Asanzo “tái xuất giang hồ” với những giấc mơ hoang!

Minh Phúc Thứ năm, ngày 14/11/2019 17:09 PM (GMT+7)
Sáng nay, 14/11/2019, tại TP.HCM, Asanzo chính thức “tái xuất giang hồ” bằng việc giới thiệu hai chiếc điện thoại di động, trong đó có một dòng smartphone: S6 và một dòng điện thoại phổ thông - N3.
Bình luận 0

Đây là những sản phẩm đầu tiên của Asanzo xuất hiện trên thị trường sau gần 5 tháng “lên bờ xuống ruộng”, kể từ ngày 21/6/2019 khi nhiều thông tin cáo buộc Asanzo đã về vi phạm: trốn thuế, giả nguồn gốc xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng…

Trước đó, vào ngày 17/9, tại Hà Nội, Asanzo đã tổ chức cuộc gặp mặt với giới truyền thông để “tự minh oan”. Tại sự kiện này, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Asanzo tuyên bố: “Bắt đầu ngày hôm nay, 17/9/2019, Asanzo sẽ tái hoạt động 4 nhà máy và các dịch vụ khác tại thị trường Việt Nam”.

Hàng vẫn bán đều đều!

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Việt về việc chọn thời điểm công bố sản phẩm mới trên thị trường, bà Nguyễn Ý Nhi, giám đốc truyền thông của Asanzo cho biết: “Lẽ ra, cuối tháng 6 đã giới thiệu những sản phẩm này nhưng vì sự cố ngày 21/6/2019 nên đến giờ này chúng tôi mới thực hiện được”.

img

S6 - dòng smartphone mới của Asanzo vừa xuất hiện sáng nay, 14/11/2019. ảnh: M.P

Bà Nhi xác nhận, sau sự cố, Asanzo gặp rất nhiều khó khăn tại nhiều kênh chuỗi ở các đô thị lớn, còn với các cửa hàng nhỏ tại các tỉnh, chuyện kinh doanh các mặt hàng của Asanzo: tivi, máy lạnh, đồ điện gia dụng… vẫn bán bình thường. Bà Nhi dẫn chứng: “Nói là thu hồi sản phẩm nhưng Điện Máy Xanh chỉ ngưng bán hàng Asanzo trên kênh online thôi, còn bán hàng trực tiếp vẫn như cũ mà”. Bà Nhi còn cho biết, Asanzo đã thỏa thuận như vậy với lãnh đạo hệ thống Điện máy Xanh.

img

Asanzo cho rằng những chiếc tivi vẫn còn bán tại các siêu thị của Điện máy Xanh. ảnh: M.P

Ông Trương Lê Quốc Tuấn, phụ trách sản phẩm smartphone của Asanzo tiết lộ, “những lùm xùm của Asanzo chỉ được dân thành thị quan tâm, còn dân ở tỉnh vẫn chọn mua smartphone Asanzo vì giá vừa với túi tiền của họ”.

Dù còn nhiều cáo buộc “lơ lửng trên đầu”, nhưng theo ông Tuấn, Asanzo vẫn quyết định giới thiệu sản phẩm mới có giá thấp: S6 - 2,49 triệu đồng và N3 có giá 390.000 đồng cho thị trường vùng sâu vùng xa như để chứng minh “không có chuyện gì xảy ra”!

img

Asanzo S6 có giá thấp - 2,49 triệu đồng. ảnh: M.P

Những “giấc mơ hoang”

Tại buổi nói chuyện về hai dòng sản phẩm mới, còn có nhiều thông tin mà theo phóng viên Dân Việt, đó là “giấc mơ hoang” khi đại diện Asanzo nói về chiến lược trong năm 2020.

Ông Phùng Đông Hưng, phụ trách ngành hàng điện thoại di động của Asanzo chia sẻ: trong năm 2020, Asanzon sẽ có thêm ngành hàng smarthome, hợp tác với VTV CabOn và ứng dụng Đọc báo Online để tặng cho khách hàng mua sản phẩm Asanzo được coi miễn phí trong vòng 1 năm; mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân trong nước viết ứng dụng cho smartphone của Asanzo; là đối tác chiến lược của Ulefone để cùng sản xuất và phân phối smartphone tại 3 quốc gia: Việt Nam, Lào và Campuchia.

Nhưng thông tin động trời chính là “Asanzo đang xây dựng nhà máy giai đoạn 1 tại Khu công nghệ cao TP.HCM để sản xuất các sản phẩm có công nghệ cao như tivi, smartphone…”! Ông Hưng còn nói với Dân Việt, để có nhà máy này, Asanzo đã mời gọi các nhà đầu tư lớn ngoại quốc tham gia.

img

Nhà xưởng mà Asanzo cho là đang đầu tư giai đoạn 1 tại Khu công nghệ cao TP.HCM. 

Khi được chất vấn thông tin ông Hưng vừa nói, bà Minh Thu, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư của Khu công nghệ cao TP.HCM bức xúc: “Đến giờ này, Khu công nghệ cao chưa hề cấp giấy phép đầu tư cho họ nên không bao giờ có chuyện xây dựng nhà máy nào ở đây. Cứ yêu cầu họ dẫn đi coi nhà máy ở đâu sẽ biết thông tin chính xác đến cỡ nào. Nói là quyền của họ nhưng phải nói đúng”.

Cuối tuần trước, phóng viên Dân Việt có gặp bà Lê Bích Loan, quyền Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM để hỏi về thông tin “có hay không cấp phép cho Asanzo”, bà Loan trả lời: “Cho đến nay, Khu chưa cấp giấy phép đầu tư hay bất kỳ giấy tờ nào cho Asanzo”. Trước khi sự cố xảy ra, bà Loan xác nhận Asanzo có nộp giấy tờ đầu tư tại Khu công nghệ cao nhưng còn vướng ở phần “chứng minh năng lực công nghệ” nên chưa được cấp giấy phép.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, vì hiện nay Asanzo còn quá nhiều khó khăn “bủa vây tứ phía”: những cáo buộc pháp lý, nguồn vốn, nhân lực, nhưng lớn nhất chính là "khủng hoảng niềm tin" của cộng đồng cho những hành vi kinh doanh của Asanzo trước đây. Nếu muốn thực hiện những việc làm trên, Asanzo phải thực hiện “cuộc cách mạng toàn diện”, mà bắt đầu từ người đứng đầu Asanzo - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Phạm Văn Tam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem