Ba Vì tái phát dịch tả lợn châu Phi: "Nghĩ đến lợn là mất ăn, mất ngủ"

Bình Minh Thứ tư, ngày 20/10/2021 22:07 PM (GMT+7)
Sau hơn 3 tháng không xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (TLCP) mới trên địa bàn, thì từ đầu tháng 10 tới nay TP.Hà Nội đã ghi nhận nhiều ổ dịch ở huyện Ba Vì với số lợn phải tiêu hủy gần 900 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 37.865kg...
Bình luận 0

"Nghĩ đến lợn là mất ăn, mất ngủ"

Thống kê của Phòng kinh tế huyện Ba Vì, tính đến tháng 10/2021, tổng đàn lợn ở huyện có gần 298.000 con. Trong đó, chăn nuôi tại các hộ gia đình hơn 254.000 con; tại các trang trại là 43.000 con. Đến ngày 2/10 trên địa bàn huyện Ba Vì, dịch TLCP đã tái phát trở lại, đầu tiên là ở 2 xã Chu Minh và Tản Hồng, với tổng số 161 con lợn của 4 hộ gia đình bị nhiễm bệnh. Đến 8/10 có thêm 14 xã có dịch: Tiên Phong, Đông Quang, Vạn Thắng, Châu Sơn, Phú Đông, Cam Thượng, Tòng Bạt, Phú Châu, Phú Sơn, Cam Thượng, Tòng Bạt, Phú Cường, Thụy An và Cẩm Lĩnh.

Tổng số thôn có lợn mắc bệnh dịch TLCP là 33 thôn, với 72 hộ; số lợn phải tiêu hủy là 896 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 37.865kg.

Dịch tả lợn châu Phi tái phát: Người chăn nuôi thua   thiệt đủ bề - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường (thứ 2 từ phải) kiểm tra công tác phòng, chống dịch TLCP tại huyện Ba Vì ngày 6/10. Ảnh: Bình Minh

Ông Hứa Bá Trình - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho hay: Dịch bùng phát do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ dân trong khu dân cư cao (trên 60%), nhiều hộ nuôi chưa đảm bảo công tác vệ sinh chuồng trại, an toàn dịch bệnh. Cộng thêm giá lợn đang ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng dẫn đến tâm lý buông lỏng việc chăm sóc đàn lợn của người dân...

Buồn bã khi đàn lợn 130 con không còn lấy một con nào trong chuồng bởi phải tiêu hủy do dịch TLCP, đến giờ bà Hoàng Thị Hương (thôn Cao Cương, xã Đông Quang) vẫn chưa vực dậy được tinh thần khi bao nhiêu vốn liếng đã dồn hết vào lứa lợn này. Hiện toàn bộ hệ thống chuồng nuôi của gia đình bà đã không còn lợn. Bà tiến hành rắc vôi bột tiêu độc khử trùng, một số chuồng nuôi đã được tháo cửa chắn để bán vì thời gian tới gia đình không còn đủ sức để vào đàn.

"Giai đoạn trước khi xã có công bố dịch, lợn của gia đình tôi đã có biểu hiện ốm chết, xảy ra lác đác nên gia đình tôi đã chủ động đem lợn đi chôn, không bán ra thị trường. Nhưng từ đầu tháng 10 đến nay, khi biết lợn chết là do dịch TLCP, gia đình tôi đã báo với chính quyền địa phương tiêu hủy 26 con lợn nhiễm bệnh" - bà Hương nói.

Bà Hương chia sẻ: "Tôi không nghĩ đàn lợn của gia đình mình lại bị mắc dịch DTLCP, bởi mình rất cẩn thận, luôn đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư cả vào đàn lợn 130 con, vậy mà giá lợn hơi ở mức thấp nên bán chẳng ăn thua. Giờ lại gặp dịch phải tiêu hủy hết, nghĩ đến các khoản nợ cám, giống chưa trả mà mất ăn, mất ngủ" - bà Hương thở dài.

Ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện huyện Ba Vì cho biết, ngay sau khi phát hiện ổ dịch TLCP tại địa phương, UBND huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn và công điện chỉ đạo, đề nghị các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch TLCP; rà soát, kiểm soát chặt chẽ tổng số đàn lợn trên địa bàn, thực hiện ký cam kết với các hộ chăn nuôi, tránh tình trạng vận chuyển lợn ra khỏi địa phương làm lây lan dịch bệnh.

Người nuôi thiệt hại kép

Chị Vũ Thị Oanh (ở thôn Chu Quyến 1, xã Chu Minh), cho biết, gia đình chị như đang ngồi trên đống lửa, khi đàn lợn vẫn tiếp tục có con mắc bệnh. Từ đầu tháng 10 đến nay đã phải tiêu hủy 28 con lợn (từ 1 - 1,3 tạ/con). Hiện trong chuồng nuôi còn gần 200 con, hiện tượng lợn mắc bệnh vẫn đang tiếp diễn. Gia đình chị rất lo lắng, nguy cơ mất trắng cả 200 con.

Khi có dịch, gia đình chị Oanh đã ký cam kết với địa phương không xuất bán lợn ra thị trường, trong khi bệnh không có thuốc chữa trị. Gia đình chị đã "cửa đóng then cài" khu chăn nuôi, bắt tách những con có biểu hiện chán ăn, ốm ra một khu vực riêng để bảo vệ những con còn khỏe mạnh.

Chị Oanh cho biết thêm, năm 2019, đàn lợn của gia đình chị cũng mắc dịch TLCP, toàn bộ số lợn phải tiêu hủy hết. Gánh trên vai số nợ 500 triệu đồng, gia đình chị vẫn cố gắng gượng dậy tái đàn, hy vọng gỡ gạc để trả nợ. Tuy nhiên, từ khi vào đàn mới, dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chưa được thu thì dịch TLCP quay lại.

Trong thời gian vừa qua, giá lợn hơi vẫn tiếp tục đà giảm mạnh, trong khi đó, dịch TLCP tái bùng phát trở lại ở nhiều địa phương và Hà Nội cũng không nằm ngoại lệ. Điều này khiến người chăn nuôi lợn đang lỗ nặng, đã khó nay còn khó hơn gấp bội.

Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến giá cả của ngành chăn nuôi lợn, chính vì điều này đã đẩy giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, trong khi giá cám tăng cao dẫn đến người nuôi lợn đang thua lỗ nặng. "Khó khăn là như vậy, nay lại cộng thêm dịch TLCP tái phát trở lại thì người chăn nuôi lợn đang phải chịu thiệt hại kép" - ông Đảng cho hay.

Ông Đảng cho biết thêm, nếu tình hình giá thịt lợn hơi đang thấp như hiện tại mà người chăn nuôi không vào đàn mới sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán. Nếu thiếu hụt thực phẩm thì giá cả sẽ lại tăng cao.

"Chúng tôi khuyến cáo người dân nên bình tĩnh để tiếp tục duy trì đàn gia súc, gia cầm. Quan trọng nhất là người dân cần chăm sóc tốt đàn vật nuôi, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để không phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi" - ông Đảng nhấn mạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem