“Là một phụ nữ Chăm, tôi rất thấu hiểu nguyện vọng chị em phụ nữ dân tộc mình. Vì thế tôi luôn ấp ủ một quyết tâm phát triển làng nghề thêu may trong các xóm Chăm” – bà Kim Chi chia sẻ.
Dành hết tâm huyết viết đề án dự thi, bà Kim Chi đã đoạt giải thưởng tại cuộc thi “Ngày phụ nữ sáng tạo” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đồng tổ chức vào năm 2013. Đề án “Áp dụng sáng kiến thêu mới phát triển sản xuất kinh doanh” của bà Chi đã đoạt giải thưởng trị giá 13.000USD.
Ngay sau khi nhận giải thưởng, tinh thần vực dậy làng nghề đã thể hiện ngay trong bước đầu tiên thực hiện đề án khi ở tất cả 8 xã có người Chăm ở An Giang, mỗi xã đều có 1 lớp dạy nghề thêu may. “Chúng tôi đã mở được 8 lớp thêu cho phụ nữ Chăm, mỗi lớp 30 học viên, học liên tục trong 1,5 tháng. Chị em ai cũng phấn khởi vì được học thêm kỹ thuật thêu mới” – bà Kim Chi cho hay.
Lớp học thêu ở xóm Chăm Đa Phước . Ảnh: TRỌNG BÌNH
Chị Sa Mi Roh- thợ thêu lâu năm ở xóm Chăm Đa Phước (huyện An Phú) bộc bạch: “Được học thêm kỹ thuật thêu mới bài bản cùng với việc mở rộng sản xuất, phụ nữ Chăm chúng tôi hy vọng sẽ có thêm thu nhập, khôi phục phát triển làng nghề”.
Bà Kim Chi cho biết thêm: Khi triển khai đề án này, phụ nữ Chăm được tiếp cận công nghệ mới trong nghề thêu may. Nghề thủ công truyền thống được định hướng theo nhu cầu đòi hỏi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sản phẩm có thị trường tiêu thụ.
Trong đợt khảo sát việc thực hiện đề án mới đây tại xóm Chăm Đa Phước (huyện An Phú), bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận xét: “Việc thực hiện đề án tại đây đã chứng minh được yếu tố ứng dụng thành công trong thực tiễn của giải thưởng. Đề án đã thật sự khuyến khích và phát huy nghề và sản phẩm truyền thống của phụ nữ Chăm vốn đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng để duy trì phát triển”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.