Ba lần thiêu tàu giặc: Khúc vĩ thanh “Trường ca Sông Lô”

Thiên Vệt (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 16/11/2014 07:26 AM (GMT+7)
Ngày 9.11.1947 ta vừa xây dựng xong trận địa thì ngày 10.11 ba tầu giặc lù lù tháo xuôi theo dòng nước, 2 giờ chiều chúng tới Khe Lau. Trận đánh xảy ra chớp nhoáng, sau mấy loạt đạn dữ dội của ta, cả 3 chiếc tàu và 200 quân của tiểu đoàn Pơ-ti không kịp trở tay đã bị chìm ngập trong bể lửa.
Bình luận 0

(Ba lần thiêu tàu giặc: Pháo nổ lần đầu… nhưng tịt ngòi!)

Phát huy kinh nghiệm “bắn gần” của Khoan Bộ

Nhận được điện cầu cứu ở Khoan Bộ, Com-muy-nan cho sửa soạn một đoàn tầu đến ứng cứu. Trinh sát ta ở Tuyên Quang nắm được thông tin này liền báo về bộ chỉ huy đóng ở Đoan Hùng.

Bộ đội ta được lệnh chuẩn bị trận địa suốt đêm 23.10 với cách đánh là pháo đặt gần bắn thẳng, áp dụng ngay kinh nghiệm nóng hổi của Khoan Bộ. Bộ tư lệnh khu 10 chỉ định tham mưu trưởng Vũ Hiển làm chỉ huy trưởng trận đánh, phó ban pháo binh Doãn Tuế làm đốc chiến. Trung đội pháo 200 do trung đội trưởng Lê Hộ chỉ huy bố trí tại làng Ngọc Trúc, Chí Đám. Đơn vị chủ công trong trận này là khẩu đội cao pháo 75 ly đã được sửa chữa cẩn thận có 100 viên đạn do khẩu đội trưởng Vũ Trọng Dần đảm nhiệm và trung đội phó Trần Thái Quang trực tiếp chỉ huy.
img Các chiến sĩ pháo binh Trung đoàn Sông Lô trong chiến dich Thu Đông 1947.

Trung đội pháo 75 ở Bình Ca do Trung đội trưởng Lê Văn Canh chỉ huy được điều gấp về bố trí tại Đầu Lô làng Thọ Sơn dưới cửa sông Chẩy. Xưởng quân khí Sài Lĩnh vừa sản xuất xong 3 khẩu ba dô ca cũng được tham gia bố trí luôn tại làng Sài Lĩnh.

Một tiểu đoàn bộ binh do tiểu đoàn trưởng Vũ Lập chỉ huy mai phục từ ngã ba sông Lô – sông Chảy đến làng Sài Lĩnh.
Các trung đội dân quân của hai xã Chí Đám và Hữu Đô làm nhiệm vụ nghi binh hai bên sông, như dùng bưởi sơn đen giả làm thủy lôi thả bên phía Hữu Đô để tàu địch tránh sang phía Chí Đám, đốt ống nứa tươi cho nổ và đốt pháo cối trong thùng sắt tây để trợ oai.
Dân quân du kích Bằng Luân, Thọ Sơn, Sóc Đăng và các làng xã lân cận làm nhiệm vụ tuần tra canh gác và phục vụ bộ đội. Công tác chuẩn bị trận đánh hoàn tất trước khi trời sáng.

Sáng 24.10.1947 bộ đội ta tranh thủ cơm nước và nghỉ ngơi chờ địch. Đến 12 giờ trưa xuất hiện 6 máy bay địch chao đảo trên bầu trời Đoan Hùng yểm hộ cho 5 chiếc tầu lững thững xuôi.

Tầu giặc đến trước miệng súng, cách 300m, pháo ta gầm lên. Chiếc LCM bị 4 phát tống trúng thân nước tràn vào chìm nghỉm. Chiếc LCI bị 6 phát buồng chứa xăng nổ tung cháy rực trời. Binh lính địch nhảy ào xuống sông bơi vào làng Hữu Đô. Còn 3 chiếc thì một chiếc quay chạy vọt lên Tuyên Quang, 2 chiếc bị thương chết máy trôi bồng bềnh trên sông. Lúc này khẩu 75 ly ở Đầu Lô phải bắn sang dập ổ súng 12 ly 7 địch đặt ở đình làng Hữu Đô bắn sang trận địa ta. Khẩu cao pháo 75 ly nặng 1 tấn khó di chuyển đuổi theo tầu địch, đã ngóc nòng lên trời bắn máy bay. Đạn pháo trúng chiếc thuỷ phi cơ Ca-ta-ni-la, nó lao về rơi tại Tuyên Quang.

Đêm 24.10 và tiếp mấy ngày sau, ta mò được ở hai tầu giặc 1 khẩu pháo 75 ly, 10 súng cối 81 ly và 60 ly, 4 khẩu trọng liên, hàng chục trung liên, 200 súng trường và tiểu liên, hàng tấn đạn, mìn và 1 chiếc xe díp. Trận này giặc chết khoảng 350 tên.

Chặn đường địch tháo chạy ở Khe Lau

Qua mấy trận đòn khủng khiếp, bộ chỉ huy Khu 10 dự đoán địch sẽ phải bỏ Chiêm Hoá chạy về Tuyên Quang Khe Lau. Do đó quân ta được lệnh khẩn trương từ Đoan Hùng vượt 100 cây số lên bố trí ở Khe Lau cửa sông Gâm đổ ra sông Lô.

Ngày 9.11.1947 ta vừa xây dựng xong trận địa thì ngày 10.11 ba tầu giặc lù lù tháo xuôi theo dòng nước, 2 giờ chiều chúng tới Khe Lau. Ngay lập tức, trận đánh địch xảy ra chớp nhoáng, sau mấy loạt đạn dữ dội của ta, cả 3 chiếc tàu và 200 quân của tiểu đoàn Pơ-ti không kịp trở tay đã bị chìm ngập trong bể lửa.

Sau nhiều lần bị phục kích đánh chặn trên đường tháo chạy tại mọi ngả đường,  ngày 19.12.1947 tàn quân Pháp mới về đến Việt Trì.

Khúc vĩ thanh “Trường ca Sông Lô”

Tổng kết chiến dịch Sông Lô, quân Pháp bị diệt khoảng 900 tên, bị bắt sống trên 200 tên. 6 chiếc tầu chiến và ca nô bị bắn chìm, hàng chục chiếc khác bị thương, 1 máy bay bị hạ. Bộ đội ta thu được rất nhiều chiến lợi phẩm gồm súng đạn các cỡ, mìn, lựu đạn và quân trang quân dụng.
img Bộ đội ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947.

Chiến thắng Sông Lô oai hùng làm run rẩy quân xâm lược Pháp và  nức lòng người dân Việt Nam. Quân Pháp vừa rút đi thì cũng là lúc Văn Cao đi ngược dòng Lô giang lên ATK. Trên đường đi ông đã tận mắt thấy các cảnh: xóm làng bị đốt trụi “nền nhà trơ than xám”, cảnh “thây giặc trôi trở về ngập bờ”, cảnh dân đôi bờ hân hoan chiến thắng, bắt tay vào dựng lại xóm làng, cảnh “đoàn quân thời chinh chiến” trên đường chiến thắng trở về chiến khu, cảnh dòng sông bao la hùng vĩ, chảy về xuôi.

Khi lên tới chiến khu, Văn Cao đã tìm gặp người sĩ quan pháo binh Doãn Tuế, vừa tham gia chỉ huy các trận đánh: Khoan Bộ (Lập Thạch) và Bình  Bộ (Phù Ninh)), Đoan Hùng tại xã Chí Đám (Đoan Hùng) và Khe Lau (Yên Sơn, Tuyên Quang) trong chuỗi chiến thắng sông Lô, để nghe kể lại diễn biến trận đánh. Doãn Tuế đã cùng Văn Cao đi dọc bờ sông nơi chiến trường vừa im tiếng pháo, và qua lời kể của Doãn Tuế cảm hứng cho giai điệu bản trường ca ra đời. Trường ca Sông Lô được Văn Cao sáng tác rất nhanh và đăng báo Văn nghệ số tháng 3 năm 1948.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem