Chiều ngày 13.2 (mùng 9 tháng giêng), dân làng Triều Khúc mở hội tưng bừng để tưởng nhớ công ơn Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Hội làng Triều khúc vốn nổi tiếng với tiết mục múa bồng độc đáo được thực hiện bởi các thanh niên trai tráng trong làng.
Em Chí Hiếu (17 tuổi), thành viên trẻ nhất trong đội múa chia sẻ, em tham gia đội giả gái múa bồng đã được 5 năm và không ít lần bị người khác trêu đùa, chế giễu.
"Tuy nhiên em không mấy để tâm vì với em, được đóng góp sức mình để gìn giữ một nét văn hóa đẹp của làng và mang lại niềm vui cho mọi người xung quanh là một điều tuyệt vời", Hiếu chia sẻ.
Theo truyền thống, các diễn viên được chọn để tham gia vào điệu múa bồng sẽ phải trang điểm, tô son, điểm phấn cho giống nữ nhi trước khi thực hiện tiết mục.
Đồng thời, các diễn viên cũng phải khoác lên mình những bộ cánh sặc sỡ, điệu đà, chít khăn mỏ quạ.
Để tạo ra những đường múa uyển chuyển, điêu luyện, các chàng trai phải nỗ lực luyện tập trong thời gian dài. "Bên cạnh các động tác múa thì thần thái của người múa cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng. Để mang đến niềm vui cho người xem, các diễn viên luôn phải nở một nụ cười thật tươi", Hiếu nói thêm.
Các diễn viên múa cặp với nhau thường có nhiều động tác áp sát, tạo dáng uốn éo đầy hóm hỉnh.
Ánh mắt lẳng lơ đưa tình, miệng cười xinh cùng những bước nhảy mềm mại hòa theo nhịp trống dồn dập khiến người xem thích thú.
Tương truyền khi xưa, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc Đường đã cho quân nghỉ chân ở Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay). Tại đây, ngài lệnh cho một số lính nam cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ.
Do vậy, điệu múa này thường được biểu diễn trong những ngày làng mở hội, vào đám, đó là ngày Phùng Hưng lên ngôi vua từ mùng 9-12.1 Âm lịch, ngày vua mất (vào tháng 8 Âm lịch).
Song song với việc múa là màn rước kiệu vua Phùng Hưng quanh làng. Trai tráng các thôn cùng mặc những bộ quần áo ngày xưa để hóa thân thành những vị quan.
Đoàn rước đi đến đâu, tiếng tù và vang theo đến đó .
Ngoài ra còn có tiết mục múa sinh tiền của các nữ nhi khiến cho lễ hội thêm phần nhộn nhịp.
“Con đĩ đánh bồng” là một trong 10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long. Câu nói dân gian "lẳng lơ như đĩ đánh bồng" cũng xuất phát từ đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.