa quạt. Sau khi giê sạch lúa xong, vô bao vác về nhà (hoặc cho trâu cộ về). Lúa mang về được trải ra sân phơi khô, sau đó đổ vào bồ dự trữ ăn dần trong năm…

Cối xay lúa                          

Muốn có gạo ăn, phải đem lúa đi xay. Ngày trước nhà máy xay lúa không có, nếu có chỉ  ở những nơi huyện lỵ. Cối xay lúa  trong nhà dân cũng rất hiếm, muốn có gạo ăn phải đi xay lúa nhờ và dùng ghe chở lúa đi cách nhà có khi tới vài cây số, mất cả ngày đường đi và về.

img

Cối xay lúa.

img

Cối giã gạo.

Công việc xay lúa cũng rất vất vả, không phải ai cũng xay được mà cần phải biết kỹ thuật. Xay phải đều tay, thuận theo chiều kim đồng hồ, xay ngược lúa sẽ tróc vỏ không đều. Lúa khi xay về phải sàng, sẩy cho hết trấu; sau đó đem vào cối giã gạo cho đến khi trắng, sàng sẩy tách cho sạch cám để trở thành gạo ăn…

Cối xay bột                          

Nhìn chiếc cối xay bột sao quá ư là thân thiết và gắn chặt với tuổi thơ trong tôi sâu đậm nhất. Tôi nhớ, cứ vào cuối tuần, nội tôi thường làm những món bánh cho chúng tôi ăn, khi thì bánh chuối, khi thì bánh xèo, v.v. Và, để khi làm bánh, nội chuẩn bị ngâm gạo trước một ngày. Sáng sớm hôm sau, nội thức sớm xay bột để làm bánh.

img

Cối xay bột.

img

Chiếc nồi đồng dùng để nấu cơm thời xưa. 

Nhìn dáng dấp gầy gò của nội bên cối xay bột, tôi càng thương mến nội da diết!. Chiếc cối xay bột bằng đá xanh mà tôi nhìn thấy hôm nay như làm sống lại trong tôi những hình ảnh của ngoại ngày xưa!... Ước gì, trong toàn quốc, mỗi tỉnh đều có được một “Nhà bào tàng Nông cụ” như ở Thừa Thiên – Huế này!...                               

(ảnh chụp tại Nhà trưng bày Nông cụ làng Thanh Thủy Chánh).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem