Tháng 10.2014, bà Cúc cùng hơn 10 nhà vườn, doanh nghiệp trồng rau ở Đà Lạt được Công ty Rijk Zwaan của Hà Lan (chuyên cung cấp hạt giống) mời sang Malaysia tham quan mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu. Bà Cúc rất tâm đắc với mô hình này, nhưng lo ngại chi phí đầu tư quá cao.
Về nước, bà tính toán, nếu đã có sẵn nhà kính đạt tiêu chuẩn như vườn của bà (khoảng 200 triệu đồng 1.000 m2 - một sào), muốn trồng rau thủy canh theo chuẩn châu Âu phải bỏ thêm tiền lắp đặt thiết bị trên 400 triệu nữa. Nhưng do quá thích mô hình này, bà Cúc vẫn quyết định làm thử một sào đầu tiên tại thôn Đạ Nghịt, Lạc Dương (Lâm Đồng), và phía Rijk Zwaan nhanh chóng giới thiệu những nhà cung cấp thiết bị của Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ trực tiếp qua thực tế vườn của bà để đo đạc diện tích cũng như tư vấn về cách lắp đặt thiết bị. Không lâu sau, các thiết bị như ống máng, dây dẫn nước, van khóa… cùng hạt giống xà lách nhập khẩu được chuyển đến tận vườn rau của bà Cúc với giá 600 triệu đồng.
Hạt giống được cho vào ly nhỏ có chứa xơ dừa đã qua xử lý và ươm trong 15 ngày tại vườn trước khi cho lên máng thủy canh. Ảnh: Quốc Dũng.
Tháng 3.2015, bà Cúc làm đợt rau thủy canh đầu tiên nhưng không thành công. Khi biết thông tin, phía Rijk Zwaan cử ngay nhân viên kỹ thuật qua Việt Nam để hướng dẫn và tư vấn để bà tiếp tục sản xuất. Nhờ đó, đợt rau thứ 2 đã đạt kết quả tốt, hiện được hệ thống siêu thị Metro và VinMart bao tiêu sản phẩm với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng một kg, tùy loại.
Theo tính toán của bà Cúc, để làm 1.000m2 rau thủy canh theo công nghệ châu Âu, chi phí ban đầu không dưới 800 triệu đồng, riêng hạt giống có giá 1.000 - 3.000 đồng một hạt. Hiện bà trồng tổng cộng 18 giống xà lách khác nhau. Bà Cúc cho biết, canh tác theo phương pháp này hoàn toàn không phun xịt bất cứ loại thuốc phòng trừ sâu bệnh nào trên lá của rau, các dưỡng chất cho cây được cung cấp hòa theo nước chảy luân hồi 24/24 giờ từ nguồn cung của 3 bồn nhựa loại 5.000 lít kết nối với hệ thống máy bơm, máy phát điện dự phòng... Tất cả đều được thiết kế nằm sâu dưới mặt đất vì nước cung cấp cho cây phải dùng máy bơm, còn nước hồi trả về bồn phải có độ thấp nhất định so với mặt ruộng.
Tuy cây rau phát triển hoàn toàn nhờ vào nguồn nước cấp liên tục, nhưng bà Cúc cho biết lượng nước hao tốn rất ít, chỉ khoảng 2.000 lít cho một sào.
Hệ thống tưới được thiết kế nằm sâu dưới lòng đất. Ảnh: Quốc Dũng.
"Tuy không phải là người đầu tiên trồng rau thủy canh, nhưng để rau chắc và đầy đặn như của tôi, phải hoàn toàn nhờ vào kỹ thuật công nghệ được chuyển giao", bà Cúc nói và cho biết thêm, trung bình 1.000m2 bà trồng được 25.000 cây rau.
Để đáp ứng việc chăm sóc, nhu cầu tiêu thụ, bà buộc phải canh tác theo hình thức cuốn chiếu, tức chia làm nhiều đợt xuống giống. Hạt giống được cho vào ly nhỏ có chứa xơ dừa đã qua xử lý và ươm trong 15 ngày tại vườn trước khi đưa lên máng thủy canh. Khi cây đã lên máng sẽ được nuôi dưỡng bằng nguồn nước luân chuyển 24/24 giờ, các dưỡng chất nuôi cây cũng được pha trộn chung vào nước và cung cấp theo chu kỳ, từng đợt. Trung bình sau 30-35 ngày (từ khi cho cây con lên máng) là có thể thu hoạch thành phẩm, mỗi năm làm được 9- 10 lứa rau.
Rau thủy canh thu hoạch tại vườn nhà bà Cúc có trọng lượng mỗi cây trên dưới 200 gam, 1.000m2 có thể thu 5 tấn mỗi đợt. Với giá bán từ 40.000 đến 50.000 một kg, bà Cúc thu trung bình trên 230 triệu đồng cho 1.000 m2, mỗi đợt và lãi trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ưu điểm của mô hình mà bà Cúc đang làm là tỷ lệ hư hao rất ít, gần như lá nào cũng dùng được do khâu bảo quản tốt và tuyệt nhiên không bị lấm đất.
Hiện bà chủ nhà vườn Bạch Cúc đang tiến hành nhập thêm thiết bị để tiếp tục mở rộng quy mô vì được các hệ thống siêu thị bao tiêu theo giá cố định. Để mô hình này phát triển rộng rãi, theo bà Cúc giá thiết bị phải hạ thấp hoặc các nhà sản xuất trong nước có thể tự làm để cung cấp, khi đó tự khắc giá thành sản phẩm sẽ giảm, đồng thời công tác xúc tiến thương mại xuất khẩu cần được các doanh nhiệp, cơ quan quản lý chú trọng hơn.
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.