Bắc Ninh: Hỗ trợ tới 5 tỷ đồng cho một dự án nông nghiệp
Bắc Ninh: Sẽ hỗ trợ tới 5 tỷ đồng/dự án nông nghiệp công nghệ cao
Khương Lực
Thứ tư, ngày 22/09/2021 11:16 AM (GMT+7)
Theo dự kiến, tỉnh Bắc Ninh sẽ triển khai chính sách hỗ trợ tới 5 tỷ đồng/dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất nhiều chính hỗ trợ phát triển nông nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
HĐND tỉnh Bắc Ninh đang xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp và Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ mới đặc biệt đối với các loại giống mới, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình OCOP.
Hỗ trợ tới 5 tỷ đồng cho mỗi dự án nông nghiệp
Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, theo dự thảo Nghị quyết, các tổ chức cá nhân nằm trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án.
Các tổ chức, cá nhân thực dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính và phát triển chăn nuôi ngoài khu dân cư được hỗ trợ 150.000 đồng/m2 nhà lưới, 200.000 đồng/m2 nhà màng, nhà kính, 1.000.000 đồng/m2 chuồng trại chăn nuôi ngoài khu dân cư, 50% chi phí mua các thiết bị tự động hóa quá trình sản xuất.
Tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/phương án xây dựng nhà lưới, không quá 2 tỷ đồng/phương án xây dựng nhà màng, nhà kính và phương án phát triển chăn nuôi ngoài khu dân cư.
Đối với sản xuất trồng trọt hữu cơ, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất trong 01 năm đầu sau khi được cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 25 triệu đồng/ha và không quá 2,5 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân.
Cây rau màu hỗ trợ 5 triệu đồng/ha gieo trồng/vụ; cây hoa hàng năm hỗ trợ 10 triệu đồng/ha/vụ; cây dược liệu hỗ trợ một lần 10 triệu đồng/ha; cây ăn quả, cây hoa lâu năm hỗ trợ một lần 20 triệu đồng/ha.
Tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 1 lần chi phí đào, đắp bờ bao với mức 10.000 đồng/m3 nhưng không quá 50 triệu đồng/ha khi thực hiện chuyển đổi trồng lúa sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Về xây dựng mô hình, hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, thiết bị,vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình sản xuất, trình diễn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/mô hình ứng dụng công nghệ cao, không quá 1 tỷ đồng/mô hình còn lại.
Có hợp đồng tiêu thụ nông sản, được hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng
Các tổ chức, cá nhân có hợp đồng tiêu thụ nông sản cho các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, các hộ nông dân theo phương thức ứng trước vốn và thu mua sản phẩm nếu thực hiện đúng hợp đồng được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng cho toàn bộ số tiền vay ứng trước theo hợp đồng (lãi suất vốn vay được tính bằng mức lãi suất chung do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm vay vốn).
Cùng với chính sách hỗ trợ riêng đối với chương trình OCOP, tỉnh Bắc Ninh còn hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, sản phẩm OCOP và bảo vệ môi trường, mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/máy móc, thiết bị.
Tỉnh Bắc Ninh cũng hỗ trợ 50% kinh phí mua thiết bị lạnh và giá để hàng chuyên dùng cho siêu thị và cửa hàng, mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/siêu thị và không quá 100 triệu đồng/cửa hàng.
Ngoài ra, đối với các cửa hàng mở tại khu công nghiệp, khu du lịch tâm linh, trạm dừng nghỉ trên các trục đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí thuê cửa hàng trong 3 năm đầu, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/cửa hàng/tháng.
Các chủ trang trại tiếp cận chính sách hỗ trợ còn hạn chế
Theo Sở NN&PTNT Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 195 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT, trong đó 55 trang trại trồng trọt, 86 trang trại chăn nuôi, 38 trang trại thủy sản và 21 trang trại tổng hợp với tổng diện tích đất trang trại là 910 ha.Năm 2020, tổng doanh thu của các trang trại này đạt 1.137 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 170 tỷ đồng.
Phần lớn đất của các trang trại đang sử dụng hiện nay là thuê của các hộ gia đình và đất công ích của địa phương, thời hạn thuê đất dưới 5 năm. Trong số 195 trang trại, mới có 22 trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với gần 100 ha.
Hầu hết các trang trại vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, do không có tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng. Số trang trại liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị chưa nhiều, hiện nay mới có 25 trang trại tham gia liên kết. Phần lớn các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh chưa biết hoặc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.