Bắc Kạn: Trồng cam, trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân có lợi gì?
Bắc Kạn: Trồng cam, trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân có lợi gì?
Chiến Hoàng
Chủ nhật, ngày 15/11/2020 06:31 AM (GMT+7)
Để cây có múi, trong đó có cam, quýt cho năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chính quyền xã Dương Phong, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) và HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Dương Phong đang giúp nông dân thực hiện trồng cam, trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Dẫn chúng tôi vào rừng quýt của HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Dương Phong, nơi đang thực hiện trồng cây có múi theo hướng VietGAP, ông Nông Thanh Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Dương Phong cho biết, quy trình VietGAP đang được thực hiện khá hiệu quả.
Tuy nhiên diện tích được cấp giiấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP chưa nhiều, mới chỉ có 15ha.
Theo ông Phương, hiện HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Dương Phong đang phát triển thêm một số diện tích trồng quýt nữa để được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đây sẽ là cú hích quan trọng thay đổi tư duy sản xuất theo lối truyền thống của người trồng cam, trồng quýt tại địa phương.
Nhìn những trái quýt lúc lỉu vàng ruộm trong nắng sớm với quả to đều, bắt mắt, ông Phương bảo, đây là niềm ao ước ở vựa cam, quýt lớn nhất nhì Bắc Kạn trước đó.
Bởi phần lớn những cây cho trái tại địa phương được trồng theo cách truyền thống, cho quả không đều. Quả quýt bi, quýt bé nhiều hơn quả trung, quả đại nên rất khó tiêu thụ.
Việc thực hiện quy trình theo hướng VietGAP của HTX đã mở ra hướng đi mới cho người trông cây có múi tại Dương Phong. Ông Phương khẳng định, nguồn ra của cam, quýt Dương Phong rất nhiều nhưng để đáp ứng được điều kiện của thương lái thì rất khó khăn.
"Có nơi họ đặt vấn đề lấy 5 tấn quýt/ngày nhưng phải là trái to, Dương Phong có tổng diện tích trồng cam, trồng quýt hơn 600ha. Tuy nhiêncam, quýt chủ yếu được trồng theo cách truyền thống với lượng tồn dư hóa chất khá cao. Cây cho quả nhiều nhưng không đều, phải lược hái, phần quả bi, quả bé chiếm đa số nên rất khó đáp ứng.
Bản chất của quy trình VietGAP là sản xuất theo hướng sạch, an toàn, vật tư phải theo quy chuẩn, quy trình thống nhất, 100% không dùng thuốc diệt cỏ.
Để thay đổi tư duy của người trồng cây có múi không dễ chút nào, bởi thực hiện theo hướng VietGAP rất khắt khe, nhất là đối với các loại hóa chất. Người dân bao đời nay quen dùng thuốc diệt cỏ rồi", ông Phương nhận định.
Những chùm quả trĩu mọng khiến không ít hộ trồng quýt trong xã phải ao ước.
Những trái quýt to đều đang vào độ chín, lâu lắm, người dân nơi đây mới được tận thấy cả vườn chứ không phải một vài cây cá biệt có quả đẹp và ngọt đến vậy.
Chị Nông Thị Phượng, thôn Tổng Mú, xã Dương Phong (thành viên HTX) cho biết, gia đình chị hiện đang trồng theo hướng VietGAP trên diện tích 1ha. Chuyển đổi từ việc trồng theo phương thức truyền thống sang quy trình theo hướng VietGAP vườn cho năng suất cao mà chất lượng quả cũng tốt hơn, công việc cũng không có nhiều thay đổi.
"Khi thực hiện theo quy trình này, chúng tôi được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm trồng theo hướng VietGAP quả ngọt hơn và đặc biệt đảm bảo an toàn. Mục tiêu hướng tới của gia đình sẽ là 9 -10 tấn quả/1ha. Trồng theo cách truyền thống chỉ đạt khoảng 6-7tấn", chị Phượng chia sẻ.
Ông Ma Thế Huy, Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Dương Phong cho biết, HTX được thành lập cuối năm 2017, trước đó HTX thực hiện trồng quýt an toàn, trồng quýt sạch và được hỗ trợ theo Nghị quyết 08 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn. Hỗ trợ gồm: thiết bị máy móc, phân bón, tổng hỗ trợ 300 triệu đồng, đó là bước đầu tiên, bước nền của VietGAP.
"HTX có 12 thành viên với tổng diện tích cây có múi gần 47ha, chúng tôi có sẵn 10ha đã sạch, an toàn từ bước nền và 15ha mới được công nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn vietGAP, chúng tôi sẽ phấn đấu để phần diện tích còn lại tiếp tục được công nhận...", ông Huy chia sẻ.
Tiền thân của HTX Dương Phong đi lên từ Đoàn thanh niên, biết kinh tế tập thể sẽ rất vất vả về việc vận động, sửa đổi tư duy thâm canh. HTX trồng quýt theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, buộc phải cắt tỉa cành, người dân theo cách truyền thống thường xót cành, xót của nên không tỉa.
Các thành viên được vận động đã cam kết và thực hiết rất tốt. Đến nay đã được 3 vụ quả, qua quá trình tập huấn, được sự hướng dẫn từ các đơn vị chuyên môn, năng suất đạt chỉ tiêu đề ra, chất lượng quả cũng tốt hơn nhiều", ông Huy cho biết thêm.
Theo ông Huy, tại Dương Phong có mấy thế hệ quýt, trong đó có quýt truyền thống, quýt trồng bằng hạt và quýt ghép. Quýt truyền thống chất lượng quả thấp hơn quýt ghép. Thực hiện theo quy trình VietGAP, tỷ lệ quả bi được cải thiện rõ rệt. Về nguồn ra, chúng tôi cung cấp cho HTX Hương Ngàn để làm tinh dầu (tận thu được quýt bi, quýt bé) và bán quýt thương phẩm.
Trao đổi với PV, ông Bế Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Dương Phong nhận định, đây là hướng đi mới, hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như độ an toàn cao.
"HTX là một trong những điều kiện cần để đạt tiêu chí tổ chức sản xuất. Trồng cây có múi theo quy trình VietGAP đang là hướng đi đúng, giúp sản phẩm cam, quýt tại địa phương tiêu thụ tốt hơn, để mở rộng quy mô, rất cần sự thay đổi trong tư duy của người trồng mới cho ra được sản phẩm chất lượng, an toàn", ông Trường nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.