Người "công bộc" gom rác, tạo diện mạo mới cho thôn An Vọng
Những "cây cầu" nối ý Đảng với lòng dân - Kỳ 3: Người "công bộc" gom rác, tạo diện mạo mới cho Hà Nội
Thành An - Trần Quang
Thứ hai, ngày 10/08/2020 08:59 AM (GMT+7)
Về xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), hỏi thăm nhà ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ thôn An Vọng (nay là thôn An Hiền), ai cũng nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi đến tận nhà. Mỗi khi nhắc về ông Huy, người dân ở đây luôn dành sự kính trọng và biết ơn đối với người "công bộc" luôn hết lòng vì đân.
CLIP: Chân dung người "công bộc" của dân, Bí thư chi bộ thôn An Hiền Trần Quang Huy
Người cán bộ khác người
Mới bước vào gian phòng khách của gia đình ông Huy, chúng tôi đã bị choáng ngợp trước những tấm giấy khen, bằng khen được treo kín 4 phía tường của gian nhà. Thấy khách ngạc nhiên, ông Huy bảo: "Giấy khen, bằng khen cũng quý thật nhưng đối với tôi, thành quả lớn nhất mà bản thân thu được chính là sự tin tưởng, yêu mến và đồng lòng của bà con nhân dân trong thôn. Với tôi, điều đó còn quý hơn cả nghìn vàng".
Trở về sau chiến tranh, người cựu chiến binh Trần Quang Huy được điều chuyển đến công tác tại một số cơ quan trên địa bàn. Dù ở vị trí công tác nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 2010, được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ông Trần Quang Huy được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Vọng. Ở An Vọng ngày đó bộn bệ công việc, nhất là vấn đề rác thải tràn ngập khắp ngõ, xóm, đường làng nhếch nhác, mấp mô ổ gà.
Nắm bắt được khó khăn trước mắt, ông Huy rất trăn trở và suy nghĩ ngày, đêm tìm hướng "giải vây" cho bộ mặt nông thôn quê hương. Sau nhiều ngày tìm hiểu và đi thăm quan thực tế tại các vùng nông thôn ở các tỉnh, thành trở về, ông Huy quyết định triệu tập cuộc họp thôn để xin ý kiến dân cho thành lập tổ thu gom rác thải An Vọng.
"Ban đầu nhiều người dân cũng phản đối, có người bảo tôi bày trò vớ vẩn, viển vông, lấy tiền đâu ra mà trả công cho người gom rác. Thấy khó, tôi lấy biểu quyết xung phong từ các đảng viên để làm gương trước, một mặt tôi và các cán bộ thôn tiếp tục thuyết phục người dân mãi rồi cũng thành công. An Vọng trở thành đơn vị cấp thôn đầu tiên có tổ thu gom rác thải sinh hoạt ở huyện Chương Mỹ", ông Huy nhớ lại.
Bước sang năm 2011, huyện nhà triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và thôn An Vọng chính thức được chọn làm điểm. "Được chọn làm điểm xây dựng NTM, bà con và cán bộ thôn vừa tự hào, vừa lo vì khi ấy, An Vọng xuất phát điểm thấp, khó khăn chồng chất", ông Huy nhớ lại.
Cùng với sự hỗ trợ, giúp sức từ cấp trên, ông Huy tiếp tục kiên trì cải thiện môi trường nông thôn. Ông quan niệm, vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất ở nông thôn là môi trường. Nông thôn mới phải có môi trường xanh - sạch - đẹp, nông thôn phải trở thành nơi đáng sống của người dân thì việc xây dựng NTM mới có ý nghĩa.
Thời gian đầu, tổ chức họp thôn, vận động dân dẹp bỏ các luống rau xanh, bụi chuối ven đường để trồng hoa, ông Huy và cán bộ thôn An Vọng lại vấp phải nhiều phản đối quyết liệt, có một số người còn "ra mặt" dùng những lời lẽ gay gắt mắng cán bộ vì cho rằng, lãnh đạo thôn phá hại sản xuất.
Học và thấm nhuần phong cách dân vận của Bác Hồ: "Người làm dân vận phải “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đứng trước thách thức lớn, ông Huy không hề cảm thấy dao động, nản chí mà ông vẫn tiếp tục kiên trì vận động theo phương châm "mưa dầm thấm lâu".
Vừa vận động cán bộ, đảng viên xung phong làm gương trước, ông Huy cùng các cán bộ thôn không quản mưa, nắng, ngày, đêm đến từng nhà thuyết phục nhiều tháng cuối cùng bà con cũng mủi lòng đồng thuận và làm theo.
Sau có đường hoa, ông Huy lại tiếp tục vận động xã hội hóa xây dựng, vẽ các tranh bích họa trên các tường rào bên đường ngõ, xóm và gắn số cho từng nhà, gắn tên cho từng ngõ.
"Để có được thành quả như ngày hôm nay, mồ hôi, nước mắt đã đổ rất nhiều. Dẫu vậy, hạnh phúc nhất của người cán bộ, đảng viên không gì hơn là giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Nhìn lại năm tháng qua, cùng mở đường, trồng hoa, xây dựng nghĩa trang… Việc nào tôi cũng tự nhủ: Là người lãnh đạo, gian khổ đến mấy cũng xung phong đi trước, làm trước", ông Trần Quang Huy.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi về An Hiền là cảnh quan môi trường ở đây đang ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Những ngôi nhà cao tầng hiện đại, dọc các tuyến đường trục thôn, xã, đường làng, ngõ xóm là những thảm hoa, cây cảnh chạy dài. Kết cấu hạ tầng nông thôn ở địa phương này được đầu tư xây dựng đồng bộ với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang.
Dấu ấn đặc biệt của ông Trần Quang Huy còn thể hiện ở một việc làm "kinh thiên động địa" đó quy tập mộ. Để thực hiện ý tưởng đã ấp ủ nhiều năm của mình, cuối năm 2012, ông Huy đã suy nghĩ và viết thư ngỏ gửi đến từng gia đình, từng người con, cháu xa quê để lấy ý kiến.
Như hiểu được tấm lòng thơm thảo của ông, 100% gia đình trong thôn nhận được thư đều nhất trí. Ngay sau đó, ông Huy đã triệu tập cuộc họp thôn để thành tập ban chỉ đạo quy tập. Ngày 26/11/2013 thôn làm lễ động thổ và tiến hành quy tập mộ.
Với tinh thần đồng lòng, đoàn kết của cán bộ và nhân dân trong thôn, chỉ sau 45 ngày, thôn đã quy tập thành công 306 ngôi mộ nằm rải rác ở các khu vực đưa về nghĩa trang của thôn. Toàn bộ vật tư gồm 99.900 viên gạch, 25 tấn xi măng, 102 khối cát, 68 khối đá các loại và hơn 800 ngày công lao động huy động để xây dựng nghĩa trang được nhân dân xã hội hóa quyên góp tổng trị giá gần 800 triệu đồng. Đây là một trong những nghĩa trang kiểu mẫu, đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện.
Cảm động trước những việc làm của ông Trần Quang Huy, bà Nguyễn Thị Thùy, người dân An Hiền cho biết, ông Huy là đảng viên rất có tài. Trong công việc dù khó đến đâu ông cũng luôn biết cách thuyết phục mọi người ủng hộ, đoàn kết, đồng lòng thực hiện.
"Nhờ có ông Huy mà đến nay chúng tôi đã có cuộc sống khấm khá hơn. Chúng tôi luôn biết ơn ông Huy và các cán bộ thôn", bà Thùy bộc bạch.
Lấy xã hội hóa làm cốt lõi
Chia sẻ kinh nghiệm dẫn dắt các phòng trào và huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới, ông Huy cho hay: Chỉ cần cán bộ có ý tưởng tốt và đưa ra để mọi người được bàn luận dân chủ ở nhiều cấp, khi người dân đồng thuận thì mới triển khai thực hiện. Khi thực hiện mọi việc, các cán bộ, đảng viên phải miệng nói, tay làm và phải chủ động đi đầu làm gương để người dân noi theo. Ở An Hiền, 40 cán bộ, đảng viên luôn là "lá cờ" đầu trong mọi phong trào.
"Trước mỗi công việc lớn, nhỏ, người đứng đầu chi bộ phải hướng đến lợi ích chung, việc gì có lợi cho dân thì làm cho bằng được. "Nhất là vấn đề liên quan đến kinh phí, tiền bạc rất nhạy cảm. Kinh nghiệm của chúng tôi là lấy xã hội hóa làm nền tảng để thực hiện. Trong quá trình làm công việc thôi luôn minh bạch, công khai mọi thứ", ông Huy khẳng định.
Dẫn chứng thêm, ông Huy kể về "chiến tích" kêu gọi bà con trong thôn hiến hàng nghìn m2 đất vàng trị giá cả chục tỷ đồng để làm xây vận động phục vụ hoạt động rèn luyện thể dục, thể theo của các tầng lớp nhân dân trong thôn.
Để mọi người tin tưởng, ông Huy đã chủ động bỏ tiền nhà ra đóng góp trước, sau đó vận động các cán bộ, đảng viên đi sau. Chỉ vài tháng sau, các hộ đã đồng ý và mọi người còn góp thêm hơn 100 triệu đồng để thôn lấy quỹ mua sắm trang phục, dụng cụ tập luyện thể thao.
Mới đây nhất là thực hiện việc sáp nhập thôn An Vọng với An Hiền thành thôn An Hiền. Ông Huy lại một lần nữa thể hiện tài dân vận khéo và ghi điểm trong công tác tuyên truyền, vận động bà con hai thôn đồng thuận thục hiện chủ trương của Nhà nước. Nhờ thế mà chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2019 đến tháng 3/2020, mọi công việc sáp nhập thôn đã hoàn thành.
10 năm ông Huy làm Bí thư Chi bộ thôn An Vọng (nay là An Hiền) cũng là ngần đó năm thôn được công nhận là thôn văn hóa, sạch đẹp và đoàn kết... Các hộ dân ở An Hiền đều có mức sống khá và giàu. Đời sống văn hóa được nâng cao, an ninh chính trị, an toàn, trật tự xã hội được ổn định. Chi bộ thôn năm nào cũng được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh, xuất sắc.
Trao đổi với PV Dân Việt về thành tích của Bí thư chi bộ thôn An Hiền, bà Nguyễn Thị Chính - Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Diệu cho biết, ông Huy là con người đặc biệt hay chọn làm việc khó và các việc ông thực hiện đều thành công mang lại lợi ích cho người dân và địa phương.
"Nhờ có sự lãnh đạo, dẫn dắt của ông Huy, thôn An Hiền luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và thôn cũng đã sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới góp phần giúp xã Hoàng Diệu về đích nông thôn mới sớm hơn dự định", bà Chính tự hào chia sẻ.
Tâm sự với chúng tôi, ông Trần Quang Huy trải lòng: Tôi phải cảm ơn bà con nhiều lắm, không có dân giúp đỡ, ủng hộ thì tôi không hoàn thành được nhiệm vụ! Muốn được dân ủng hộ, phải xây dựng đội ngũ cán bộ "công bộc" ở địa phương. Cán bộ phải làm gương trước dân, gần gũi, hết lòng vì dân. Chỉ cần người nào đó quan liêu, hách dịch, xa dân thì người dân không những oán ghét mà còn truyền tai nhau, làm cán bộ mất uy tín, bị dân coi thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.