Dịch Covid-19: Làm 1kg điều nhân, doanh nghiệp lỗ 5.000 đồng, nửa công nhân nghỉ việc

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 08/08/2020 13:40 PM (GMT+7)
Chưa kịp mừng vì EVFTA vừa khởi động, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại tiếp tục đe dọa kéo dài tình cảnh khó khăn của ngành chế biến, xuất khẩu điều cho đến cuối năm. Nửa đầu năm 2020, xuất khẩu nhân điều tăng trên 16% về lượng nhưng chỉ tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, giá xuất khẩu cũng giảm khoảng 14%.
Bình luận 0

Từ cuối tháng 5 đến nay, lượng nhân điều được chế biến tại Việt Nam giảm đáng kể do nhiều nhà máy đóng cửa hoặc giảm công suất. Tuy nhiên, điều này chưa đủ sức kéo giá điều nhân nhích lên.

Doanh nghiệp nhỏ mất sức đề kháng

Trước đây, công suất bình quân của Công ty TNHH Vơn Quyên (thị xã Phước Long, Bình Phước) khoảng 100 tấn điều nhân/tháng thì nay giảm chỉ còn 1/5. Doanh nghiệp này cũng phải cho phân nửa công nhân nghỉ việc, vài dây chuyền sản xuất đã ngừng hoạt động.

Bà Thái Thị Quyên - Giám đốc Công ty Vơn Quyên kể, nguyên liệu đầu vào cao mà hạt điều khó xuất bán, giá điều nhân liên tục sụt giảm. Bà Quyên nhẩm tính, cứ làm ra 1kg điều nhân, doanh nghiệp lỗ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Dịch Covid-19 lại phủ “bóng tối” lên ngành điều - Ảnh 1.

Giá điều giảm khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Với điều thô, thị trường giao dịch cũng không khả quan hơn. Một số nhà máy chế biến điều vừa và nhỏ đã đóng cửa hoặc giảm công suất, không mua thêm nguyên liệu do giá điều thô quá cao so với giá nhân có thể bán được.

 Bà Trần Tuyết Mai - chủ cơ sở sản xuất hạt điều Lý Thành Côi (thị xã Phước Long) cho biết, đơn vị gặp nhiều khó khăn do điều thô trượt giá. Trước đó, cơ sở của bà Mai đã bỏ ra gần 500 triệu đồng đặt cọc mua 150 tấn hạt điều nguyên liệu. Đến nay, bà Mai đành chấp nhận bỏ số tiền đặt cọc này vì nếu lấy hàng về sản xuất thì ước tính cơ sở phải mất thêm 200 triệu đồng nữa để bù lỗ.

Hiện cả nước có khoảng 3.000 cơ sở chế biến điều. Chỉ riêng Bình Phước đã có 1.400 cơ sở, phần lớn vẫn là những cơ sở vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều cơ sở chế biến khác cho biết nếu tình trạng này còn kéo dài từ 1 - 2 tháng nữa thì họ không còn đủ sức cầm cự.

Dịch Covid-19 lại phủ “bóng tối” lên ngành điều - Ảnh 2.

Chế biến hạt điều tại một công ty ở Bình Phước. Ảnh: Phan Anh

"Trước mắt, Vinacas vẫn khuyên các nhà chế biến trong nước không nên mua điều thô nếu chưa cân đối được giá điều nhân bán ra.

"Ngành điều vẫn tiếp tục giữ chủ trương giảm lượng, tăng chất và nỗ lực vượt khó để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 3,2 tỷ USD vào cuối năm".

Ông Phạm Văn Công

Theo thống kê của Chi cục Thuế khu vực Phước Long - Bù Gia Mập - Phú Riềng, nơi tập trung khoảng 70% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hạt điều của Bình Phước, từ đầu năm đến nay đã có hơn 100 đơn vị buộc phải tiếp tục đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Còn theo Cục Thống kê Đồng Nai, nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ xuất khẩu được hơn 14.600 tấn hạt điều với kim ngạch gần 22 triệu USD, chỉ bằng 41% sản lượng so với cùng kỳ năm trước và giảm hơn 51% về giá trị.

Những kịch bản xấu đang chờ

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), xuất khẩu nhân điều nửa đầu năm tăng trên 16% về lượng (hơn 232.000 tấn). Nhìn vào thì tưởng khả quan nhưng theo các chuyên gia trong ngành, con số này chưa phản ánh đúng thực tế thị trường.

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas cho biết, trong vòng 1 thập kỷ qua, chưa bao giờ thấy giá điều thô lẫn điều nhân giảm sâu như vừa qua.

So sánh với mốc gần nhất là cùng kỳ nửa đầu năm ngoái, giá điều nhân xuất khẩu kỳ này (6.606USD/tấn) giảm gần 14%; giá điều thô nhập khẩu (1.287USD/tấn) cũng giảm gần 12%. Ở Bình Phước, giá hạt điều dao động từ 18.000 - 21.000 đồng/kg, thấp hơn giá bán 30.000 - 32.000 đồng/kg của năm ngoái.

Thêm một nghịch lý nữa là ở một số thời điểm, cùng một mã hàng, giá điều nhân mua bán nội địa lại cao hơn từ 15 - 20% so với giá xuất khẩu. Điều này đã làm cho tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp thuần thương mại xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 265.000 tấn, tăng 10,4% về lượng, nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ. Xuất khẩu hạt điều trong quý III có khả năng sẽ giảm mạnh. Phải đến quý IV, nhu cầu nhập khẩu ở các nước lớn mới tăng cao để phục vụ dịp lễ, tết cuối năm.

Tuy nhiên, Cục Xuất, nhập khẩu cũng nhận định, việc xuất khẩu hạt điều sẽ còn phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh. Nếu dịch bệnh còn phức tạp, sự phục hồi của ngành điều sẽ còn bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Công cũng cho rằng, nhu cầu tiêu dùng nhân điều toàn cầu từ nay đến cuối năm vẫn là dấu hỏi lớn. Bởi hạt điều không phải là sản phẩm thiết yếu, không thể thay thế trong lúc có dịch.

Vinacas đặt trường hợp, nếu dịch Covid-19 bị ngăn chặn, thế giới có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bình thường trở lại. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra.

Kịch bản thứ 2 là làn sóng Covid-19 tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực và khó lường, chuỗi cung ứng điều toàn cầu tiếp tục bị phân mảnh. Trong lúc chưa ai biết chắc tiêu thụ ở Mỹ và châu Âu sẽ thế nào; nhu cầu từ Trung Quốc, Ấn Độ vốn đã sụt giảm sẽ còn tiếp tục ảm đạm đến cuối năm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem