Bài 2: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống”

Lam Anh – Hoàng Chiên Thứ năm, ngày 03/06/2021 09:56 AM (GMT+7)
Ở huyện Kỳ Sơn - cũ (Hòa Bình), có những tòa nhà mới xây xong, “chủ nhân” chưa kịp dọn đến đã phải sáp nhập sang đơn vị mới.
Bình luận 0

Trụ sở để không lãng phí ở Hòa Bình sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Nhiều trụ sở "vườn không nhà trống" sau sáp nhập

Cuối tháng 4/2021, nhóm phóng viên Dân Việt có mặt tại nơi từng là trụ sở HĐND - UBND huyện Kỳ Sơn tại phường Kỳ Sơn, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Cảnh tan hoang, hiu quạnh và lạnh lẽo.

Ngay phía bên trái cổng vào là Phòng bảo vệ, cửa phòng được chặn bởi một chiếc bàn, bên trong nhiều giấy tờ trải khắp nền gạch, ngoài sân lá cây khô chất từng đống.

Trụ sở HĐND - UBND huyện Kỳ Sơn cũ là dãy nhà 3 tầng, với hàng chục phòng đang để không phí phạm sau khi chuyển đến trụ sở UBND Thành phố Hòa Bình mới được xây dựng.

Bên ngoài dãy nhà nhiều cây xanh trồng làm cảnh đã được đào cả gốc chuyển đi nơi khác. Còn bên trong, phòng làm việc không khóa cửa, ổ khóa hoen gỉ, bình hoa, cây cảnh bị đập vỡ vương vãi khắp nơi, cứ như vừa có một trận bão quét qua.

Giấy tờ, dây điện, rèm cửa và các loại rác rưởi khắp nơi. Nhiều mảng tường bị bong tróc, đồ dùng trong nhà vệ sinh bị hư hỏng nằm lăn lóc.

Bài 3: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống” - Ảnh 2.

Trụ sở Huyện ủy Kỳ Sơn cũ sau khi sáp nhập đang để không

Tòa nhà ngang 3 tầng khác, có gắn biển Phòng Dân tộc, Phòng Nội vụ, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, tất cả các "phòng trụ sở" trên đều đóng kín cửa. Hành lang tầng hai rác thải khắp nơi, nhiều bằng khen, giấy khen, thẻ nhân viên của một số cán bộ vốn làm việc ở các phòng trên để lại.

Nhìn khung cảnh này, nghĩ đến cảnh có biến cố lớn xảy ra khiến người ta phải vội vã di chuyển, bỏ lại hồ sơ, giấy tờ, tài liệu vứt tan hoang đến vậy. Thậm chí, dưới gầm cầu thang tầng một, hàng chục tấm giấy khen, bằng khen chất đống dưới nền nhà.

Sát vách với các Phòng chức năng trên, là Cục thi hành án dân sự; Phòng Y tế huyện Kỳ Sơn; Phòng Tư pháp; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của HĐND - UBND huyện Kỳ Sơn cũ cũng trong tình trạng "vườn không nhà trống", hoang tàn rã rục.

Xuôi theo quốc lộ 6 khoảng 500m về phía trung tâm TP.Hòa Bình là tòa nhà làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn cũ đang cửa đóng then cài.

Bài 3: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống” - Ảnh 3.

Một số công sở cấp Phòng của UBND huyện Kỳ Sơn cũ để không sau sáp nhập

Chếch về phía đối diện là Bảo hiểm xã hội huyện Kỳ Sơn xây dựng còn dang dở. Cả hai tòa trụ sở đều có chiều cao 3 tầng, xây dựng trên diện tích đất rộng hàng nghìn mét vuông.

Ngoài ra, còn nhiều nơi làm việc khác của huyện Kỳ Sơn cũ cũng trong tình trạng để không, ngoài sân dây leo bò khắp nền bê tông, cỏ lau cao quá đầu người lớn. Hoang phế đến rơi nước mắt.

Một người dân sinh sống ở phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình - cho biết: "Từ khi sáp nhập vào thành phố Hòa Bình nơi đây vắng vẻ hẳn, các trụ sở để không vô cùng lãng phí".

Còn đối với UBND cấp xã sau sáp nhập, không ít trụ sở UBND đã để không, đơn cử như trụ sở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau khi sáp nhập các xã Hợp Châu, Tân Thành vào xã Cao Dương, trụ sở chính đặt tại UBND xã Hợp Châu cũ. 

Trong khi trụ sở xã bị sáp nhập để không để không, khi các cán bộ chuyển đến nơi mới lại phải tiếp tục xây dựng thêm phòng làm việc.

Bài 3: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống” - Ảnh 4.

Trụ sở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được xây mở rộng sau khi sáp nhập xã Hợp Châu và xã Tân Thành vào xã Cao Dương. Ảnh chụp tháng 8/2020

Được sự ủy quyền của ông Bùi Văn Thắng - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Quản lý giá và Công sản (Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình) đã làm việc với PV Dân Việt.

Bà Huệ thông tin: "Hiện nay rất nhiều các xã để đảm bảo tiêu chí Nông thôn mới, thiếu nhiều nơi làm việc lắm nên khi sáp nhập gần như các xã phường tiếp tục sử dụng, chỉ có cơ quan thuế là định bán thôi.

Tỉnh cũng yêu cầu các huyện: cái nào dôi dư thì không bán, có hai trụ sở phòng ban chuyên môn của huyện Kỳ Sơn cũ đã có đề xuất là sẽ bán nhưng chưa bán.

Tỉnh mới họp đang định cho một số đơn vị của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn xuống tiếp nhận sử dụng thành nơi làm việc. Các trụ sở sau sáp nhập ở tỉnh Hòa Bình đều được kê khai hết, còn Huyện ủy Kỳ Sơn thì thuộc khối Đảng quản lý. Chi phí sáp nhập dự toán không phát sinh".

"Còn riêng các trụ sở (cũ) của các cơ quan bảo hiểm xã hội, thuế, kho bạc, công an, tòa án… - họ là cơ quan "trung ương" (quản lý theo ngành dọc) đứng trên địa bàn, họ chủ yếu (quản lý) theo ngành dọc" - bà Huệ thông tin thêm.

Bài 3: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống” - Ảnh 5.

Rất nhiều giấy khen của những cá nhân, đơn vị thuộc UBND huyện Kỳ Sơn cũ để lại tại cầu thang của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn.

Trụ sở mới xây đã bỏ không

Trước việc trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Kỳ Sơn vừa xây xong nhưng để không sau sáp nhập, PV báo NTNN/Dân Việt đã trao đổi với bà Phùng Thị Thanh Hiền, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Bảo hiểm xã hội tỉnh Hòa Bình) cho rằng: "Cái này (trụ sở bảo hiểm huyện Kỳ Sơn cũ) là quản lý tài sản công, Sở Tài chính và UBND tỉnh cũng có ý kiến, trụ sở Bảo hiểm huyện Kỳ Sơn chưa hoàn thiện và chưa bàn giao được".

Bà Hiền cho biết trụ sở đang trong giai đoạn xây dựng chưa xong, còn một số hạng mục đang hoàn thiện để bàn giao. 

Về việc, đã có kế hoạch sáp nhập huyện Kỳ Sơn nhưng vẫn xây dựng trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Kỳ Sơn, bà Hiền trả lời không nắm được vấn đề này.

Bài 3: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống” - Ảnh 6.

Trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Kỳ Sơn chưa đưa vào sử dụng và đang để không nhiều tháng nay.

Thông tin từ Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho biết sẽ điều chuyển 8 trụ sở UBND cấp xã ở các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong, Lương Sơn sau sáp nhập, chia tách về đất diện tích khuôn viên 30.286,3 m2, giá trị hơn 6,7 tỷ đồng; về nhà gồm 6.393,8m2 diện tích xây dựng, nguyên giá hơn 26,7 tỷ đồng, giá trị còn lại là 41,3 tỷ đồng.

Đồng thời bán tài sản là 29 UBND xã, phường, thị trấn ở các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình. Tổng về đất có diện tích khuôn viên là 123.995,8 m2, trị giá gần 101 tỷ đồng; về nhà có tổng diện tích sàn xây dựng là 25.017m2, nguyên giá hơn 98,8 tỷ đồng, giá trị còn lại 42,6 tỷ đồng.

Trong đó, TP. Hòa Bình bán tài sản là 11 trụ sở cũ gồm: Trụ sở UBND huyện Kỳ Sơn, Huyện ủy Kỳ Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Thuế Kỳ Sơn, Tài chính Kế hoạch, UBND phường Thái Bình, UBND phường Thống Nhất... và đặc biệt là UBND phường Kỳ Sơn cũng bán.

Giải pháp nào tránh lãng phí?

Sau khi tiếp nhận phản ánh của Báo NTNN/Dân Việt, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình làm đầu mối trao đổi thông tin.

Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho biết: "Trụ sở UBND huyện, Huyện ủy, Phòng Tài chính đã được sắp xếp theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Phương án xử lý sắp xếp điều chuyển hoặc bán chuyển nhượng tạo nguồn xây khu hành chính tập trung của tỉnh, xử lý theo lộ trình 2021-2025".

