Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng vùng chuyên canh mãng cầu ta VietGAP

Thứ tư, ngày 27/03/2013 09:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ lâu, mãng cầu ta của Bà Rịa - Vũng Tàu đã là một sản phẩm nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
Bình luận 0

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.800ha mãng cầu ta, sản lượng thu hoạch bình quân khoảng 8.400 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 30 tấn mãng cầu ta của tỉnh nhập vào các siêu thị.

Tuy nhiên do mãng cầu còn trồng phân tán và chưa đúng tiêu chuẩn chất lượng nên chưa có thị trường ổn định và chưa xây dựng được thương hiệu vững chắc. Vì thế, từ năm 2011, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Công ty Sở hữu trí tuệ Thảo Thọ Quyến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho mãng cầu ta Bà Rịa - Vũng Tàu, đến cuối năm 2012 đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa là kết quả có ý nghĩa quan trọng để khẳng định thương hiệu, giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm này với các sản phẩm khác cùng loại. Đây cũng là cơ hội phát triển thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài cho loại trái cây đặc sản của địa phương.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn mở rộng diện tích, tập trung vào sản xuất sản phẩm sạch đạt chất lượng cao để cung cấp cho thị trường. Tỉnh cũng bắt đầu đẩy mạnh triển khai việc xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho vùng chuyên canh mãng cầu ta.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc), từ năm 2011 đến nay, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và 30% vốn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đã trồng 5ha cây mãng cầu ta theo hướng VietGAP. Kết quả cho thấy, sản phẩm VietGAP chất lượng tốt hơn, trái đồng đều hơn, ngọt hơn, năng suất đạt khoảng 10 tấn/ha/2 vụ, tăng 20% so với sản phẩm mãng cầu ta trồng theo cách truyền thống. Sau khi trừ chi phí, người trồng lãi từ 100 – 120 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nhân Tâm cho biết: “Sắp tới, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng theo quy trình VietGAP để dần dần chuyển sang trồng hữu cơ, sinh học, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi hy vọng sản phẩm của chúng tôi sẽ có chỗ đứng tốt hơn và đầu ra ổn định hơn”.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 50% diện tích trồng mãng cầu ta trên địa bàn tỉnh sẽ lấy chứng chỉ VietGAP và đến năm 2030 là 100% diện tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem