Nhắc đến bác sỹ Và Bá Tủa ở trạm y tế xã Nhôn Mai (Tương Dương) bà con vùng cao ở các xã Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông hay ở tận bên Lào vẫn không khỏi tấm tắc. Những lần cứu người của vị bác sỹ người Mông này quả thật khiến người nghe phải trầm trồ.
Những ca đỡ đẻ để đời
Năm 2006, 1 sản phụ ở bản Na Lực (Nhôn Mai) khi sinh con tại nhà bị rau bám vào bụng. Sau 3 tiếng đồng hồ, người nhà bàn nhau kéo rau thai làm đứt rau ở trong bụng. Khi bác sỹ Tủa đến nơi thì tử cung sản phụ co lại, bụng trướng lên.
Trạm xá xã Nhôn Mai (Tương Dương), nơi bác sỹ người Mông Và Bá Tủa đang công tác.
Muốn ra được bệnh viện huyện phải mất cả ngày trời, bệnh nhân đang nguy cấp nên bác sỹ Tủa quyết định luồn tay vào bốc toàn bộ rau thai ra. Sau 15 phút, sản phụ bắt đầu bình thường trở lại. Bây giờ cháu bé đã được 10 tuổi, cả gia đình thường xuyên đến thăm bác sỹ.
Một lần khác, anh vào Na Hỉ (Nhôn Mai) cấp cứu 1 ca sinh nở khó. Khoảng 3 giờ sáng, người nhà sản phụ hốt hoảng đến "cầu cứu" anh. Sản phụ chuyển dạ suốt đêm nhưng không sinh được, rơi vào hôn mê. Bác sỹ Tủa gấp rút đến nhà sản phụ, qua thăm khám xác định ngôi thai bị ngược.
Anh Tủa bình tĩnh đưa tay vào xoay thai lại và từ từ đưa ra. Đến 7 giờ sáng, xác định sản phụ và cháu bé đã được an toàn, anh mới rời nhà sản phụ, quay về trạm xá chuẩn bị một ngày làm việc mới.
Hi hữu chuyện nối lại cánh tay bị đứt
Bác sỹ Và Bá Tủa đang thăm khám cho 1 bệnh nhi.
Năm 2007, 1 thanh niên ở Huồi Cọ (Nhôn Mai) đi săn bằng súng tự chế. Súng cướp cò "thổi" toàn bộ phần từ khuỷu tay trở xuống, nối lủng lẳng bằng 1 tí da. Bác sỹ Tủa ga rô lại cánh tay cho nạn nhân và huy động người nhà đưa bệnh nhân xuống Bệnh viện huyện. Người nhà nạn nhân không đồng ý, lý do là "không chữa được thì cũng để ở nhà chờ chết vì trong nhà không còn đồng nào, trâu bò cũng không".
Xác định nếu chậm trễ bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm, bác sỹ Tủa quyết định cắt ngang khuỷu tay tránh để hoại tử cả cánh tay. Anh rửa sạch phần bị thương, dùng chỉ tiêu khâu động mạch tĩnh mạch rồi khâu lại phần da.
Những bệnh nhân đến khám bác sĩ Và Bá Tủa thuộc nhiều dân tộc khác nhau như Mông, Thái, Khơ Mú...
Anh ở lại 1 tuần để chăm sóc bệnh nhân. Mỗi ngày, anh cho dùng kháng sinh liều cao và truyền dịch.Sau 3 tháng bệnh nhân khỏe lại, vết thương đã liền. Giờ bệnh nhân vẫn cầm nắm bình thường, chỉ không thể co duỗi tay.
Điều đặc biệt, bác sỹ Tủa chưa bao giờ lấy của người bệnh đồng tiền công nào vì "trên vùng cao này ai cũng nghèo như nhau cả". Vị bác sỹ này còn được người dân khắp vùng tin tưởng tìm đến vì một lý do khá thú vị: anh thông thạo cả 4 tiếng dân tộc - Kinh, Mông, Thái, Khơ Mú.
Đào Thọ - Hữu Vi (Báo Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.