Những người con đất Bắc “chia lửa” với miền Nam trong cuộc chiến chống Covid-19

Nha Mẫn - Hoàn Lê Thứ tư, ngày 15/09/2021 15:59 PM (GMT+7)
Trong đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, đã có nhiều sinh viên, y, bác sĩ đang công tác tại phía Bắc không ngần ngại, chấp nhận xa gia đình để vào tâm dịch Đồng Nai hỗ trợ, tiếp sức cùng đồng nghiệp dập dịch.
Bình luận 0

Từ miền Bắc vào hỗ trợ tâm dịch Đồng Nai

Khi hay tin nhà trường phát động đăng ký tham gia hỗ trợ Đồng Nai chống dịch, em Lý Huyền Trang, sinh viên năm 4 Trường đại học Điều dưỡng Nam Định đã đăng ký ngay. Em là một trong 50 sinh viên, giảng viên của trường đã lên đường vào Nam hỗ trợ Đồng Nai chống dịch từ những ngày đầu tháng 8 vừa qua.

Những người con đất Bắc tình nguyện “chia lửa” với miền Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 1.

Những tình nguyện viên sẵn sàng lao vào tâm dịch - Ảnh: Hoàn Lê

"Khi tôi báo tin vào Đồng Nai, mọi người trong gia đình rất lo lắng. Tuy nhiên, sau đó cả nhà đều ủng hộ và động viên tôi lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch. Tôi muốn góp chút sức lực để cùng đẩy lùi dịch bệnh", Trang chia sẻ.

Lần đầu tiên đặt chân vào mảnh đất miền Nam đầy bỡ ngỡ, nhiều điều mới mẻ nhưng với Trang đó cũng là một trải nghiệm. Bản thân Trang không thấy áp lực do đã chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng chịu mọi khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt công việc được giao.

Trang cho biết, mới đầu vào đây cũng khá bỡ ngỡ do sinh hoạt, khẩu vị ăn uống ở trong Nam và ngoài Bắc khác nhau, nhưng dần dần rồi cũng quen. Đoàn được phân công hỗ trợ huyện Vĩnh Cửu, được các anh, chị ở trạm y tế hướng dẫn cụ thể công việc. 

"Ngoài hỗ trợ tiêm vaccine, chúng tôi còn tham gia lấy mẫu cộng đồng bất kể ngày hay đêm để kịp tiến độ. Mong sớm dập dịch để nhân viên y tế đều được trở về nhà", Trang mong muốn.

Những người con đất Bắc tình nguyện “chia lửa” với miền Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 2.

Bác sĩ Trung đang hỗ trợ tại Vĩnh Cửu - Ảnh: Hoàn Lê

Tương tự Trang, hơn 1 tháng nay, Hoàng Thị Thu Huyền, sinh viên Trường đại học Điều dưỡng Nam Định cũng đã luôn tích cực hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tại các xã trọng điểm của dịch bệnh trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.   

Huyền cho biết đoàn của các bạn được bố trí nơi ở Ban chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu. Do ở trong môi trường quân đội nên giờ giấc rất nghiêm. Mỗi ngày, Huyền cùng mọi người phải thức dậy lúc 5h sáng để vệ sinh cá nhân, khoảng 15 phút sau xe sẽ chở đoàn đến Trung tâm y tế huyện và lần lượt các thành viên được phân về các trạm y tế xã nhận việc.

"Công việc chủ yếu của tôi và mọi người là đi truy vết lấy mẫu, hỗ trợ tiêm chủng. Ngày nào cũng đi từ sáng sớm và khoảng 19h tối mới lên xe di chuyển về chỗ ở", Huyền cho hay.

Với các em Huyền Trang, Thu Huyền, đây là những công việc mới đầy trải nghiệm, là hành trang để các em bước vào nghề y. 

Xa gia đình, xa người thân và đối diện với công việc nhiều rủi ro, hiểm nguy, các em có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào. Thế nhưng với sức trẻ đầy nhiệt huyết, với tinh thần xung kích, các em đã không ngần ngại khi tham gia.  

Những người con đất Bắc tình nguyện “chia lửa” với miền Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 3.

Tình nguyện viên vào tâm dịch Đồng Nai hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Nha Mẫn

"Khi đi lấy mẫu, chúng tôi cũng gặp khá nhiều F0. Bản thân tôi đã chuẩn bị tâm lý, trang bị đồ bảo hộ, tuân thủ các quy trình trong kiểm soát nhiễm khuẩn để không bị nhiễm bệnh. Sắp tới, tôi cùng với một bạn nữa sẽ nhận lệnh vào khu cách ly phục vụ các bệnh nhân F0. Tôi chỉ mong các thành viên trong đoàn cũng như lực lượng tham gia tuyến đầu có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh", Thu Huyền nói.    

Mong hết dịch để trở về

Giống như các sinh viên, thầy Ngô Văn Như, giảng viên Trường đại học Nam Định cũng tạm xa gia đình vào miền Nam. Theo thầy Như, đến nay đoàn của trường đến Đồng Nai đã được hơn một tháng và vẫn tiếp tục bám trụ để hỗ trợ tỉnh bạn.

"Tôi và các em sinh viên khi đã quyết định lên đường vào miền Nam là sẵn sàng tâm lý không ngại khó, ngại khổ, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Với nhiều em sinh viên, đây cũng là lần đầu tiên trong đời phải xa nhà, xa gia đình, bản thân tôi vừa quản lý vừa động viên các em cố gắng vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hết dịch mới về nhà", thầy Như tâm sự.

Những người con đất Bắc tình nguyện “chia lửa” với miền Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 4.

Trời mưa, các tình nguyện viên tranh thủ nghỉ ngơi - Ảnh: Hoàn Lê

Không chỉ quản lý học sinh, bản thân thầy Như cũng được giao nhiệm vụ khám, tiêm chủng, đây là một công việc không mới với thầy nhưng cũng là một trải nghiệm khó quên.

Thầy Như chia sẻ, để có được chỉ định tốt nhất khi khám tiêm chủng, ngoài việc được tập huấn, thầy còn phải cập nhật các kiến thức tiêm chủng của Bộ Y tế để đưa ra các chỉ định chính xác nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro trong và sau khi tiêm. 

Được biết, ngoài đoàn của Trường đại học Điều dưỡng Nam Định, trong đợt này huyện Vĩnh Cửu còn có 30 y, bác sĩ của tỉnh Hà Nam vào hỗ trợ.

Bác sĩ Đào Tiến Trung (49 tuổi, đoàn bác sĩ của tỉnh Hà Nam) cho biết, đoàn vào hỗ trợ cho huyện Vĩnh Cửu từ ngày 20/8. Mọi người trong đoàn đều sẵn sàng và chuẩn bị tâm lý tốt khi tham gia chống dịch, thậm chí trong đoàn có 1 bác sĩ vợ chuẩn bị sinh con nhưng vẫn tham gia. 

Khi vào đây, lãnh đạo ngành y tế cũng như Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu cũng rất quan tâm đến anh em trong đoàn, lo chỗ ăn ở đàng hoàng, chu đáo. Đoàn của bác sĩ Trung hỗ trợ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng. 1/3 số còn lại tham gia khu cách ly tập trung. 

"Chúng tôi xác định là khi nào hết dịch mới về, vì hiện nay dịch bệnh tại huyện Vĩnh Cửu nói riêng và Đồng Nai nói chung vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi nhân lực hạn chế. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ, chia sẻ phần nào cùng với các đồng nghiệp", bác sĩ Trung nói. 

Nhắc đến những đóng góp to lớn của nhân viên y tế, sinh viên ngành y các tỉnh phía Bắc dành cho Đồng Nai, ông Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu nói rằng ông rất biết ơn những tình cảm lớn lao ấy. Bởi Đồng Nai nói chung và Vĩnh Cửu nói riêng có tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, Vĩnh Cửu là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 trong tỉnh, tuy nhiên với lực lượng y tế mỏng nên công tác phòng chống dịch cũng gặp nhiều khó khăn.
Sự hỗ trợ của các em sinh viên, các y, bác sĩ từ Trường đại học Nam Định và tỉnh Hà Nam đã giúp địa phương có thêm nguồn nhân lực tập trung cho công tác phòng chống dịch.
"Thời gian qua họ đã tham gia truy vết, lấy mẫu tại những điểm nóng của huyện, bên cạnh đó hỗ trợ khám, chích ngừa cho người dân, công nhân… Họ đã không ngại khó, ngại nguy hiểm, sẵn sàng xa gia đình để tình nguyện vào tâm dịch Vĩnh Cửu, chúng tôi luôn ghi nhận và biết ơn họ rất nhiều", ông Hoài nhấn mạnh.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem