Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn

Đỗ Đức Thứ bảy, ngày 05/03/2016 13:32 PM (GMT+7)
Tôi như bị lôi đi trong không khí oán hờn đầy sát khí. Tự nhiên thấy rùng mình. Tỉnh ra hiểu rằng ban tổ chức văn nghệ ở đây đã phạm vào hai điều tối kị.
Bình luận 0

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, cái đó ăn vào tâm thức người Việt, khiến cho cái tết Việt vào thời hiện đại khó hòa đồng bởi sự dềnh dàng, sống chậm, bởi cỗ bàn tiệc tùng hội hè triền miên…Khiến công việc như phải đứng ngoài cuộc chờ tan cơn say của các  đấng mày râu và tan cơn mê của giới nữ nhi trong hội hè  triền miên.

Phép vua thua lệ làng. Còn làng là còn hội. Cái làng quê bé nhỏ khép kín trong những hương ước.  Lệ làng và văn hóa kép kín khiến nghìn năm Bắc thuộc, văn hóa phương Bắc chỉ thập thò ngoài ngõ, không thấm được vào làng xã. Đó là cái ấm ức lớn nhất của thế lực xâm lược không xâm thực nổi nước Nam này,  vì vậy  mà không nuốt nổi nước Nam.

Nhưng như một quy luật  đã chỉ ra: cái ưu điểm kéo dài nó sẽ thành cái khuyết điểm không kém tệ hại. Lệ làng thành cái vỏ ốc góp phần quan trọng bảo vệ văn hóa  thì nó lại thành cản trở sự phát triển vì nó không chịu thay đổi. Có thể thấy là nó không chịu lớn lên, không chịu phát triển, nó thỏa mãn với cái nó có và tự tại với cái trì trệ  một cách mãn nguyện. Nó không chết và  làm cho xã hội cằn cỗi. Những tục lệ trở thành những cây bonsai cốt để ngắm nhìn hơn là đem lại lợi ích lớn cho tinh thần xã hội.

Một lần ở quê, một bậc phụ huynh  bảo tôi: “Văn hóa hội lễ châu thổ Bắc bộ là văn hóa Đông – Đoài. Tháng Giêng từ Kinh Bắc, tháng 2 lan xuống Hưng Yên, Hải Dương, rồi Thái Bình lan sang Quảng Ninh, kết thúc ở đó vào tháng Năm để bắt đầu cho hội lễ ở vùng văn hóa Đoài là Sơn Tây Hà Đông. Đông chùa, Đoài đình là hai vùng văn hóa tiêu biểu của Bắc bộ mà các hội lễ nối nhau không trùng lặp ngày. Người ta có thể đi hội suốt nửa năm đấy”.

Đúng thế thật.

Cho đến bây giờ , tinh thần làng xã hiện ra trong các lễ hội vẫn đậm sắc thái níu kéo. Được nhà nước nới tay  cho phục hồi, sau thời gian dài cấm đoán , những lễ hội đứt gẫy được khôi phục, kịch bản lơ mơ, người ta nhồi thêm nhiều thứ  cho mùi mẫn, và không phải không có lễ hội mang tính lạm dụng hơn là phục hồi. Cũng có nơi chính quyền yếu kém còn phụ họa thêm cho rôm rả, nhất là  khi chính quyền tham gia chỉ đạo tổ chức và nhả vào đó chút ngân sách hoạt động thì chè chén nhậu nhẹt sẽ được phát huy đỉnh cao ngay.

Hàng năm các làng cổ Bắc bộ  có hội chùa và  hội đình. Hội chùa hay hội đình thì ngày đầu đều là giỗ tổ. Chùa thì giỗ sư tổ, đình thì giỗ thành hoàng. Sau đó là rước sách, và dân làng bỏ việc đi hội  lễ phật lễ thánh.  Hội chùa thì dân tứ xứ kéo về, nên thường có nhiều trò chơi và thiện nam tín nữ có cơ hội gặp nhau giao lưu văn hóa qua thơ ca, hát ví  trong những tối nghỉ lại ở hậu chùa.

Làng tôi Ninh Hiệp chợ vải ở Gia Lâm (Hà Nội),  hội vào mùng Bốn đến mùng Sáu tháng Hai, năm nào cũng có “tuồng tiến” ở làng Tấn Bào bên Bắc Ninh sang diễn dâng lên cửa Phật. Những buổi như thế dân xúm đến xem những tích những vai diễn thuộc lòng, họ thướng tiền cho  diễn viên. Còn diễn viên coi những đồng tiền thướng đó như lộc phật, trân trọng không vì được nhiều hay ít. Tưồng tiến, hát tiến trước đình đền chùa chỉ xảy ra vào dịp lễ hội chứ tuyệt nhiên cửa đình cửa chùa ngày thường  không bao giờ được làm sân diễn văn nghệ . Chính quyền cũng không bao giờ tự tiện cho diễn ở những nơi đó, vì đấy là chỗ linh thiêng của làng xã.

Câu “ ăn tùy nơi, chơi tùy chốn” chính là câu chuyện này.

Hầu hết tuồng tiến, hát tiến  kể cả hát chèo tàu đều mang đậm chất văn hóa dân gian, vẻ đẹp con người, giàu có của đất nước hoặc về ứng xử, kể về cái hay cái đẹp cái nhân ái cái con người với . Còn tuồng chèo thì diễn theo tích  những chuyện nhân văn có tính giáo dục cao chứ không hận thù khích bác chia rẽ..

Hôm chủ nhật gần đây, tại đền Ngọc Sơn ngay trung tâm thủ đô Hà Nội bất ngờ có cuộc trình diễn văn nghệ tại sân đền. Tôi chắc đó là nhã ý của Sở Văn hóa Thể thao, muốn tổ chức vui cho công dân thủ đô và khách thập  phương, chứ không phải là hát tiến ngày hội đền trước cửa thánh.

Ban đầu tôi thấy có hát văn, múa cờ. Nghe hát  tưởng lên đồng, nhưng khi thấy đến bốn năm cây cờ múa thì hiểu ra  họ đang diễn. Sau đó thấy có quan họ. Chấm dứt quan họ thì một ca sĩ mặc trang phục quân đội  lên hát bài “Cô gái vót chông”.

Bài hát một thời sôi động trong chiến tranh chống Mĩ: “Ai nhanh tay vót bằng tay em/chim hót không hay bằng tiếng hát  em/mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù/xuyên thây  quân cướp nào qua đây, chôn thây quân cướp nào qua đây. Khi còn giặc Mỹ cọp beo/ khi còn giặc Mỹ cọp beo/ em chưa ngừng tay vót chông rào nương rẫy…”

 Tôi như bị lôi đi trong không khí oán hờn đầy sát khí. Tự nhiên thấy rùng mình. Tỉnh ra hiểu rằng ban tổ chức văn nghệ ở đây đã phạm vào hai điều tối kị: Một là lấy sân đền làm sân khấu, không phải sinh hoạt hát tiến của hội đền là không được phép. Hai là bài hát đầy hận thù chém giết, khi cuộc chiến đã lùi xa đến 41 năm, đó là điều tối kị trước cửa đền tôn nghiêm trong tháng tết.

Tôi không trách ca sĩ, vì họ được mời diễn cho khách thập phương nhưng về  tổ chức diễn kiểu này là sự vi phạm thuần phong mĩ tục, về chính trị thì quả là việc mất mặt trước khách nước ngoài đầy trong đó.

Cách làm văn hóa như này của quận Hoàn Kiếm, mà rộng ra là Hà Nội quả là cần xem lại. Không phải chính quyền cứ muốn làm gì thì làm, dù mục đích có thể tốt nhưng cách tổ chức dở hoặc xâm phạm di tích.

Điều đó rất đáng quan ngại!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem