Bác đã về đây, Tổ quốc ơi...

Lương Kết Thứ năm, ngày 28/01/2021 14:45 PM (GMT+7)
Trong buốt lạnh nơi biên viễn những ngày đầu năm 2021, chúng tôi về mảnh đất địa đầu Tổ quốc - Pác Bó (Cao Bằng) - nơi 80 năm trước lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt dấu chân đầu tiên trở về Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, để nhóm lên ngọn lửa cách mạng.
Bình luận 0

Trong "Trường ca Theo chân Bác", nhà thơ Tố Hữu đã viết: Bác đã về đây, Tổ quốc ơi/Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người/Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi…

"Những đêm ấy Bác thức cùng ngọn lửa"...

Nhờ 2 cán bộ Bộ đội biên phòng và hướng dẫn viên của Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (Khu di tích) dẫn đường, chúng tôi vượt khoảng 1km đường dốc đá lên ngọn núi nơi đặt cột mốc 108. Tại cột mốc này, cách đây tròn 80 năm, đã ghi dấu một sự kiện lịch sử đặc biệt.

(Xuan) Bác đã về đây, Tổ quốc ơi... - Ảnh 1.

Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2/1961. Ảnh: T.L

Ngày 28/01/1941 (tức ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với 5 đồng chí là Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đào Thế An, Hoàng Văn Lộc và Đặng Văn Cáp (trong đó đồng chí Lộc và Cáp, một người lo việc sức khỏe và một người lo cơm nước cho Bác) đã vượt qua cột mốc 108 về nước.

Chị Đoàn Mai Hiên - hướng dẫn viên Khu di tích cho biết: Cột mốc 108 ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, là một trong 314 cột mốc được thành lập từ thời Pháp –Thanh năm 1887 (nhà Thanh, Trung Quốc). Đến năm 2001, hai nước Việt Nam - Trung Quốc hoạch định phân giới cắm mốc lại. Hiện bên cạnh cột mốc 108 dọc theo biên giới 5m có cột mốc mới mang số hiệu 675. "Cột mốc 675 có giá trị về pháp lý, còn cột mốc 108 mang giá trị lịch sử. Trong toàn tỉnh Cao Bằng được giữ lại 2 cột mốc cũ là cột mốc 53 ở thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, và cột mốc 108" - chị Hiên cho biết.

Sau khi về nước, khoảng chục ngày đầu Bác và các cán bộ cách mạng ở nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó Bác chuyển vào hang Cốc Bó để giữ bí mật và tránh làm phiền người dân. Ban ngày Bác ra khu vực đầu nguồn suối để làm việc, đêm trở về hang nghỉ ngơi.

Khi cuộc sống và công việc của Người ở trong hang dần đi vào ổn định thì địch nghi trong thôn Pác Bó có Cộng sản nên lùng soát gắt gao. Nhờ được nhân dân thôn Pác Bó báo tin nên Bác đã nhanh chóng di chuyển khỏi hang. Người đến ở hang Lũng Lạn (dọc đường lên cột mốc 108), gọi là hang nhưng chỉ là mái đá trống trải, mưa dầm, sương muối có thể hắt vào. Trước tình cảnh đó, Đoàn thể cứu quốc Pác Bó đã dựng cho Bác một chiếc lán bên dòng suối Khuổi Nặm, cách hang Cốc Bó khoảng 1km. Đến cuối tháng 3/1941, Bác và các đồng chí chuyển đến ở và làm việc tại lán Khuổi Nặm. Tại đây, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

(Xuan) Bác đã về đây, Tổ quốc ơi... - Ảnh 2.

Cụ Hoàng Thị Khìn - người nấu cơm và đưa cơm cho Bác và các cán bộ cách mạng ở Pác Bó 80 năm trước. Ảnh: Trọng Hiếu

Cụ Hoàng Thị Khìn năm nay tròn 100 tuổi, 80 năm trước cụ là người nấu cơm cho Bác Hồ và các cán bộ cách mạng. Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về Bác Hồ, cụ nở nụ cười phúc hậu rồi nói "Pác Bó là quê hương thứ hai của Bác Hồ".

Nói về hang Cốc Bó, chị Đoàn Mai Hiên kể câu chuyện rất đáng chú ý: Vào năm 1997, John Junior F.Kennedy - con trai của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy có chuyến thăm Khu di tích Pác Bó. Người đàn ông đặc biệt này có một đề nghị rất đặc biệt: Ông mong muốn ngủ lại trong hang một đêm để có thể cảm nhận cuộc sống của Bác Hồ ra sao. Tuy nhiên Ban Quản lý Khu di tích không đồng ý. Sau khi về Mỹ, ông có viết trên tờ Washington Post: Tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu tại sao trong hang tối tăm, nhỏ hẹp và ẩm thấp như vậy mà ông Hồ Chí Minh lại nghĩ ra một kế hoạch lâu dài để giành lại đất nước.

