Ấn tượng đặc biệt trong chuyến thăm Trường Sa với Tướng Lê Khả Phiêu
Ấn tượng đặc biệt trong chuyến thăm Trường Sa với Tướng Lê Khả Phiêu
PVCT (ghi)
Thứ sáu, ngày 07/08/2020 17:15 PM (GMT+7)
“Trong chuyến đi Trường Sa năm đó, ông Lê Khả Phiêu dù đang là Bí thư Trung ương Đảng, Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng suốt chuyến đi vị tướng này vẫn ăn, ở sinh hoạt như mọi người”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu kể.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng, nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, kể với PV Dân Việt:
Ông biết nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ nửa thế kỷ trước, được tiếp xúc và được làm việc hồi ở chiến trường Trị Thiên. Ông đã được nghe ông Phiêu giảng bài tại nhiều buổi tập huấn, hội nghị trong chiến trường.
Ông Đẩu cho biết, ông có nhiều kỷ niệm về ông Lê Khả Phiêu, nhưng kỷ niệm khiến ông ấn tượng nhất là đó chuyến đi thăm Trường Sa do ông Lê Khả Phiêu dẫn đầu cách đây hơn 27 năm.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu kể: Giữa tháng 4/1992, ông được tham gia Đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị do ông Lê Khả Phiêu (lúc đó là Trung tướng - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) dẫn đầu đi thăm Trường Sa.
Theo kế hoạch, Đoàn công tác đến điểm đầu tiên là đảo Phúc Nguyên. Từ Phúc Nguyên sẽ lần lượt thăm Quế Đường, Huyền Trân, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa, tổng số là đi 7 đảo. Từ Trường Sa tàu sẽ trở về đất liền, cập Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa).
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu nhớ lại: Trong chuyến đi này là người chỉ huy trực tiếp, Tướng Lê Khả Phiêu đã thể hiện sự xông xáo. Đoàn công tác đã thâm nhập vào mọi mặt hoạt động cũng như đời sống sinh hoạt của các đơn vị trên các đảo.
Theo Tướng Đẩu, Đoàn đã đi qua các đảo, được gặp gỡ những người lính da đen cháy, tóc đỏ quạnh vì nắng gió, nhưng ở những người lính này luôn thể hiện sự chân chất, với giọng nói tiếng cười phơi phới. Anh em trên đảo cho kể cho Đoàn nghe về biết về tình hình đơn vị, nhiệm vụ được giao, đời sống vật chất, tinh thần trên đảo, chế độ tiêu chuẩn được hưởng, hoàn cảnh gia đình và những đề đạt nguyện vọng.
"Tất cả những người lính ở đây đều toát lên một ý chí mạnh mẽ, dù ở hoàn cảnh gian khó thế nào vẫn không chùn bước. Họ luôn đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau để vượt qua mọi thử thách, kiên cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của của Tổ quốc", Tướng Đẩu nói.
Tại buổi làm việc ngày 19/4/1992 của Đoàn với Ban chỉ huy đảo Trường Sa. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện đơn vị, Tướng Lê Khả Phiêu kết luận, đánh giá cao những kết quả đạt được của cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, vị Tướng này cũng lưu ý, đó mới chỉ là kết quả bước đầu.
Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Lê Khả Phiêu, yêu cầu nhận thức nhiệm vụ phải sâu hơn, vấn đề giữ vững độc lập chủ quyền ở Trường Sa có ý nghĩa chính trị, quân sự, kinh tế, cả trước mắt và lâu dài. Sự hiện diện của lực lượng vũ trang ở đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Phải giữ vững về quân sự để từ đó phát triển kinh tế. Kinh tế, quân sự, đối ngoại phối hợp chặt chẽ với nhau vì một mục tiêu chung là giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tướng Phiêu nhấn mạnh sứ mệnh lịch sử này, Tổ quốc và nhân dân giao phó cho lực lượng vũ trang.
Thời điểm đó, nước ta mới bước vào thời kỳ đổi mới được vài năm. Kinh tế của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, ngân sách quốc gia còn hạn hẹp. Do đó, đời sống vật chất bộ đội nói chung và ở bộ đội ở Trường Sa chưa được còn nhiều kham khổ. Nhà nước chưa có điều kiện đầu tư về mọi mặt cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở Trường Sa. Thế nhưng điều đó không làm giảm ý chí, sự quyết tâm trong bảo vệ chủ quyền của những người lính Trường Sa.
Điều khiến ông Đẩu và nhiều cán bộ trong Đoàn công tác ấn tượng là tác phong sinh hoạt của ông Lê Khả Phiêu trong chuyến đi này. Là Trung tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhưng ông vẫn sinh hoạt, ăn uống như mọi người.
Tướng Đẩu nhìn nhận: Đó là tính cách của ông, từ trước tới nay vẫn vậy, luôn sống dân dã, gần gũi, hòa đồng với mọi người, không bao giờ thể hiện sự quan cách . "Có những buổi chiều tà, ánh mặt trời vàng rực lấp lánh chùm trên mặt biển, ông cùng mấy anh em trong Đoàn ngồi đánh cờ trên boong tàu", Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu nhớ lại.
Có lần, tàu Titan HQ 957 không cập vào bờ đảo đá chìm được. Đơn vị trong đảo cho xuồng ra đón các thành viên vào thăm đảo. "Tướng Phiêu cũng mặc chiếc áo phao như mấy anh em chúng tôi từ tàu xuống xuồng vào thăm đảo. Giữa sóng trùng khơi, vị tướng già, đầu trần tóc xõa, da đen xạm được các chiến sĩ ào ra đón với niềm cảm kích", Tướng Đẩu nói.
Vẫn theo Tướng Đẩu, trong chuyến đi này có những lúc gặp sóng ngầm, nhiều người tuy người trẻ tuổi trong Đoàn bị say sóng nôn thốc nôn tháo, nhưng vị Tướng 61 tuổi Lê Khả Phiêu vẫn không hề hấn gì.
Toàn bộ chuyến đi Trường Sa chỉ hơn 10 ngày, nhưng quãng thời gian đó, Tướng Lê Khả Phiêu, vị Tướng từng trải qua các chiến trường ác liệt, từ Bắc –Trung –Nam, đến trường chiến nước bạn đã để lại ấn tượng sâu sắc với không chỉ mọi người trong Đoàn mà cả các cán bộ, chiến sĩ trên đảo khi lần đầu gặp ông.
Tin cùng chủ đề: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần
Vui lòng nhập nội dung bình luận.