Nguyễn Huy Thiệp ra đi là một tổn thất lớn trong bầu trời văn học Việt Nam hiện nay.
Tôi ấn tượng lần đầu tiên gặp Nguyễn Huy Thiệp bởi vóc dáng gày gò, khắc khổ nhưng chúng ta không thể tìm một Nguyễn Huy Thiệp thứ 2, một người quyết liệt và mạnh dạn trong văn chương. Các tác phẩm của ông đã để lại nhiều dấu ấn cho bạn đọc, từ "Những ngọn gió Hua Tát", "Chảy đi sông ơi", "Vết trượt" cho đến "Tướng về hưu"...
Đối với cá nhân, trong lĩnh vực văn chương Việt Nam, Thiệp trở thành một hiện tượng. Vì sao gọi ông là hiện tượng là bởi Nguyễn Huy Thiệp có chất giọng văn lạ, cách kể truyện không giống ai, ngôn ngữ thuần Việt và rất sâu sắc. Ông không ngại thẳng thắn đề cập những vấn đề thuộc về dân tộc, thuộc về thân phận con người...
Mỗi người có một con đường riêng để đến với văn chương cũng như tìm cho mình "chất riêng" để bày biện trong văn học. Văn học giống như bữa cỗ, một người đầu bếp mang đến cho độc giả những món ăn độc lạ và không phải ai cũng có thể làm giống Nguyễn Huy Thiệp.
Một góc nhìn khác mà có lẽ ít người biết về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông là một người có tâm hồn khá mong manh, dù cho có là người sở hữu kiến văn uyên bác, kiến thức uyên thâm.
Nguyễn Huy Thiệp sinh ra trong lao khổ, bản chất cuộc đời của ông là một chuỗi trầm bổng. Nguyễn Huy Thiệp từng trải qua rất nhiều ngành nghề để kiếm sống, từ chính thống và cả không chính thống. Thế nhưng người luôn bám chặt với đời sống, luôn lắng nghe hơi thở cuộc sống mới có thể tuôn trào ra những dòng văn chương đầy sinh động, gần gũi với đời thường đến vậy.
Rất nhiều tác phẩm xuất sắc của ông đều dễ dàng chạm đến vấn đề đau khổ nhất trong xã hội bằng sự quan sát rất riêng của Nguyễn Huy Thiệp.
Cá nhân tôi đánh giá rằng, Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn lao động đến nơi đến chốn, đặc biệt là ở mảng truyện ngắn.
Không nói quá rằng, Nguyễn Huy Thiệp là một cây bút viết truyện ngắn khó ai có thể thay thế được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.