Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở phường Minh Nông, TP.Việt Trì là nét đặc sắc, độc đáo của vùng đất Tổ, nơi sản sinh và tụ hội nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Phần tế mở đầu cho Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Ảnh: Ngô Hùng
Truyền thuyết Hùng Vương kể rằng, xưa kia nhân dân chưa biết cày cấy để làm ra thóc gạo mà chỉ sống dựa vào rễ cây, rau dại, thịt thú rừng. Thấy vùng đất ven sông sau mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ, Vua Hùng mới gọi dân đến để dạy cách đắp bờ giữ nước. Một hôm, các con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông, thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mị Nương, nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành, liền bảo các Mị Nương ra bãi tuốt các bông lúa đó đem về.
Mùa xuân, Vua dạy các con và người dân lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên Vua Hùng nhổ mạ, đem tới và lội xuống ruộng, cấy cho dân xem. Các Mị Nương và nhân dân từ đó cùng làm theo.
Nhớ ơn Vua Hùng, nhân dân đã tôn Vua làm ông tổ nghề nông, thường gọi là Thần Nông và dựng đàn Tịch Điền quay lưng về hướng Tây Nam, nơi xưa kia Vua đã dạy dân cấy lúa. Hàng năm, vào dịp đầu xuân mới, nhân dân địa phương lại tổ chức thực hành tín ngưỡng và sinh hoạt lễ hội để tưởng nhớ ơn Vua Hùng. Dấu tích vật chất gắn với không gian thực hành lễ hội truyền thống trước đây, hiện vẫn còn tại ba khoảnh đất, nơi có đền Thượng (đầu xóm Giải Làng) thờ Cao Sơn Đại Vương; đền Trung (ở giữa xóm Giải Làng) thờ Ngọc Cảnh Đại Vương và đền Hạ (ở cuối xóm Giải Làng) thờ Nàng Nội - một nữ tướng thời Hai Bà Trưng.
Hiện nay, trong phạm vi không gian đền Thượng, người dân xây dựng một ngôi chùa thờ Phật và các nhân vật khác được dân làng tôn vinh, thờ phụng. Cách ba ngôi đền khoảng 1km là đàn tế Vua, hay còn gọi là đàn Tịch Điền, được đặt trên khoảnh đất vua Hùng đến dạy dân cấy lúa năm xưa. Đây cũng là trung tâm tế lễ hàng năm của người dân Minh Nông khi mỗi kỳ bắt đầu thời vụ.
Lãnh đạo TP.Việt Trì dâng hương tưởng nhớ đến công lao của Vua Hùng. Ảnh: Ngô Hùng
Sau một thời gian gián đoạn từ năm 2000 - 2018, tỉnh Phú Thọ mới có điều kiện để phục dựng lại Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa với mong muốn tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương. Lễ hội thu hút sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của đông đảo bà con nhân dân và du khách. Lễ hội góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Lễ hội Vua Hùng dạy dân đi cấy lúa có hai phần, gồm phần lễ và phần hội. Sau phần tế của các cụ cao niên trong phường là phần nhập vía Vua Hùng để dạy dân cấy lúa (phần hội). Phần hội diễn ra cuộc thi cấy lúa giữa các đội cùng nhiều trò chơi dân gian khác.
Mong muốn của người dân nơi đây cũng như khách thập phương là Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần quy hoạch khu di tích trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, phục vụ đồng bào và du khách thập phương.
Một số hình ảnh trong Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.