1. Nhưng vì sao dân nhậu đã cắt đi tiếng “rượu”, chỉ nói “nhậu”?
Đơn giản, vì “rượu” (tửu) là một loại thức uống riêng dành cho việc lễ, rất thiêng liêng (“vô tửu bất thành lễ” – lễ không rượu thì không phải là lễ, mà rượu dùng trong “lễ” thì chỉ mang tính tượng trưng. Dấu tích thấy trong khai rượu đã chứng minh rất rõ điều đó: chỉ một cái nhạo cỏn con và một cái chung bé tí! Người được mời chỉ cần nếm môi là đủ!). Vì nhậu chơi không phải là “việc lễ” nên họ không dám lạm dụng trong những trường hợp say xỉn phàm tục. Rất chi là văn hóa!
Xưa người làm rượu phải tuân thủ những chuẩn mực rất nghiêm ngặt. Như thế mới có được “rượu ngon” hay “rượu nồng” vừa trong, sạch vừa ngọt, thơm. Bậc quân tử chuộng dùng rượu trong việc lễ, cho nên rượu, trước hết là một phạm trù sinh hoạt văn hóa của dân tộc.
Hơn ai hết, dân nhậu vẫn biết rất rõ rằng:
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
Say chẳng biết phen này là mấy!
Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say.
Quái! Say sao say mãi thế này?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh.
Thê ngôn tuý tửu chân vô ích,
Ngã dục tiêu sầu thả tự do (*)
Việc trần ai, ai tỉnh ai lo,
Say tuý luý nhỏ to đều bất kể.
Trời đất nhỉ, cái say là sướng thế!
Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay?
Muốn say lại cứ mà say!
------------------
(*) Vợ can, say thật vô ích; chồng không nghe, mà rằng: Ta muốn giải sầu nên cứ mặc sức uống, tức vẫn uống, vẫn say.
--------------
Hẳn Tản Đà muốn nhắc đến một giai thoại về Lưu Linh?
Không sai! Lưu Linh được các tín đồ của ông tôn phong là “tổ nhậu”. Từ cổ chí kim chưa từng nghe ai uống rượu nhiều bằng! Ông là một trong bảy nho sĩ kết thân nhau, sùng chuộng thuyết hư vô, khinh miệt hết thảy những gì mà thời đó gọi là lễ nghĩa, pháp chế. Rủ nhau đến rừng trúc ở Sơn Dương (tỉnh Hà Nam, Trung quốc), mượn đàn hát, rượu thơ để giải sầu (trốn tránh trách nhiệm vì vận mệnh nước Ngụy đương lúc ngã nghiêng – năm Cảnh Nguyên thứ 2). Người đương thời gọi họ là “Trúc lâm thất hiền” (!?).
Khô cá lóc xẻ
2. Ngày Tết mà thiếu rượu là thiếu đi một phần đáng kể trong sinh hoạt văn hóa truyền thống (ngoại trừ những dân tộc/ tôn giáo cữ rượu).
Vì vậy ai cũng chuẩn bị sẵn rượu, ngay cả những bà vợ rất ghét nhậu, quý ông cũng không ngán, vẫn cụng ly thoải mái, bởi trong mấy ngày này không bà vợ nào muốn có chuyện gây cãi lôi thôi trong gia đình. “Mặt lớn mặt nhỏ” chỉ tổ xui cho cả năm. Thành ra, chính quý bà đã chuẩn bị sẵn nào nem bì, lạp xưởng, nào khô cá lóc, khô cá sặc rằn, nào dưa chua củ kiệu…, toàn mồi bén, để giúp quý ông “đưa cay” vui vẻ với bạn bè.
Khô cá sặc rằn
Nhà nào cũng đầy ắp những thức món “chuyên đề” về Tết. Thế là những bữa tiệc thân mật gia đình được dọn ra, đâu đâu cũng la liệt rượu, mồi, vừa ngập tràn tình cảm vừa vô cùng “hoành tráng”, bởi có thể nói nhà ai cũng sáng trưa chiều tối không bao giờ vắng khách.
Thật vậy, nếu trên bộ ván bóng loáng, bên chung trà sen, trà lài nghi ngút khói, các cụ vẫn say sưa nhắc chuyện “hồi nẵm”, thì ngoài sân, các cháu bé đang hớn hở trong bộ quần áo mới, tay không rời miếng bánh, miếng kẹo, và các cô gái đương xuân vẫn mãi nhỏ nhẻ đề tài mứt ngon, trái ngọt… thì cánh thanh niên không thể không vui vẻ bằng cách nâng ly thể hiện cao nhất “tình thương mến thương”. Họ cười cười nói nói vô cùng rôm rả nào “chúc mừng sức khỏe”, “chúc mừng năm mới”, để rồi sau đó “rượu vào lời ra”… Tất nhiên chỉ toàn những lời nói vui, hoặc những câu nói tếu, để cùng cười. Tết mà!
Rượu thuốc ngâm con tắc kè
Đáng tiếc là không ít các ông anh đã lợi dụng sự tử tế của các bà vợ mà mang nợ, đã nghèo lại nghèo thêm, thậm chí tự làm mất uy tín chính mình.
Rượu thuốc ngâm con mối chúa
3. Lên bàn nhậu, họ nhập đề trực khởi:
“Gặp nhau khao một ly”, “ngồi ghế đế một ly”, “cầm đũa dũa một ly”. Thế là đã “vào ba…”. Rồi thì tất cả hãy chuẩn bị để sẽ được “thưởng” hoặc bị “phạt”. Những câu nói bắt vần như vậy vẫn được tiếp tục như, “nói mãi, đãi một ly”, ai sợ “không nói, uống vói một ly”…
Thôi thì đủ cả, kiểu nào cũng “dính”. Có người uống không trôi, hớp vô một ngụm phải lấy hơi “nhấn” vào! Họ bắt đầu hát tuồng “Mạnh ai” (rượu vào lời ra, mạnh ai nấy nói), gì chẳng ra gì, cứ lè nhè, lập nhập, có khi “xổ nho chùm”! Các cụ đằng hắng “dằn phèn”. Vài cô gái từ bàn bên kia bước sang tế nhị nhắc nhở. “Giựt dây dụi” như vậy là cần thiết và đúng lúc, nhưng hoàn toàn vô ích, phản tác dụng là khác, bởi dường như chỉ làm cho họ cao hứng thêm. Một “đại ca” đứng lên xin phép được làm “chủ xị” một vòng. Tất nhiên được duyệt. Thế là mừng khấp khởi, bèn rót đầy ly cạn, liền uống cạn ly đầy (vì “uống, nói mới tin”) rồi đề nghị “đánh nhanh rút lẹ”.
Cả bàn hoan hô: “Luật công xi (ty) cầm ly uống trước”; “Người trước uống sao, người sau uống vậy”. Đại ca bèn “khoả ngộp” liền một lúc ba ly! Xong, “xây vòng”. Ai “kê táng” (còn chừa một chút) phải uống lại ly mới, coi như “bất”. Luật công xi cũng rất dân chủ, ai cảm thấy không tiện ngồi mút mùa thì có quyền rút trước, nhưng phải thượng tôn luật… nhậu: “Vào ba ra bảy (ly)” Thành thử bàn tiệc vẫn đảm bảo đủ sĩ số. “Trận đánh” trở nên quyết liệt. “Em” nào “thọ tiển” thì được quyền “tiêu diêu miền cụp lạc”…
Đến lúc nầy hầu như “khẩu đại bác” nào cũng bắt đầu phóng pháo, nhểu nhảo tùm lum, văng tung toé lên quần lên áo, nước mắt nước mũi tuôn chảy ròng ròng…
Nhậu, cho dù là không “quậy” đi nữa mà uống quá chén kiểu bất kể chết có nên không? Có phải đó là hành vi làm phá vỡ cấu trúc văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc không? Hỏi tức trả lời.
Đáng mừng là hiện nay phần nhiều đều có ý thức “văn hóa giao thông”: trong người đang có rượu, bia “quá nồng độ cho phép” thì không bao giờ dám lái xe, vì như vậy là “liều” – nếu không làm phiền các thầy thuốc ở bệnh viện, chí ít cũng làm phiền Cảnh sát giao thông!
Hơn lúc nào hết, Tết là về nguồn, là dịp tập hợp con cháu tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cũng là dịp chúc mừng nhau trong ngày vui đoàn tụ. Nhưng ăn Tết mà say bí tỉ như vậy sao vui!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.