Theo chuyên gia Nguyễn Lâm Thúy (Trung tâm Tham vấn Gia đình & Trẻ em VALA), muốn làm mới bản thân thì mỗi người cần ý thức được cuộc sống của mình bị chi phối bởi cái gì: Công việc, sự nghiệp, tiền bạc hay tình cảm… Người chưa đi làm thì bị chi phối bởi việc học tập, còn người đi làm thì bị chi phối bởi công việc, sự nghiệp, tiền bạc, nợ nần…
Trong cuộc sống thường có 3 vấn đề chính khiến chúng ta phải đau đầu nhiều nhất đó là: Công việc, tiền bạc và tình cảm. Khi gặp phải những thất bại từ chúng thì việc làm mới bản thân nên tiến hành theo những cách sau:
Khi thất bại hoặc không hài lòng về công việc
Làm mới bản thân thì phải hiểu bản thân năm nay tôi phải làm gì nhưng tại sao tôi chưa đạt được? Ví dụ, năm cũ theo lộ trình là lên trưởng phòng nhưng cuối cùng lại không được thăng chức thì phải xem lại những vấn đề như: Năng lực, kế hoạch làm việc, thái độ sống và quan hệ giao tiếp để hiểu vì sao mình chưa đạt được. Khi đã hiểu nguyên nhân thì sẽ xác định được cách làm mới bản thân.
Nguyên nhân thường được quy thành hai nguyên nhân chính là khách quan và chủ quan. Những thất bại trong công việc, 80% là do chủ quan. Bởi kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình. Do vậy hãy xem mình đã làm được cái gì, liên quan đến cấp trên như thế nào, bản thân đã lập kế hoạch để đạt được mục tiêu chưa, đó là những kế hoạch gì. Nếu năm qua chưa lập kế hoạch thì năm nay phải lập kế hoạch. Nếu lập rồi thì phải xem lại hỏng ở chỗ nào, nguyên nhân vì sao hỏng…
Làm mới bản thân sẽ giúp bạn gặt hái được nhiều thành công (ảnh minh họa)
Ví dụ có người biết mà không nói, muốn mà không thể hiện mặc dù bản thân họ có khả năng, năng lực. Chính thái độ đó khiến cho cấp trên tưởng họ không cần, trong khi bản thân họ lại rất cần. Vậy thì phải thay đổi mình, mạnh dạn nói lên suy nghĩ mong muốn của mình. Bởi thực tế cấp trên thường chỉ giao cho người khát khao và mong muốn được làm công việc đó.
Sau khi làm mới bản thân bằng cách thay đổi thái độ thì bạn cần phải đề ra mục tiêu cho mình. Sau khi xác định được mục tiêu thì phải vạch ra chiến lược, kế hoạch và có lộ trình để thực hiện.
Đối với người kinh doanh thua lỗ, nợ nần
Giống như một đứa trẻ đi học, thành công hay thất bại chính là do học có phương pháp hay không. Đứa trẻ cần học phương pháp trước khi học đến kỹ năng. Đa phần người kinh doanh thất bại, thua lỗ dẫn đến đổ nợ là do họ không đề ra phương pháp kinh doanh trong quản lý tài chính, quản lý nhân sự. Nhược điểm của nhiều người là sốt ruột, nên cứ lao vào làm mà không chịu bỏ thời gian ra để nghiên cứu và vạch cho mình phương pháp, quy trình làm việc.
Đơn giản như việc nấu một nồi cơm cũng phải tuân thủ đúng quy trình. Nếu không đúng quy trình thì nồi cơm sẽ hỏng. Trong công việc kinh doanh nếu anh làm việc không có phương pháp, không có quy trình thì sẽ dẫn đến cái sai. Ngược lại nếu làm theo quy trình, có phương pháp thì sai sót mắc phải chỉ là những lỗi nhỏ, không làm ảnh hưởng nhiều đến toàn cục.
Để làm mới về việc làm ăn, kinh doanh, sản xuất…bạn hãy làm mới bằng cách đánh giá trong quá trình kinh doanh, cái gì làm cho mình buồn bực nhất, vất vả nhất, lao tâm khổ tứ nhất. Có những vấn đề cần xem lại đó là quản lý tài chính, vật tư, nhân sự. Nhiều người bị vỡ kế hoạch kinh doanh do việc thay đổi nhân sự. Nếu do nhân sự thì phải xem quá trình tuyển dụng thế nào, quản lý nhân sự có khoa học không hay tùy tiện. Đã có chế độ lương thưởng rõ ràng, thưởng phạt phân minh, cách khích lệ nhân viên chưa…
Ngoài ra, cần đề ra nguyên tắc về quản lý tài chính và phải nghiêm chỉnh thực hiện theo nguyên tắc đó. Trên thực tế, nhiều người kinh doanh đã đổ nợ vì không đề ra nguyên tắc tài chính và không thực hiện theo nguyên tắc tài chính này.
Đối với người đau khổ và không hài lòng về tình cảm
Tình cảm là do chính mình quyết định. Nếu có vấn đề không hài lòng về tình cảm thì điều làm mới đầu tiên và cần thiết nhất là nên thay đổi chính thái độ của mình.
Hạnh phúc chính là sự bình an về cảm xúc. Cảm xúc tích cực thường mang lại những điều tích cực. Ngược lại những cảm xúc tiêu cực thường kéo ta vào những điều tiêu cực. Do vậy, muốn cuộc sống tươi đẹp thì mình nên hướng vào những suy nghĩ tích cực ngay cả ở trong hoàn cảnh tồi tệ nhất.
Hãy suy nghĩ tích cực ngay cả khi ở trong hoàn cảnh tăm tối nhất (Ảnh minh họa)
Ví dụ, một người có cuộc sống trước đây rất mĩ mãn, bỗng dưng phát hiện chồng ngoại tình rồi đau khổ suốt cả một thời gian dài. Sau bao nhiêu dằn vặt, dằn hắt, đau khổ, hờn ghen thì quan hệ vợ chồng không thể cải thiện được mà dường như tình trạng càng trở nên xấu đi. Vậy thì sang năm mới phải làm mới thế nào?
Cũng giống như đối với những người thất bại trong công việc, điều cần làm đối với người thất bại trong tình cảm là cần nhìn lại, đánh giá lại những ứng xử của mình. Như tiêu đề một cuốn sách “thay đổi thái độ thay đổi cuộc đời”, bạn hãy thay đổi chính thái độ của mình. Thay vì hờn ghen, bạn hãy thay đổi nó bằng cách đơn giản hóa vấn đề. Thay vì quan trọng hóa cho rằng việc ngoại tình của chồng là sự xúc phạm, là bỏ rơi, là hết yêu thương thì hãy đơn giản hóa nó bằng cách xem việc đó như vấn đề bài tiết của cơ thể. Bởi nguyên tắc trong giao tiếp là đơn giản hóa mọi việc.
Việc thay đổi thái độ sống không hề dễ dàng, một người đang ghen tuông để hết ghen tuông là rất khó. Tuy nhiên nếu bạn biết yêu quý bản thân mình thì không có việc gì là không thể.
Khuê Anh (Gia đình & xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.