Không để người nghèo chịu giá điện cao
Theo Thông tư số 08 của Bộ Công Thương, giá bán điện bình quân năm 2010 sẽ là 1.058 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,8% so với giá bán điện bình quân là 970,9 đồng/kWh của năm 2009. Mức giá mới này bắt đầu thực hiện từ ngày 1-3.
|
Giá điện mới sẽ đảm bảo không gây khó khăn cho các hộ dân nghèo |
Ngay sau khi áp dụng giá điện mới, nhiều khách hàng của EVN đã thắc mắc về thủ tục như chốt công tơ, chốt thời hạn hợp đồng, cách tính giá điện sinh hoạt... đặc biệt là những hộ có nhà, phòng cho thuê.
“Theo quy định, dưới 50 kWh đầu được hưởng giá điện như cũ, nhưng chủ nhà cho thuê vẫn dựa trên số điện của cả dẫy trọ để tăng tiền điện từ 2.500 đồng/kWh lên 3.000 đồng/kWh”. Anh Nguyễn Văn Khanh - sinh viên Trường Cao đẳng Nội vụ, thuê nhà ở Xuân Đỉnh, Tây Hồ (Hà Nội) nói.
Giải thích về vấn đề này, bà Hoàng Anh - Trưởng phòng Thi đua tuyên truyền (Công ty Điện lực Hà Nội) cho biết: “Giá bán buôn điện sinh hoạt nếu kê khai được số người thì được tính bình quân 4 người tương đương 1 hộ để tính định mức điện sinh hoạt bậc thang theo quy định.
Trường hợp không thể kê khai được số người để tính định mức hộ gia đình thì áp dụng giá bán buôn điện sinh hoạt của bậc thang từ 101 - 150kWh theo khu vực tương ứng. Giá bán lẻ điện tiêu dùng sinh hoạt bậc thang quy định bao gồm 7 mức giá. Đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc uỷ quyền cho đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Trong trường hợp này cứ 4 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú) tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, tương đương 3 người là 3/4 định mức. Đây được coi là cách để “gỡ rối” cho các thành phần là sinh viên, lao động thu nhập thấp... khi đi thuê nhà thường bị chủ nhà bắt chẹt tính tiền điện với giá cao”.
Ngành điện khẩn trương “cài đặt lại”
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội giãi bày: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của Công ty Điện lực là cài đặt lại thông số, thời gian cho công tơ điện phù hợp với quy định mới về giờ cao điểm, thấp điểm. Hiện Hà Nội có hơn 8.000 công tơ điện tử, nằm rải rác trên toàn địa bàn, việc cài đặt phải thực hiện tại hiện trường nơi đặt công tơ. Do đó, công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư thiết bị, phương tiện cũng như phương án phối hợp giữa các bộ phận chức năng, thiết lập lịch hẹn làm việc với khách hàng gặp nhiều khó khăn”.
Trao đổi với NTNN ngày 1-3, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong ngày 3-1, EVN tập trung bố trí lực lượng cán bộ công nhân viên để thực hiện chốt chỉ số công tơ đo đếm điện của tất cả các khách hàng mua điện (trừ khách hàng mua điện sinh hoạt).
EVN cũng tiến hành tập huấn cho tất cả cán bộ, công nhân viên có liên quan đến công tác thực hiện giá điện, nắm vững nội dung Thông tư 08 của Bộ Công Thương; tổ chức các bộ phận tiếp nhận thông tin và bố trí nhân lực đủ trình độ chuyên môn, đặc biệt là tập huấn cho đội ngũ thu ngân phương pháp tính toán và thể hiện thay đổi giá trên hóa đơn tiền điện tháng để giải đáp kịp thời, chính xác các ý kiến của khách hàng sử dụng điện và của nhân dân.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.