Bắc Giang: Quyết bảo vệ "kho báu" 7.000 tỷ của nông dân trước dịch Covid-19, nơi này làm điều chưa từng có

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 14/05/2021 09:11 AM (GMT+7)
Để bảo vệ vùng sản xuất vải thiều an toàn trước dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đảm bảo tiêu thụ vải thiều thuận lợi, tỉnh Bắc Giang yêu cầu phải kiểm soát chặt để huyện Lục Ngạn không có đối tượng F1.
Bình luận 0

Vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn không để có đối tượng F1

Đó là một trong những yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang đặt ra trong Kế hoạch sản xuất vải thiều đảm bảo an toàn dịch bệnh năm 2021 của UBND tỉnh Bắc Giang.

Trong kế hoạch này, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ mục tiêu phải bảo vệ bằng được vùng sản xuất vải thiều an toàn như Lục Ngạn, Tân Yên sạch bệnh Covid-19, đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

Để làm được việc này, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu ngành chức năng lập các chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều tập trung, bao gồm: Kiểm tra, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện ra vào vùng trồng vải thiều; đưa cách ly tập trung tại tỉnh các đối tượng F1 để đảm bảo tại huyện Lục Ngạn không có đối tượng F1.

Tiến hành lập danh sách và kiểm tra y tế đối với tất cả các mã số vùng trồng vải, các trang trại, các Tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải; các cơ sở đóng gói, sơ chế vải thiều trên địa bàn. 

Lập danh sách và kiểm tra y tế đối với các lái xe và phương tiện tham gia vận chuyển tiêu thụ vải thiều trên địa bàn đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm cho các lái xe, khi có kết quả âm tính với Covid-19, cấp giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền và cho lưu hành, thời gian từ ngày 20/5/2021. 

UBND tỉnh Bắc Giang cũng chủ trương lập hồ sơ xác nhận sản xuất an toàn dịch Covid-19 để chứng minh các lô vải thiều xuất đi các thị trường trong và ngoài nước đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19; các mã vùng sản xuất vải an toàn dịch bệnh Covid-19; người sản xuất, người thu hái, cơ sở đóng gói, người và phương tiện vận chuyển được kiểm soát đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.

Bắc Giang: Quyết bảo vệ "kho báu" 7.000 tỷ của nông dân, nơi này làm điều chưa từng có - Ảnh 1.

Xử lý vải thiều trước khi đưa vào bảo quản tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn) trong vụ vải năm 2020. Ảnh: I.T

Đảm bảo vải thiều xuất khẩu đến các thị trường khó tính

Bên cạnh việc đảm bảo vùng sản xuất vải thiều tập trung của tỉnh phải an toàn trước dịch bệnh Covid-19, ông Lê Ô Pích cũng yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tăng cường chỉ đạo sản xuất vải thiều đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu mới như Nhật Bản, Mỹ, EU. 

Hiện, đã có 30 mã số vùng trồng với diện tích 219ha phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; thị trường EU và Mỹ có 18 mã số vùng trồng với diện tích 218 ha; thị trường Trung Quốc có 149 mã số vùng trồng với diện tích 15.800 ha. 

"Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, trong đó quan tâm các điều kiện để xuất khẩu vải thiều như: Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, cơ sở sơ chế, xông hơi khử trùng, tem nhãn, bao bì sản phẩm, công tác 3 kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.

 Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp, thương nhân vào liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vải thiều, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai sản xuất và tiêu thụ vải thiều" - UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu.

Để thực hiện tốt kế hoạch tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Sở NNPTNT hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để cây vải sinh trưởng phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng; tiến hành giám sát chặt chẽ vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản... 

Phối hợp với UBND các huyện, vùng trồng vải phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả vải trước khi xuất khẩu.

Hướng dẫn truy xuất mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo xuất đi các thị trường được rõ ràng, minh bạch thông tin, an toàn dịch bệnh.

. 2. Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh Covid-19, đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh; theo dõi, kiểm tra và thực hiện các quy định phòng dịch tại các vùng sản xuất vải tập trung, các doanh nghiệp, thương nhân đến tiêu thụ vải thiều.

Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện Kế hoạch xúc thương mại tiêu thụ vải thiều theo phương án đã chuẩn bị; mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết để tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều; đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tiêu thụ vải thiều. 

Theo thống kê, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2021 là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020).

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhờ triển khai tổng hợp các giải pháp, tỉnh Bắc Giang vẫn có một vụ vải thiều thắng lợi chưa từng có, doanh thu đạt tới 7.000 tỷ đồng. Lần đầu tiên, vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá bán lẻ lên tới 500.000 đồng/kg.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến ngày 17/5/2021 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn.

Hiện tỉnh đang thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm soát nhanh nguồn lây bệnh trong cộng đồng; phấn đấu đến hết ngày 17/5/2021 lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân tại các doanh nghiệp có F0, F1 và có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Đảm bảo không xuất hiện các ca mắc mới ở ngoài các khu cách ly tập trung và cách ly y tế.

Thực hiện nghiêm việc cách ly, các đối tượng F1, cách ly tập trung tại các trung tâm; thực hiện quản lý chặt chẽ cách ly tại gia đình các đối tượng F2, F3.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem