Ba đời "giữ hồn" văn hóa Khmer

Thứ tư, ngày 09/02/2011 07:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gia đình nghệ nhân Danh Thiên ở sóc Bà Mai, ấp 8, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, Hậu Giang, đã có 3 đời lưu giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ bằng âm nhạc.
Bình luận 0

Cả cuộc đời nghệ nhân Danh Thiên, 78 tuổi, gắn bó với các nhạc cụ của dân tộc. Ông có thể chơi tất cả nhạc cụ của người Khmer, đặc biệt là khả năng biểu diễn dàn nhạc ngũ âm.

img

Tài năng đặc biệt

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông được các sư chùa sóc Bà Mai đùm bọc. 10 tuổi ông được tiếp xúc với nhạc cụ dân tộc. Các sư trong chùa đã phát hiện ra khả năng đặc biệt của ông, nên tạo điều kiện cho ông tiếp xúc với nhiều nhạc cụ dân tộc Khmer. Dần dần, ông trở thành người chơi chính trong dàn nhạc ngũ âm.

Ông Thiên cho biết: "Dàn nhạc ngũ âm có 9 nhạc cụ gồm Rônek ek, Rônek Thung, Rônek Đek, Kôông Vông Tôch, Kôông Vông Thum, Samphô, Skô Thum được tạo thành bằng 5 chất liệu: Sắt, đồng, gỗ, da và hơi. Nếu phối nó với các loại nhạc cụ khác (đàn gáo, đàn cò, đàn sến…) sẽ tạo thành những âm thanh độc đáo, người nghe như lạc vào tiên cảnh".

Theo lời ông Thiên, chỉ những dịp đại lễ của dân tộc Khmer, bộ nhạc ngũ âm mới được sướng lên. Điều nhiều người kính nể, là ông đã chế tạo những loại nhạc cụ này, hoặc những nhạc cụ khác cho phù hợp để biểu diễn trong các dịp lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer hiện tại.

Ông Thiên kể: "10 tuổi, tôi theo đoàn Dù Kê đi biểu diễn khắp nơi. Bởi vậy khi về quê nhà, tôi có thể chơi và làm được rất nhiều nhạc cụ của dân tộc mình. Từ đó, truyền cho thế hệ con cháu tiếp nhận nét văn hóa độc đáo này". Ông thường được bà con trong sóc rước đến các nơi có tiệc để góp vui văn nghệ.

Lưu truyền

Điều ông Thiên luôn suy nghĩ là làm sao lưu truyền những kiến thức âm nhạc của mình cho thế hệ sau này. Nhiều năm nay, ông đi dạy nhạc ngũ âm ở chùa thuộc xã Xà Phiên và huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Trường Dân tộc nội trú và những chùa ở ngoài tỉnh cũng mời ông dạy.

Theo ông Thiên, bây giờ rất ít người chơi được tất cả các loại nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm. Người giỏi nhất chỉ chơi được 2-3 loại nhạc cụ. Ông muốn truyền lại tất cả những gì tích lũy được, để con cháu sau này lưu giữ. Ba năm nay, ông quy tụ con cháu trong nhà và những người hàng xóm có khả năng chơi nhạc để dạy bộ ngũ âm.

Trong số những "truyền nhân", Danh Thị Giỏi - cô con gái út của ông chơi nhạc ngũ âm giỏi nhất. Chị Giỏi kể: "Mỗi dịp cha được mời đi dạy nhạc, tôi đi theo để vừa làm phiên dịch, vừa chăm sóc cha, nên tôi được cha dạy nhiều nhất. Tôi thích chơi nhạc ngũ âm hồi nào không hay".

Tre già, măng mọc

Không chỉ người thân trong gia đình, ai muốn chơi các nhạc cụ, nghệ nhân Danh Thiên đều nhiệt tình chỉ dạy. Ông luôn tin rằng, tre già thì măng mọc, con cháu phải gìn giữ, bảo tồn dàn nhạc ngũ âm này.

Tôi đến thăm nhà nghệ nhân Danh Thiên, thấy gần chục đứa cháu nội, ngoại của ông đang chăm chú nghe ông giảng bài về ngũ âm. Danh Thoại, 16 tuổi - cháu ngoại của ông được truyền dạy chơi trống (skô thum) 3 năm nay. Bây giờ Thoại đã là 1 nhạc công thực thụ được biểu diễn trong những dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Khmer trong khu vực.

"Em mê chơi nhạc ngũ âm từ nhỏ và đã được ông ngoại truyền dạy cách chơi. Vui nhất là dịp lễ hội được ra chùa biểu diễn. Em đang cố gắng học thuần thục cách chơi trống, để ông ngoại dạy cách chơi các nhạc cụ khác trong bộ ngũ âm" - Thoại nói.

Thị Xalay, 18 tuổi - cháu ngoại ông chơi rất thuần thục Rônek Thung trong bộ nhạc ngũ âm. Cô đã được đi học 1 khóa ngắn hạn ở Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh.

Không chỉ người thân trong gia đình, ai muốn chơi các nhạc cụ, nghệ nhân Danh Thiên đều nhiệt tình chỉ dạy. Ông luôn tin rằng, tre già thì măng mọc, con cháu của ông phải gìn giữ, bảo tồn dàn nhạc ngũ âm này. Ông bảo, ông chuẩn bị sang ấp 6 để dạy nhạc ngũ âm cho 7 người. Nhà sư ở ngôi chùa bên Sóc Trăng cũng mời ông sang dạy mà ông chưa sắp xếp được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem