Với mục đích tư vấn khoa học, giúp nông dân có thêm kiến thức trong sản xuất nông nghiệp; chương trình “Bác sĩ nông học” đã được Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hội Nông dân, Sở NN&PTNT các tỉnh Đắk Nông và Gia Lai tổ chức từ ngày 25/11 đến 30/11.
Mặc dù được tổ chức vào thời gian cuối tháng 11, tiết trời đã chạm cái lạnh của mùa đông nhưng không khí tại mỗi hội trường tổ chức chương trình "Bác sĩ nông học" vô cùng sôi nổi. Ngày từ lúc mở đầu các chương trình, rất nhiều câu hỏi đã được bà con nông dân đưa ra khiến các "bác sĩ" cũng bất ngờ vì cây trồng của bà con nông dân tại đây gặp nhiều loại bệnh "nan y". Chuỗi chương trình "Bác sĩ nông học" đã trở thành sân chơi bổ ích tư vấn khoa học, giải đáp chính sách, tăng cường liên kết 4 nhà. Chương trình diễn ra tại 4 huyện các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với sự tham dự của hơn 1.000 nông dân cùng sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP.
Ban tư vấn chương trình gồm các chuyên gia đầu ngành, các vị đại diện cơ quan quản lí nhà nước về nông nghiệp: ông Lương Đức Trí - Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và giống cây trồng Tây Nguyên; ông Trương Hồng - Tiến sĩ Nông nghiệp, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên; bà Nguyễn Thị Tình - Phó GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông; ông Phạm Ngọc Huyền – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai; ông Đặng Hữu Thắng - Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Công ty Cổ phần.
Chương trình đã liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa bà con nông dân với các nhà khoa học, doanh nghiệp. Đưa ra những giải pháp cấp bách phòng, chống khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, cũng như tìm kiếm những biện pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian, tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Bà con nông dân địa phương có dịp được tiếp cận để đặt câu hỏi trực tiếp với các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật và sử dụng phân bón. Ngoài ra, chương trình gắn kết với chuỗi các hoạt động khảo sát thực địa đồng ruộng, lấy mẫu phân tích và hoạt động Hội thảo khoa học có sự tham gia tích cực của người dân địa phương để cùng tìm giải pháp thực tiễn cho các vấn đề canh tác nông nghiệp.
Qua đó tăng cường mối liên kết giữa nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và vật tư nông nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm xác định kịp thời xu thế thị trường để có định hướng đúng trong sản xuất, huy động mọi nguồn lực để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.