Đồng ruộng tỉnh Bắc Ninh giờ đây cho giá trị thu nhập tới 109 triệu/ha, Hội Nông dân có đóng góp
Đồng ruộng ở tỉnh Bắc Ninh giờ đây có giá trị sản xuất lên tới 109 triệu/ha, Hội Nông dân có phần đóng góp
Khương Lực
Thứ tư, ngày 21/07/2021 19:00 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần tăng giá trị sản xuất trồng trọt từ 48,6 triệu đồng/ha năm 2008 tăng lên 109 triệu đồng/ha vào năm 2020. Thu nhập của nông dân được nâng lên, diện mạo nông thôn đã được đổi mới, khang trang và hiện đại.
Ngày 21/7, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị Ban chấp hành lần thứ 8 (khoá IX) sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023; tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.
Đánh giá sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh lần thứ IX, ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh nhận định, các chỉ tiêu công tác Hội và phong trào nông dân hàng năm cơ bản đạt mục tiêu Đại hội đề ra.
"Một số chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đặt ra của cả nhiệm kỳ" - ông Sâm nói và cho biết tại hội nghị, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội cho phù hợp với tình hình thực tế và các chỉ tiêu của Trung ương Hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Nhiều đổi mới, sáng tạo để chăm lo trực tiếp đến hội viên nông dân
Theo ông Trần Đăng Sâm, trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm và hướng về cơ sở, quan tâm, chăm lo trực tiếp đến hội viên nông dân.
Đồng thời, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ mới có tính đột phá và mang tính bền vững. Qua đó, đã thể hiện rõ vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc triển khai thực hiện Kết luận 61 của Ban bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nông dân vay vốn, tham gia phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Trong nửa nhiệm kỳ, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bắc Ninh đã ủng hộ kinh phí xây dựng, trao tặng 10 ngôi nhà "Nghĩa tình nông dân", 69 con bò sinh sản, 400 con gà giống, 484 chiếc quạt điện, 10 xe đạp, 50 chiếc chăn âm cho các hộ hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh
Các phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được khẳng định.
Ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, nông dân hiện chiếm 70% dân số và đến nay toàn tỉnh Bắc Ninh có tổng số 172.494 hội viên nông dân, chiếm 89,35% so với số hộ nông nghiệp.
"Trong nửa nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 274.801 lượt hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Qua bình xét, có 236.082 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, bình quân đạt tỷ lệ 85,9% so với số hộ đăng ký" - ông Khang chia sẻ.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án: "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân giai đoạn 2021-2030".
Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trực nông dân toàn tinh đạt hơn 98,7 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Hiện nay nguồn vốn đang giải ngân cho 340 dự án với 1.485 hộ nông dân vay để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho trên 4.000 lao động.
Nông nghiệp phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, ông Đoàn Duy Hữu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cho biết, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp liên tục giảm (do chuyển đổi mục đích sang phi nông nghiệp), nhưng do tăng cường ứng dụng các giống chất lượng cao, cơ giới hóa... đã góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng.
Nhờ đó, giá trị sản xuất trồng trọt trên 1ha đất canh tác liên tục tăng. Năm 2020 ước đạt 109 triệu đồng/ha/năm, tăng 48,6 triệu đồng so với năm 2008. Thu nhập của nông dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, an ninh lương thực được đảm bảo.
Đến nay, 100% số xã trong tỉnh Bắc Ninh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tại hội nghị, ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Ninh cho biết, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025.
"Trong năm 2021, dự kiến 6 xã của 6 huyện sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao" - ông Hưởng nói và cho biết sẽ không có việc chiếu cố trong công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Vì thế, việc thực hiện các chỉ tiêu ở các xã này phải thực chất, đặc biệt là các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp và môi trường.
Cùng với đó, trong năm 2021, tỉnh Bắc Ninh đang có kế hoạch phát triển và công nhận 81 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Dự kiến trong tháng 9/2021, tỉnh Bắc Ninh sẽ xét công nhận cho khoảng 20-30 sản phẩm OCOP. Trong năm 2020, tỉnh Bắc Ninh đã công nhận 33 sản phẩm OCOP cho 15 doanh nghiêp và chủ thể.
Nhìn thẳng khó khăn, rà soát chính sách hỗ trợ để tạo đột phá
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, có nhiều chỉ tiêu đạt, vượt.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung cũng nêu ra những khó khăn, thách thức mà lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Bắc Ninh đang phải đối mặt và có giải pháp để tháo gỡ, tạo đột phá.
Theo ông Chung, tỷ trọng nông, lâm và thủy sản trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Ninh không lớn, chỉ chiếm 3,49%. Thế nhưng, lĩnh vực này đã chịu tác động mạnh từ dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi trên lợn, dịch Covid-19 trên người), ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của nông dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước 4.796 tỷ đồng, đạt 58,2% kế hoạch năm, tăng 8,1% so cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong năm 2020 lĩnh vực này đã có sự tăng trưởng âm, riêng chăn nuôi âm đến 45%.
"Năm nay chăn nuôi tăng 75% trên số âm đó cũng chẳng bao nhiêu cả" - ông Chung nói và cho biết nếu mổ xẻ, phân tích con số thì đời sống bà con nông dân còn rất nhiều khó khăn.
Chính vì thế, ông Nguyễn Quốc Chung đề nghị các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bắc Ninh cần nhìn thẳng vào khó khăn để tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường không có trợ cấp, họ sẽ xin từ chức!
Tại hội nghị, bà Trần Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Võ cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 133 ngày 3/10/2018 của HĐND tỉnh Bắc Ninh, trong đó có quy định chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân ở phường sẽ không còn phụ cấp nữa thì hoạt động sẽ rất khó khăn.
Vì thế, bà Hường đề xuất xem xét lại quy định trên và có chế độ cho phù hợp. Bởi, theo định hướng, trong thời gian tới huyện Quế Võ sẽ trở thành thị xã, 9 xã sẽ chuyển lên phường. Nếu không có chế độ, hoạt động của Hội Nông dân cấp phường sẽ rất khó khăn.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Tần, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Từ Sơn cho biết, thị xã Từ Sơn vừa có 5 xã lên phường. Đến nay, thị xã còn 9 đơn vị có Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường trên 12 đơn vị, trong đó có 7 đồng chi kiêm nhiệm, 2 không kiêm nhiệm.
"Nếu không có phụ cấp, có khả năng các đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường sẽ xin từ chức. Đi làm mà không có phụ cấp thì không thể đảm bảo cuộc sống - bà Tần nói.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung ghi nhận các ý kiển trên là đúng và sẽ có chỉnh sửa trong dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tần, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Từ Sơn cho biết, trong điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, đối tượng kết nạp hội viên rất đa dạng. Hội viên không chỉ làm nông nghiệp mà có thể kết nạp hội viên là lao động tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, du lịch, thương mại vào Hội Nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.