Bạc Liêu: Huyện Hòa Bình có nhiều cố gắng trong thực hiện chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chúc Ly Thứ năm, ngày 27/10/2022 20:51 PM (GMT+7)
Chiều ngày 27/10, ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) dẫn đầu đoàn công tác Hội NDVN làm việc với UBND huyện Hòa Bình, Bạc Liêu về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bình luận 0

Huyện Hòa Bình có 3 dân tộc chủ yếu gốm Kinh, Hoa, Khmer sống đan xen với nhau với tổng dân số là 28.010 hộ/119.370 khẩu; tổng số hộ dân tộc thiểu số là 3.415 hộ/15.098 khẩu, chiếm hơn 12,6% dân số toàn huyện.

Hiện toàn huyện có 2.386 hộ nghèo chiếm hơn 8,5% số hộ toàn huyện; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 779 hộ, chiếm hơn 32,7%.

Bà Trịnh Phương Nhung – Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hòa Bình thông tin: Thời gian qua, mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc của các đơn vị, cùng sự nỗ lực của người dân nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, nhất là hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc từng bước phát triển.

Bạc Liêu: Huyện Hòa Bình có nhiều cố gắng trong thực hiện chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc tại huyện Hòa Bình. Ảnh: Chúc Ly.

Theo đó, kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, 100% xã của huyện đều có đường xe ô tô đến trung tâm xã, đường giao thông nông thôn liên ấp được cứng hóa; 100% các xã được phủ hệ thống lưới điện quốc gia, 100% hộ gia đình sử dụng điện; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%, cùng với đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng đã góp phần đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Công tác giáo dục, đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, con em đồng bào đến lớp đúng độ tuổi quy định; việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được thực hiện thông qua các lớp dạy chữ, tiếng Khmer ở 4 chùa phật giáo Nam tông Khmer và 3 điểm trường tiểu học trên địa bàn huyện, với 26 lớp theo học hằng năm.

Nhìn chung, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, làm muối và mua bán nhỏ, phần lớn tập trung ở 4 xã ven biển, đời sống kinh tế hộ còn thấp.

Bạc Liêu: Huyện Hòa Bình có nhiều cố gắng trong thực hiện chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Chúc Ly.

Theo UBND huyện Hòa Bình, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2022 được giao là hơn 3,9 tỷ đồng; nguồn sự nghiệp Chương trình MTQG ngân sách Trung ương năm 2022 là hơn 1,4 tỷ đồng.

Đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc – Tôn giáo huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND xã, thị trấn thuộc Chương trình khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công phụ trách theo đúng tiến độ quy định.

Dự kiến, đến 31/1/2023, huyện sẽ hoàn thành đầy đủ các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch của UBND tỉnh năm 2022 và dự thảo kế hoạch của UBND huyện; đồng thời giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Tại buổi làm việc, các đơn vị có liên quan của huyện cũng nhìn nhận công tác triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện gấp rút nên việc tổ chức thực hiện chưa kịp thời. Trong khi đó, về cơ chế thực hiện có một số nội dung phải chờ thông qua HĐND huyện xem xét quyết định. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện các dự án, tiểu dự án trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số là rất khó khăn; việc đóng góp của người dân, cộng đồng cũng rất hạn chế.

Bạc Liêu: Huyện Hòa Bình có nhiều cố gắng trong thực hiện chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Ông Trần Minh Thới - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình chia sẻ về những khó khăn và cố gắng của huyện trong việc thực hiện Chương trình. Ảnh: Chúc Ly.

Từ đó, huyện Hòa Bình cũng kiến nghị Trung ương và HĐND, UBND tỉnh phân bổ sớm nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương để huyện chủ động, triển khai thực hiện Chương trình ngay từ đầu năm, nhằm đảm bảo giải ngân kịp thời nguồn vốn theo quy định.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Đồng thời, đoàn công tác sẽ có báo cáo tổng hợp các đề xuất của địa phương gửi các bộ, ngành có liên quan cũng như Ban Chỉ đạo chương trình MTQG để từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.

"Huyện Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thành các công việc có liên quan đến Chương trình. Trong thời gian tới, tôi hy vọng, huyện tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành việc giải ngân; có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn giữa các đơn vị, phòng ban chuyên môn với chủ các dự án, tiểu dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc" - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính tin rằng, với những nỗ lực và sự chủ động của địa phương sẽ sớm khắc phục được những khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem