Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Lê Đăng Doanh và ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã chia sẻ một số kỷ niệm trong quá trình làm việc cùng cố Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: I.T)
Nhân kỷ niệm 100 ngày mất cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ngày 22.6, lễ ra mắt sách: "Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu" đã tổ chức tại Thư viện Hà Nội. Tại buổi ra mắt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Lê Đăng Doanh và ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã chia sẻ một số kỷ niệm trong quá trình làm việc cùng cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
“Không có vai trò của ông Phan Văn Khải, chúng ta không thể có một Luật tốt như vậy”
Nhắc tới vai trò của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong việc xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999, bà Phạm Chi Lan cho rằng, nếu không có vai trò cá nhân của ông Phan Văn Khải, chúng ta không thể có một Luật tốt như vậy trên tinh thần thay đổi những nguyên tắc cũ áp dụng trong các Luật trước đó là doanh nghiệp và người dân chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép.
“Thời đó, tất cả mọi hoạt động kinh doanh đều phải xin phép. Họ phải tới cơ quan chính quyền địa phương xin giấy cho một thời hạn nhất định, làm một công việc nhất định.
Nó vô lý tới mức mở quán phở ở các phường cũng phải theo quy hoạch. Phường này chỉ được có 3 quán phở thôi, nên nếu đã có 3 gia đình nào đó mở quán phở rồi thì không có gia đình nào được mở tiếp quán phở thứ 4.
Hay hoạt động đánh máy chữ thuê, photocopy cũng phải xin giấy phép. Giấy phép chỉ có 3 tháng thôi nên hết tháng thứ 2 là doanh nghiệp lại phải đi lo xin phép mở rộng tiếp giấy phép đó. Đó là những thực tế trong xã hội thời điểm đó và ông Phan Văn Khải hiểu rõ điều này”, bà Phạm Chi Lan kể lại.
Gian nan thông qua Luật doanh nghiệp 1999
Theo bà Phạm Chi Lan, sau khi ông Phan Văn Khải nhậm chức Thủ tướng vào năm 1997 thì cuối năm đó cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Thái Lan, nhanh chóng lan ra các nước khác.
Cuối thời kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng rất cao. Năm 1996, tốc độ tăng trưởng GDP đã lên tới 9,6%, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là hơn 8 tỷ USD. Nhưng tới năm 1997, khi diễn biến kinh tế trong khu vực có dấu hiệu xấu đi, nguồn đầu tư nước ngoài chững lại, một loạt nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết các dự án lớn ở Việt Nam thì quyết định ngưng lại, năm sau họ tuyên bố rút lui. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế đã sụt giảm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Ảnh: I.T)
Bà Chi Lan đặt câu hỏi: “Vậy thay thế bằng cách nào để nền kinh tế phát triển?”
Bà Lan tiếp lời: “Cả ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đều thấy một điều, trong phát triển kinh tế đất nước thì người Việt Nam mới là đối tượng quyết định nhất chứ không phải nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư ở Việt Nam, nhưng họ vẫn là nhà đầu tư nước ngoài, lợi ích số một là lợi ích của họ chứ không phải lợi ích của nền kinh tế, con người Việt Nam. Vậy nên phải làm thế nào để khơi dậy, thúc đẩy ý thức vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, ý tưởng sửa đổi 2 Luật cũ là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp ban hành từ các năm 1990, 1991 được giao cho anh Lê Đăng Doanh cùng Viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để làm các nghiên cứu, đánh giá thực hiện để đề xuất sửa đổi cả 2 Luật”.
Lúc đó ông Lê Đăng Doanh và những người ở CIEM thấy rằng không thể dựa trên Luật cũ để sửa đổi bởi việc sửa đổi không thể chạm tới những nguyên tắc cơ bản, nên phải có một Luật mới.
“Tôi đã đề xuất với cố Thủ tướng Phan Văn Khải và được đồng ý cho chúng tôi làm và lập ra một Ban chỉ đạo, ở cấp Thứ trưởng của một số Bộ liên quan tham gia và một cấp khác là Ban soạn thảo. Ông Nguyễn Đình Cung khi đó trở thành tổ trưởng tổ soạn thảo, ông Lê Đăng Doanh tham gia vào Ban chỉ đạo, còn ông Trần Xuân Giá khi đó là Bộ trưởng Bộ KHĐT đứng đầu Ban chỉ đạo.
Tôi khi đó ở VCCI, đó là lần đầu tiên Thủ tướng Phan Văn Khải gửi thư mời chính thức tới VCCI, cử người tham gia Ban chỉ đạo và Ban soạn thảo Luật. Đó là lần đầu tiên Thủ tướng đặt vấn đề soạn thảo Luật về doanh nghiệp phải có người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia từ đầu. Không làm theo cách các cơ quan Nhà nước bàn với nhau, rồi đưa ra hỏi ý kiến công chúng theo cách hình thức.
Tham gia xây dựng Luật, tôi thấy được tinh thần xuyên suốt của Thủ tướng là tạo sự tự do cho doanh nghiệp và người dân làm kinh doanh. Đó là quyền đương nhiên trong quyền công dân. Hay như ông Trần Đức Nguyên thường nói là Nhà nước cầm nhầm quyền của người dân thì giờ cần trả lại cho người dân thông qua Luật đó”, bà Chi Lan nói.
Song khó khăn tới đây chưa phải đã hết, khi Luật được Chính phủ trình Quốc hội, nhiều ĐBQH lo cho tự do kinh doanh, nhỡ trong 1 đêm có 1 triệu doanh nghiệp ra đời thì thế nào? Có vị lãnh đạo địa phương bảo mình biết rõ người nào tốt, người nào xấu, người nào tốt tôi mới cho thành lập doanh nghiệp chứ sao có thể ai cũng có thành lập được. Cuối cùng, mất tới 5 ngày thảo luận ở Quốc hội mới thông qua được Luật với tỷ lệ tán thành là 85%.
Sau khi Luật được thông qua, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục lập ra một tổ thi hành Luật.
“Lúc đó, Thủ tướng nhận định đó là cơ hội nghìn năm có một để làm bật dậy sức mạnh của bản thân người Việt Nam trong việc kiến thiết, xây dựng đất nước mình chứ không phải dựa vào những nhà đầu tư nước ngoài lắm tiền, nhiều của. Đầu tư nước ngoài quan trọng thật, lên tới 8 tỷ USD, nhưng khi có động họ tháo chạy rất nhanh, phần còn lại chỉ còn hơn 1 tỷ USD. Để thực hiện mất rất nhiều thời gian với bao nhiêu cái giá chúng ta phải trả cho họ về ưu đãi đất đai, thuế, giá lao động thấp”, bà Lan kể lại.
Theo bà Lan, cố Thủ tướng Phan Văn Khải hiểu rất rõ về vai trò của người dân, doanh nghiệp, khối tư nhân trong việc tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế - xã hội đã chỉ đạo chặt chẽ, để chúng tôi làm rất nhiều việc, kể cả thành lập tổ thi hành Luật Doanh nghiệp, những người đã quyết liệt để thực hiện bằng được ý tưởng tốt của Luật.
"Sau đó, ông Lê Đăng Doanh và CIEM đã tập hợp tất cả các giấy phép con, đề xuất với Thủ tướng bãi bỏ chúng vì trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta bãi bỏ được một nửa số giấy phép con tồn tại thời kỳ đó.
Sau này, WB, ADB khi viết về quá trình đổi mới ở Việt Nam, họ luôn lấy câu chuyện hình thành Luật Doanh nghiệp như một biểu tượng của đổi mới trên tinh thần từ những người lãnh đạo có tư duy đổi mới”, bà Chi Lan kết thúc câu chuyện của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.