Bài 3: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống” - Ảnh 8.

Trụ sở bộ phận tiếp nhận và trả kết của của Văn phòng HĐND và UBND huyên Kỳ Sơn cũ đang bị xuống cấp sau hơn một năm không sử dụng.

Ông Hoàng Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hòa Bình, cho biết: "Toàn bộ trụ sở tại các xã, huyện sáp nhập gồm 106 xã, phường, thị trấn, sau khi sáp nhập còn lại 47 xã, phường, thị trấn (trong tổng số 106 xã). Có 37 cơ sở nhà đất là trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, phòng ban dôi dư sau khi sáp nhập đề xuất phương án xử lý".

Phương án sử dụng 29 cơ sở nhà đất là trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các phòng ban dôi dư sau khi sáp nhập được các đơn vị đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 8 cơ sở đề xuất phương án điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng.

Đối với phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho biết đối với 29 cơ sở nhà đất (trong đó 10 cơ sở nhà đất là trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sau khi sáp nhập đang tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo 167 của tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp; 19 cơ sở nhà đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Hiện các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bán tài sản theo quy định.

Bài 3: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống” - Ảnh 9.

Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Trường Sơn đã được Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình trình UBND tỉnh Hòa Bình để bán đấu giá.

Đối với phương án điều chuyển 8 cơ sở nhà đất (trong đó 1 cơ sở nhà đất đang tổng hợp trình cơ quan quản lý cấp trên báo cáo Ban chỉ đạo 167 của tỉnh lập phương án trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án điều chuyển cho cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng; 7 cơ sở nhà đất còn lại đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án xử lý), hiện đang làm các trình tự thủ tục điều chuyển tài sản theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-C ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

Việc xây dựng trụ sở công mới trong thời điểm đang triển khai đề án sáp nhập, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho rằng qua rà soát báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hàng năm của các huyện, thành phố, Sở Tài chính không nhận được báo cáo biến động tăng tài sản do đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị trong danh sách sáp nhập tại thời điểm triển khai đề án sáp nhập (trừ những công trình đã triển khai thực hiện trước khi có đề án sáp nhập).

Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho biết, do đặc thù là tỉnh miền núi, một số xã vùng đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện nên sau khi sáp nhập vẫn phải bố trí các phòng, ban chuyên môn làm việc tại các trụ sở cũ. Một số xã, phường, thị trấ sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất tại trụ sở chính không đảm bảo, nếu tập trung tất cả các bộ phận về làm việc tại một trụ sở thì không đáp ứng được nhu cầu làm việc.

Bài 3: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống” - Ảnh 10.

Trụ sở HDDND - UBND huyện Kỳ Sơn cũ cũng nằm trong danh sách được bán đấu giá trong thời gian tới.

Trong thời gian chờ đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng diện tích tại trụ sở làm việc chính và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, trước mắt vẫn sử dụng các trụ sở cũ.

"Đối với các trụ sở sau khi sắp xếp dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tỉnh có trách nhiệm tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phương án xử lý cụ thể đối với từng công trình, trụ sở.

Điều chuyển cho cơ quan, đơn vị có nhu cầu; bán tài sản trên đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp cải tạo trụ sở làm việc và tăng thu ngân sách nhà nước.

Mục tiêu cần đạt được là tài sản sau khi sáp nhập được trông coi, bảo vệ, quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, xử lý đúng quy định, tránh tình trạng tài sản không sử dụng để hư hỏng, xuống cấp làm thất thoát lãng phí tài sản nhà nước, góp phần phát triển văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ... của các huyện, thành phố" - Đại diện Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho biết thêm.

Bài 3: Những trụ sở còn thơm mùi sơn, vẫn phải “vườn không nhà trống” - Ảnh 11.

Một cơ quan làm việc trong khuôn viên của HĐND - UBND huyện Kỳ Sơn cũ đang bị cỏ dại bao vây, cảnh hoang tàn, lãng phí.

Giảm 1 huyện và 59 xã ở tỉnh Hòa Bình sau sáp nhập

Theo Kế hoạch số 100/KH-UBND, ngày 24/5/2019 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc Triển khai, thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đối tượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp là những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, toàn bộ diện tích hơn 204km2 của huyện Kỳ Sơn nhập vào thành phố Hòa Bình từ ngày 01/01/2020.

Báo cáo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình cho biết: "Sau khi tiến hành sắp xếp tỉnh Hòa Bình giảm 1 ĐVHC cấp huyện (huyện Kỳ Sơn) và 59 ĐVHC cấp xã.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem