Nông dân mất nguồn mưu sinh
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng đang trồng khoai tây vụ đông sắp trở thành khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Biếm ở thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong (Yên Dũng) xót xa cho biết: “Từ 2003 đến nay đã có 3 dự án, lấy mất 4 sào ruộng nhà tôi, nếu tính cả dự án xây dựng nhà máy gạch của Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn sẽ lấy tiếp 2 sào ruộng nữa thì gia đình chẳng còn đất canh tác. Giờ chúng tôi đã ngoài 50 tuổi rồi, chỉ biết làm ruộng nên nếu không còn đất cũng chẳng biết làm gì để sống”.
|
Nông dân xót xa nhìn đất Dự án Vinashin đang bỏ hoang. |
Năm 2003, nông dân xã Tiền Phong bị thu hồi hơn 10ha, đến năm 2005 bị thu hồi 30ha và năm 2007 lại lấy 20ha. Nhưng đến nay, trên diện tích đất hai lúa ấy, hai khu công nghiệp của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải và Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thuỷ Bắc Giang (Vinashin) đang để cỏ hoang mọc um tùm. Những lời hứa của 2 doanh nghiệp này về việc làm, về đất dịch vụ cho người dân chưa biết đến bao giờ thành hiện thực.
Hiện tại, những miếng đất cuối cùng, nguồn mưu sinh cuối cùng của họ sắp phải mất đi vì một quyết định của tỉnh.
“Thích” đất lúa hơn đất bỏ hoang
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Hà Giang - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Dũng cho biết: Dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn lấy tổng diện tích 244.458m2 (theo Quyết định 952 ngày 24.6.2010 của UBND tỉnh Bắc Giang). Ông Giang cũng cho biết, cơ bản diện tích đất này là đất hai lúa và một vụ màu ăn chắc.
Còn ông Hoàng Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng khẳng định: Khi Công ty Thạch Bàn về đầu tư tại Yên Dũng, huyện cũng đặt vấn đề nên lấy đất của các dự án đã thu hồi đất trước đó và đang bỏ hoang của Công ty Hoàng Hải hoặc Vinashin Bắc Giang.
“Với khu đất bỏ hoang của Công ty Hoàng Hải và Vinashin, chúng tôi đã đề xuất tỉnh có phương án thanh lý, đừng để hình ảnh phản cảm này tồn tại ở đây”.
Ông Hoàng Văn Đức
Trả lời PV vì sao không lấy đất trong khu công nghiệp đang bỏ hoang mà thu hồi đất hai lúa, ông Nguyễn Thế Cường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn cho biết:
“Chúng tôi là doanh nghiệp nên cần tính toán tới lợi nhuận kinh tế, khi vào đầu tư, Thạch Bàn cũng có đàm phán với Vinashin và Hoàng Hải, nhưng họ đòi giá cao quá nên mới đề xuất lấy đất chưa giải phóng mặt bằng để giá thành rẻ hơn. Chúng tôi đề xuất và tỉnh đồng ý thì chúng tôi làm”.
Hiện nay, UBND huyện Yên Dũng đã 2 lần tổ chức cưỡng chế thu hồi đất cho dự án nhà máy gạch của Công ty Thạch Bàn, và công ty này cũng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nghị quyết về việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa của Quốc hội bị UBND tỉnh Bắc Giang bỏ qua chỉ vì quá “chiều” doanh nghiệp! Hơn 500 hộ dân tại xã Tiền Phong đang lâm vào cảnh mất đất canh tác bên những mảnh đất bị bỏ hoang.
Nhóm P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.