Điều mà con trai cố Tổng thống John F. Kennedy không hiểu nhưng dân tộc Việt Nam thì mãi khắc sâu: Trong hang đá tối tăm, nhỏ hẹp và ẩm thấp này có một tư tưởng, có một nhân cách, có một trái tim lớn. Như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Những đêm ấy Bác thức cùng ngọn lửa/Thảo từng trang sử lớn cho đời...

Những người nấu cơm cho Bác và các đồng chí

(Xuan) Bác đã về đây, Tổ quốc ơi... - Ảnh 2.

Sau 30 năm bôn ba, Bác Hồ đã vượt cột mốc 108 về nước nhóm ngọn lửa cách mạng giải phóng dân tộc. Trong ảnh: Tác giả bài viết cạnh cột mốc 108. Ảnh: Trọng Hiếu

Thôn Pác Bó giờ đã thay đổi với nhiều căn nhà kiên cố thay cho những mái nhà sàn cũ. Khi đặt trên tới đây chúng tôi nghĩ đã 80 năm trôi qua, chắc lớp người tham gia giúp đỡ cho cách mạng đều đã thành thiên cổ, nhưng thật may mắn trong thôn vẫn còn một bà cụ. Đó là cụ Hoàng Thị Khìn. Cụ bảo năm nay cụ tròn 100 tuổi, 80 năm trước cụ là người nấu cơm cho Bác Hồ và các cán bộ cách mạng. Ông Nông Văn Nàn (con trai cụ Khìn) bảo, cụ đã tuổi cao nên không nhớ được nhiều. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện về Bác Hồ, ký ức năm xưa lại ùa về trong cụ.

Cụ Khìn kể, khi được Bác Hồ và các cán bộ cách mạng tuyên truyền, gia đình cụ sớm giác ngộ và tích cực giúp đỡ cách mạng. Cha cụ Khìn là Hoàng Quốc Long thường giao cho cụ và chị gái cụ (tên Hoàng Thị Hoa) nấu cơm cho Bác và các cán bộ cách mạng. "Có một dạo các cán bộ cách mạng thường ăn cơm ngay tại nhà, mỗi bữa tôi nấu khoảng 2 mâm cho hơn 10 người. Tôi nấu cơm, còn chị Hoa gác bên ngoài. Nhiều bữa cơm nấu chín nhưng các cán bộ chưa kịp ăn thì địch đi tuần qua, gia đình tôi vội giấu các vị khách vào trong tủ thờ (tủ làm cao như dạng tủ tường, có đặt bàn thờ bên trên-PV)" - cụ Khìn kể.

Thời gian sau, Bác và các đồng chí chuyển ra hang Cốc Bó, cụ Khìn vẫn tiếp tục nấu cơm và bí mật đi vào hang tiếp tế. "Để giữ bí mật, tôi để cơm và thức ăn vào ống tre rồi đặt vào giỏ vẫn dùng đi hái rau rừng, đeo dao lên người trông bộ dạng như đang đi lên rừng hái măng, để đưa cơm ra cho Bác và các cán bộ cách mạng" - cụ Khìn cho biết.

Gia đình cụ Khìn có 3 chị em là Hoàng Thị Hoa, Hoàng Thị Khìn và Hoàng Thị Bách (cụ Bách đã qua đời) đều tham gia hoạt động cách mạng. Cụ bảo, cả thôn Pác Bó đa phần đều tham gia giúp đỡ cách mạng chứ không riêng gì gia đình cụ. Hồi đó thôn chỉ có khoảng 20 nóc nhà. Thôn chỉ có con đường độc đạo ra vào, khi có động ở đầu thôn, người dân hô ám hiệu "lợn vào vườn". Nghe vậy, những người dân ở trong thôn biết sắp có biến nên báo cho các cán bộ cách mạng di chuyển đến chỗ an toàn.

Cụ Hoàng Thị Hoa hiện đã chuyển về Thái Nguyên sinh sống. Thời kỳ Bác Hồ ở Pác Bó, cụ Hoa dù đã lập gia đình (chồng là Hoàng La Thanh - 1 trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân) nhưng vẫn hăng hái tham gia cách mạng, được đoàn thể chọn vào tổ tiếp tế, hàng ngày mang thức ăn từ thôn Pác Bó lên lán Khuổi Nặm cho Bác và các cán bộ.

Tổ tiếp tế của cụ Hoa có 3 người, đều là nữ. Cụ Hoa tên thật là Hoàng Thị Lần, được Bác đặt là tên Hoa, còn hai bạn của cụ được Bác đặt tên Nga và Đào, gọi theo thứ tự là Nga, Hoa, Đào. Bác giải thích, thời gian ở nước ngoài hoạt động cách mạng, Bác ở nước Nga nhiều nhất, Bác đặt tên Nga là để nhớ kỷ niệm về nước Nga, còn tên Hoa là Bác từ Trung Hoa về nước, tên Đào là kỷ niệm thời gian Bác về nước đúng dịp hoa đào đang nở. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem