Xóm Cồn Thị, TP.Tam Kỳ chìm sâu trong nước lũ.
Sáng nay (17.12), Dân Việt đã được người dân Cồn Thị, TP.Tam Kỳ trực tiếp đưa ghe đi thị sát. Tại đây gần trăm ngôi nhà của người dân đã bị chìm sâu trong nước lũ từ 1 đến 1,5m. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, toàn bộ đồ đạc, heo, gà, chó được người dân di chuyển hết vào trong gác cao. Họ đưa cả ghe, thuyền vào luôn trong nhà để ở, nấu ăn và di chuyển ra bên ngoài.
Anh Phan Văn Liền (trú Cồn Thị, TP.Tam Kỳ) cho biết chỉ trong vòng 10 ngày mà dân vùng này phải gánh đến 2 trận lụt lớn do hồ Phú Ninh xả lũ kèm nước lũ thượng nguồn đổ về, nhà cửa ngập hết, người dân ở đây chỉ biết nhờ cậy vào ghe, thuyề.
“May mắn đợt lũ trước dân chúng tôi đã di chuyển đồ đạc lên trên gác chưa kịp chuyển xuống, chứ chuyển xuống sớm thì coi như đợt lũ này ngập hết rồi, vì lũ về trong đêm trở tay dễ gì kịp. Tết nhất cận kề rồi mà sao lũ, lụt mãi…”.
Nhà bà Phan Thị Gặp (62 tuổi, trú Cồn Thị) bị chìm sâu trong nước đến 1m, có nơi đến 1,5m. Bà đang ngồi co ro trên chiếc ghe ở luôn trong nhà, còn gà, vịt bà ưu tiên cho chúng nó ở trên bàn, tủ cao ráo. Trong khi đó, chồng bà bị bệnh phải nằm ở trên gác.
“Mới đêm qua mà sáng nay nước lũ tràn về đã nhấn chìm toàn bộ. Nhà tôi gần bờ sông nên nước ngập khiếp quá, đành phải đưa ghe vào luôn trong nhà để sinh hoạt, nấu ăn và ở…” - bà Gặp chia sẻ.
Theo ghi nhận, ở Quảng Nam trời đang tạnh ráo, nhưng hồ Phú Ninh vẫn đang xả lũ với lưu lượng 450m3/s. Việc xả lũ này khiến mực nước sông Tam Kỳ dâng cao ở mức báo động 2, khiến nhiều nơi bị chìm sâu trong nước.
Một số hình ảnh Dân Việt ghi lại tại Cồn Thị, dân gồng mình sống chung với lũ:
Người dân chỉ biết cậy nhờ ghe, thuyền lưu thông với bên ngoài.
Nhà đã bị ngập sâu hơn 1m nước, bà Phan Thị Gặp (62 tuổi, trú Cồn Thị) đưa luôn ghe ở luôn trong nhà để ở và sinh hoạt.
Anh Phan Văn Liền đưa ghe vào nhà để cho vợ, con đi ra đi vào.
Nước lũ dâng nhanh, 10 ngày đến 2 trận lụt làm dân trở tay không kịp.
Gà, vịt, chó được người dân Cồn Thị ưu tiên sinh sống trên cao và ở cả ghe, thuyền.
Một chú chó ngóng chủ đến đón đi tránh nước lũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.