“Bạc đầu” lo thưởng tết cho người lao động

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 15/01/2021 06:06 AM (GMT+7)
Trong 9 tháng đầu năm 2020 có hàng chục nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh. Có tới 31,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gồm mất việc, giãn việc, giảm thu nhập.
Bình luận 0

Mặc dù thị trường lao động đã khởi sắc, nhưng kinh tế vẫn còn rất khó khăn. Bởi thế bức tranh lương, thưởng tết năm 2021 có thể có nhiều gam màu sáng, tối tương phản.

Không có thì... đành chịu

Căn phòng trọ 10m2 là nơi sinh sống đã 3 năm nay của gia đình nữ công nhân Hoàng Thị Thu Hiền (quê Anh Sơn, Nghệ An). Trước đây, vợ chồng Hiền có 8 năm bám trụ ở trung tâm Thủ đô, làm cho Công ty giày Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội). Nhưng lương thấp, mức chi tiêu sinh hoạt quá đắt đỏ nên vợ chồng cô chuyển ra ngoại thành sống và làm việc để dễ dàng xoay xở.

“Bạc đầu” lo thưởng tết cho người lao động - Ảnh 1.

Lao động nhận lương thấp kỷ lục, và hy vọng khoản thưởng tết dù biết doanh nghiệp rất khó khăn (Ảnh chụp tại căn phòng trọ của chị Hoàng Thị Hiền). Ảnh: Nguyệt Tạ

Yêu cầu báo cáo về lương, thưởng tết

Đầu tháng 12 vừa qua Bộ LĐTBXH đã có công văn yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương của doanh nghiệp trên địa bàn trước ngày 27/12, nhằm kịp thời nắm bắt tình hình có phương án chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Bộ cũng đề nghị các địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, nhất là các quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 để người sử dụng lao động và người lao động thực hiện. Ngoài ra, địa phương chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện thương lượng tập thể...

Hiện giờ Hiền đi làm ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, chồng cô mới thất nghiệp vì dịch Covid-19 phải chạy xe ôm công nghệ kiếm sống qua ngày. Hai vợ chồng làm tháng chưa được 10 triệu đồng, tiền ăn không đủ, chồng lại ốm đau triền miên nên cứ phải vay mượn giật gấu vá vai suốt ngày.

"Năm ngoái anh ấy phát hiện bị tràn dịch màng phổi, cứ vài tháng lại vào viện một lần. Nhà thuộc dạng cận nghèo, may mà có bảo hiểm không thì không biết xoay xở thế nào. Thế nhưng bảo hiểm cũng chỉ chi trả 60-70% tiền điều trị thôi, số còn lại cũng như tiền ăn ở em đều phải lo hết"- Hiền chia sẻ.

img

Doanh nghiệp may mặc khốn đốn

"Năm nay là năm kinh tế cực khó khăn với các doanh nghiệp ngành may mặc. Xuất khẩu năm 2019 của dệt may Việt Nam đạt 38,9 tỷ USD, nhưng năm 2020 ước chỉ đạt 35,2 tỷ USD (giảm hơn 3 tỷ USD). Đã có tới hàng trăm công ty may mặc vừa và nhỏ phải giải thể. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp linh hoạt nắm bắt thời cơ, chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang, thiết bị bảo hộ... nên hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì. Nhìn chung dù khó khăn, các doanh nghiệp vẫn cố gắng có lương thưởng tết cho công nhân lao động. Mức thưởng có thể thấp hơn các năm trước một chút, dao động từ nửa tháng, tới 1 tháng lương. Không có trường hợp cao đột biến".

Ông Mai Xuân Dương -

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

img

Chờ mong lương thưởng từng ngày

"Lao động đi làm vất vả cả một năm chỉ mong đến tết để chút lương, thưởng tết, vì thế dù khó khăn, các doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng duy trì thưởng tết. Tuy nhiên theo dự báo của nhiều bên, năm nay chắc chắn lương thưởng tết cũng khá thấp, cố gắng cũng chỉ được 1 tháng lương, sẽ hiếm có mức thưởng cao như các năm trước. Khả năng nhiều lao động sẽ không có lương, không có thưởng, thậm chí là không có cả công việc. Nhóm này chủ yếu là nhóm làm dịch vụ du lịch, lưu trú".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương -

nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động

img

Có thưởng là may!

"Mức lương hơn 7 triệu đồng cũng đủ để em trang trải chuyện sinh hoạt. Tuy nhiên, công việc hiện tại không có tăng ca, tăng kíp nên lương không tăng. Theo nghe ngóng năm nay công ty cũng thưởng tết một tháng lương thứ 13. Với em đó cũng may mắn lắm rồi vì bạn em nhiều người mất việc chưa tìm được việc làm".

Nguyễn Thị Vượng (Quảng Bình) -

công nhân Công ty Canon

Với đồng lương hơn 5 triệu đồng tháng, Hiền phải nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, lại lo thêm cả cho người chồng ốm đau. "Khổ lắm chị ạ! Mỗi lần anh ấy ốm là không đi làm được, nằm viện tận 2-3 tháng. Có lần hết tiền, nằm viện ngoài này tốn kém, anh ấy còn phải xin về quê nằm viện để bớt tiền điều trị ăn uống. Giờ em đi làm cả ngày, chồng ốm mà có dám đi viện đâu vì không có tiền, với anh ấy bảo ở nhà để còn đi đưa đón con. Không có mẹ già đi làm, lo hỗ trợ thêm vợ chồng em gạo, cá, rau cà... thì nhà em chết"- Hiền mắt ngân ngấn.

Rà soát hỗ trợ người khó khăn trước

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, khu có 9 khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao, thu hút 660 dự án, trong đó có 346 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 6,2 tỷ USD và 321 dự án đầu tư trong nước, với vốn đăng ký trên 15.300 tỷ đồng. Doanh thu của khu công nghiệp và chế xuất đạt 5.699 triệu USD (giảm 3%); nộp ngân sách nhà nước 174 triệu USD (giảm 8%); xuất khẩu đạt 3.450 triệu USD (giảm 5%); nhập khẩu 3.005 triệu USD (giảm 7%) so với cùng kỳ 2019.

Nhận định về tình hình lương, thưởng tết năm 2020, ông Thắng cho biết, so với năm ngoái, tất cả các chỉ số đầu tư, doanh thu, xuất nhập... đều giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn thực hành báo cáo lương thưởng tết.

"Tới thời điểm này cũng bắt đầu có một số ít doanh nghiệp báo cáo về vấn đề lương thưởng tết. Nhận định chung tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, vì thế khả năng lương, thưởng tết sẽ thấp hơn năm ngoái"- ông Thắng nói.

Để chăm lo tết cho người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố đang yêu cầu công đoàn công ty trong khu công nghiệp rà soát lao động có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Hiện công đoàn thành phố đã được phân bổ 1.000 suất quà trị giá 1 triệu đồng mỗi suất, và công đoàn khu công nghiệp cũng dành thêm 1.000 suất quà nữa để lo tết cho công nhân nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố cũng dành 20 suất quà cho các con của công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng.

"Chúng tôi tập trung vào thực hiện đối thoại thương lượng tập thể trong doanh nghiệp về các khoản tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp. Qua đó sớm thông tin tới người lao động để họ yên tâm sản xuất"- ông Thắng chia sẻ thêm.

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, tuy kinh tế khó khăn, nhưng đây lại là cơ hội để người lao động và doanh nghiệp sát cánh bên nhau, hiểu nhau hơn. Nhiều doanh nghiệp lại thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ chăm lo cho người lao động nhiều hơn.

"Ngoài một số doanh nghiệp quá khó khăn, đến mức phải tạm ngừng hoạt động, hoặc giải thể thì các doanh nghiệp còn hoạt động vẫn sẽ có lương, có thưởng cho công nhân lao động, dù ít dù nhiều. Tuy nhiên bức tranh thưởng tết sẽ có nhiều gam màu đối lập, kiểu sáng - tối"- bà Ngân nói.

Dự báo được tình hình này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dự trù các nguồn trích từ quỹ để chăm lo tết cho người lao động. Ngoài ra, công đoàn cũng phát động tình thần "nhường cơm sẻ áo", kêu gọi những doanh nghiệp làm ăn được chăm lo san sẻ thêm cho các doanh nghiệp khó khăn.

Chia sẻ về câu chuyện lương, thưởng tết, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, do năm nay có nhiều tác động, nên mức thưởng tết cũng sẽ không tương đồng, khoảng cách chênh lệch sẽ càng cao. "Khối doanh nghiệp kinh doanh sản xuất hàng điện tử, dịch vụ ăn uống; công nghệ thông tin,... là những nhóm ngành ít chịu tác động. Thậm chí một số ngành còn ăn nên làm ra. Vì thế chắc chắn thưởng tết sẽ khá hơn nhiều. Trái lại một số ngành dịch vụ lưu trú, du lịch chắc chắn tình hình sẽ rất ảm đạm"- ông Huân nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem