Áp dụng tờ khai y tế phòng dịch MERS

Diệu Linh (thực hiện) Thứ ba, ngày 24/06/2014 07:27 AM (GMT+7)
Từ ngày 1.7, 3 sân bay quốc tế bao gồm Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh), Nội Bài (Hà Nội) và Đà Nẵng phải triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với các hành khách nhập cảnh từ 9 quốc gia vùng Trung Đông.
Bình luận 0

Ngày 23.6, trao đổi với phóng viên Báo NTNN về vấn đề này, TS Trần Đắc Phu (ảnh) – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do corona virus (MERS-CoV) có thể vào Việt Nam bất cứ lúc nào. Bộ Y tế phải thực hiện ngay các hoạt động dự phòng, trong đó có tờ khai y tế.

Theo đánh giá của ông, bệnh MERS-CoV hiện nay nguy hiểm như thế nào?

- Để dễ so sánh, tôi xin nhắc lại, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (SARS) lây qua đường hô hấp năm 2003 đã gây nên dịch bệnh khiến hơn 8.000 người mắc trong một thời gian ngắn, trong đó 10% ca mắc tử vong. MERS-CoV cũng có các triệu chứng sốt cao, ho, khó thở và suy hô hấp. Tuy nhiên, MERS-CoV có tỷ lệ tử vong rất cao, đến 30%.

img
TS Trần Đắc Phu (ảnh) – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

 

Hai nước ở Đông Nam Á là Philippines và Malaysia đã có ca bệnh đầu tiên, mà bệnh nhân là người đi du lịch từ các nước Trung Đông về. Tại Việt Nam, du khách, người lao động, học tập đến từ các nước này không nhỏ và nhiều người Việt cũng từ các nước Trung Đông trở về. Do đó, MERS-CoV có thể vào Việt Nam bất cứ lúc nào.

Nguồn lây bệnh của MERS-CoV hiện ra sao, thưa ông?

- Hiện nay, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì MERS-CoV được tìm thấy ở lạc đà. Những người tiếp xúc với lạc đà và ăn thịt lạc đà chế biến chưa kỹ đều có khả năng lây nhiễm MERS-CoV.

Tuy nhiên, nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng đã có sự lây nhiễm từ người sang người. Có tới 25% ca mắc là cán bộ y tế, điều này cho thấy lây nhiễm trong bệnh viện. Đáng lo ngại, có tới gần 30% ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, do đó rất khó chẩn đoán, cách ly sớm. Đến khi suy hô hấp nặng thì bệnh lại diễn tiến rất nhanh, gây suy đa phủ tạng và rất dễ tử vong.

Việc áp dụng tờ khai y tế tại sân bay hiện được triển khai thế nào?

Các ca bệnh MERS đầu tiên được phát hiện từ năm 2012. Tới tháng 4 và 5.2014, số mắc tăng dồn dập đến hơn 400 ca. Tích lũy từ đầu năm đến nay đã lên đến 703 ca tại 22 nước, trong đó ít nhất 250 ca tử vong.

- Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nguy hiểm, Bộ Y tế đã xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Giao thông -Vận tải, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để có biện pháp cấp thiết. Hiện Bộ Y tế mới yêu cầu áp dụng tờ khai y tế tại sân bay đối với hành khách nhập cảnh Việt Nam đi trên các chuyến bay xuất phát từ 9 quốc gia vùng Trung Đông (Ảrập Xêút, Quatar, Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Oman, Yemen, Co-oet, Lebanon, Jordan và Iran).

Những hành khách đến từ các nước khác sẽ được giám sát qua hệ thống máy đo thân nhiệt. Đây cũng là lần thứ 3 Việt Nam áp dụng tờ khai y tế đối với du khách tại sân bay. Trước đó là khi có dịch SARS năm 2003 và cúm H1N1 năm 2009.

Theo ông, việc kê tờ khai y tế có phát hiện triệt để các ca bệnh?

- MERS-CoV gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp với các biểu hiện sốt cao trên 39 độ, ho, khó thở. Do đó, chỉ những hành khách sốt, ho mới cần giữ lại để thăm khám kỹ. Nếu trường hợp nào nghĩ tới MERS-CoV thì sẽ được cách ly tại sân bay hoặc đưa về cơ sở y tế để điều trị.

Việc khai tờ khai y tế chính là để kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ cao, đồng thời nắm rõ địa chỉ của hành khách để tiếp tục theo dõi tại cộng đồng. Đây là quyền lợi của hành khách nên Bộ Y tế yêu cầu cán bộ sân bay tuyên truyền cho hành khách hiểu và hợp tác.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem