Áp lực kép từ tỷ giá và lãi suất: Doanh nghiệp nào đang vay nợ USD lớn?
Áp lực kép từ tỷ giá và lãi suất: Doanh nghiệp nào đang vay nợ USD lớn?
Huyền Anh
Thứ năm, ngày 29/09/2022 07:41 AM (GMT+7)
1 tuần sau quyết định tăng lãi suất của Mỹ, USD ở mức đỉnh lịch sử 20 năm. Trong nước, tỷ giá USD/VND "nóng" trên các thị trường từ liên ngân hàng tới chợ đen. Rủi ro hiện hữu đối với các doanh nghiệp sử dụng nợ vay lớn bằng USD.
1 tuần kể từ sau động thái tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá USD trên thế giới liên tục duy trì ở mức đỉnh cao nhất 20 năm qua.
Chỉ số USD Index - đo lường biến động của USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện đang giao dịch trên 113 điểm, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rủi ro hiện hữu đối với các doanh nghiệp sử dụng nợ vay bằng USD
USD mạnh hơn khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và các ngân hàng thương mại tăng khoảng 4% từ đầu năm đến nay, mức cao lịch sử.
Đáng chú ý, một lần nữa giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã vượt mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước bán ra. Điều này có nghĩa có những nhu cầu mua USD giữa các ngân hàng thương mại phải tự tìm đến với nhau, thay vì đăng ký mua tại Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Theo dự báo của của ông Vũ Mạnh Hùng – chuyên viên phân tích tại Chứng khoán VnDirect, VND có thể mất giá khoảng 3,5-4,0% so với đồng USD trong năm 2022.
Tuy nhiên, sang năm 2023 áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và dự báo VND tăng giá so với USD trong năm 2023.
Nguyên nhân, do Fed chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa chính sách" trong năm tới và lãi suất USD giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023.
Đồng thời, lãi suất VND duy trì xu hướng tăng trong năm 2023. Bộ đệm tốt từ thặng dư thương mại và cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cải thiện trong năm 2023.
Đánh giá tác động đối với doanh nghiệp, chuyên viên phân tích VnDirect cho hay, nhiều doanh nghiệp chịu cảnh "thiệt đơn thiệt kép" bởi tỷ giá và lãi suất USD.
Vị này phân tích, biến động bất lợi của tỷ giá hối đoái và lãi suất đồng USD tăng cao làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp (DN) có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD.
Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng có sự khác biệt giữa hình thức trả lãi (lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi) và kỳ hạn khoản vay (ngắn hạn hay dài hạn).
Đối với hình thức trả lãi, những DN có khoản vay bằng đồng USD với lãi vay cố định và/hoặc thả nổi đều phải chịu áp lực tăng chi phí lãi vay, và lỗ tỷ giá (đánh giá lại khoản vay) do ảnh hưởng bất lợi của biến động tỷ giá và lãi vay đồng USD.
Những DN có khoản vay USD với lãi suất cố định sẽ chịu áp lực gia tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá khi đánh lại giá trị khoản vay do tác động của tỷ giá.
Đồng USD mạnh lên sẽ kéo theo việc giá trị của chi phi lãi vay lẫn giá trị nợ gốc đều sẽ tăng lên khi quy ra VND.
Thêm vào đó, chuyên gia phân tích cho rằng những DN sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định.
Nguyên do là vì ngoài chịu tác động về tỷ giá lên chi phí lãi và nợ gốc, khoản vay thả nổi sẽ còn chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất khoản vay bằng đồng USD tăng lên do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đối với thời hạn trả lãi, những DN có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn những DN có tỷ trọng nợ vay dài hạn lớn.
Fed với quan điểm "diều hâu" hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ, sẽ gây ra áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái, khiến cho giá trị các khoản vay ngắn hạn gia tăng về nợ gốc, gây ra những rủi ro về dòng tiền đối với DN khi phải xoay sở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay.
Hơn nữa, khi khoản nợ vay ngắn hạn này đáo hạn, khả năng cao DN sẽ phải vay mới với lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (gia tăng chi phí lãi vay).
Ngược lại, những DN có tỷ trọng cao khoản vay USD dài hạn sẽ chưa phải đối diện với việc đáo hạn nợ gốc.
Tuy nhiên, biến động bất lợi của tỷ giá cũng sẽ khiến cho các DN này phải đánh giá lại khoản vay và ghi nhận lỗ kế toán trên báo cáo kết quả kinh doanh, cũng như gia tăng chi phí lãi vay.
Trong dài hạn, những DN có tỷ trọng nợ vay dài hạn bằng đồng USD lớn có thể đỡ áp lực hơn do áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt và VND tăng giá so với USD trong năm 2023.
Doanh nghiệp nào đang vay nợ USD lớn?
Trong báo cáo chiến lược vừa cập nhật, bộ phận nghiên cứu tại VNDirect đưa ra thống kê cơ cấu nợ bằng đồng USD của một số doanh nghiệp niêm yết hiện nay.
Thống kê cho thấy, VinGroup hiện có dư nợ bằng USD lên tới 65.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% tổng dư nợ của Tập đoàn này.
Cũng có nợ vay USD lớn đó là Tổng Công ty Phát điện 3 (PGV) với xấp xỉ 37.000 tỷ đồng, chiếm gần 87% tổng dư nợ.
Trong đó, Nhiệt điện Mông Dương nợ bằng USD là 23.360 tỷ đồng; lãi thả nổi Libor 6 tháng + biên độ; Nhiệt điện Vĩnh Tân dư nợ bằng USD 3.800 tỷ đồng với lãi suất 3,45%/năm và dư nợ bằng USD 9.600 tỷ đồng với lãi suất Libor 6 tháng 2,65%.
Tiếp theo là HVN (Tổng Công ty hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines) với 21.815 tỷ đồng, chiếm 66,3% tổng dư nợ; NVL (Novaland) với 14.821 tỷ đồng, chiếm 21,6% tổng dư nợ; GE2 (Tổng Công ty Phát điện 2) với 12.669 tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng dư nợ…
Một số doanh nghiệp có 100% dư nợ bằng đồn USD như HND (CTCP Nhiệt điện Hải Phòng) và PVD (Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí) với dự nợ lần lượt là 1.549 tỷ đồng và 3.904 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.