Bài 6: Chăm lo bữa ăn học đường phải như chăm lo cho giáo dục đào tạo

Phương Vy - Tào Nga Thứ sáu, ngày 10/01/2025 15:20 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt về tình trạng ngày một gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học.
Bình luận 0

Thưa bà, thời gian qua tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các trường học, bếp ăn tập thể có xu hướng gia tăng. Theo Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thì bếp ăn tập thể và đơn vị cung cấp thức ăn nhỏ trong trường học hiện không thuộc đối tượng phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Bà có đánh giá gì về thực trạng này?

- Nhu cầu ăn bán trú là tất yếu trong thời đại hiện nay nên nhà trường tổ chức bữa ăn cho học sinh ngày càng nhiều. Do không thu xếp được công việc đưa đón và nhằm thuận lợi cho việc học, ngủ, nghỉ của con nên nhu cầu phụ huynh gửi con học bán trú và ăn bán trú tại trường ngày càng tăng.

Trẻ ăn bán trú ở trường phổ biến trong độ tuổi từ Mầm non đến THCS nên các bếp ăn trong nhà trường cũng được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau, có trường ký kết với các đơn vị cung cấp suất ăn, cứ đến giờ là các đơn vị này sẽ mang suất ăn đến trường. Hoặc có đơn vị tổ chức nấu ăn ngay tại bếp ăn của trường. Có trường có bếp ăn riêng rồi thuê người về nấu.

Bài 6: Chăm lo bữa ăn học đường phải như chăm lo cho giáo dục đào tạo- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Media Quốc hội

Bữa ăn học đường đặt ra một số vấn đề là phải đảm bảo đủ dinh dưỡng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh những trường làm tốt việc này còn có những trường thực hiện chưa tốt. Bằng chứng là thời gian gần đây có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, thậm chí xảy ra vụ việc đáng tiếc dẫn đến học sinh tử vong. Còn tình trạng học sinh bị ngộ độc đi cấp cứu thì xảy ra nhiều.

Thực trạng khác nữa là bữa ăn học đường không cung cấp đủ, không đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Có lúc bằng cách tình cờ nào đó phụ huynh biết được bữa ăn của con mình ở trường vô cùng đạm bạc, có cơm, chút rau và món mặn không đảm bảo sức khỏe.

Tôi cho rằng, việc tổ chức bữa ăn học đường cũng chưa có quy định chặt chẽ mà do các trường tự phát. Mỗi cơ sở có cách hoạt động khác nhau như đã nói ở trên.

Hiện nay, chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm nhưng theo bà phải chăng các quy định của pháp luật vẫn chưa đủ sức răn đe?

- Tôi thấy chưa có văn bản nào quy định cụ thể về bữa ăn học đường. Do vậy, chúng ta phải rà soát để có quy định, ràng buộc, trách nhiệm các bên làm sao bữa ăn trong trường học phù hợp với phụ huynh và đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng, đảm bảo cho học sinh. Có như vậy mới nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Các đơn vị tham gia tổ chức suất ăn học đường phải nâng cao trách nhiệm để không để lại hậu quả cho học sinh.

Chúng ta cũng cần đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra liên quan đến bữa ăn học đường. Việc thanh kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, nhiều khi phải có phản ánh của phụ huynh, báo chí lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Chỉ khi các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ và đột xuất thì trách nhiệm các bên liên quan mới được nâng cao. Cần đặt việc chăm lo cho bữa ăn học đường như việc chăm lo cho giáo dục đào tạo. Nếu các em học sinh không được đảm bảo về sức khỏe thì các em cũng khó có thể tập trung học tập tốt được.

Bài 6: Chăm lo bữa ăn học đường phải như chăm lo cho giáo dục đào tạo- Ảnh 2.

Học sinh một trường mầm non tại Hà Nội trong giờ ăn bán trú. Ảnh minh họa: NT

Bà có đề xuất, kiến nghị gì để vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường được đảm bảo?

- Bữa ăn học đường phải đảm bảo các yêu cầu sau: Thứ nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Yêu cầu này phải đặt lên hàng đầu vì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của học sinh.

Thứ hai phải phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh, hay nói cách khác, hợp với túi tiền của cha mẹ học sinh. Nếu chúng ta cung cấp bữa ăn học đường cho học sinh nhưng không phù hợp với điều kiện kinh tế thì họ không theo được.

Thứ ba là bữa ăn phải đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh.

Có thể nói, tổ chức bữa ăn cho học sinh là việc làm không đơn giản, không dễ dàng và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà trường không sản xuất ra thực phẩm nên phải tìm đơn vị cung cấp thực phẩm, tuy nhiên nhà trường phải ký cam kết rõ ràng vì trường học có hàng nghìn học sinh ăn tập trung. Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm thì hậu quả khủng khiếp, khôn lường cho các em học sinh. Do vậy bữa ăn học đường cần phải được quản lý tốt.

Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, thực trạng thừa dinh dưỡng hay thiếu dinh dưỡng của học sinh ở các trường học cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Một trong những nguyên nhân là do đầu bếp ở các trường học không có kiến thức về dinh dưỡng trong khi bữa ăn của học sinh đang phó mặc cho các đầu bếp này. Theo bà, cần có giải pháp gì để đảm bảo bữa ăn của trẻ an toàn và đủ dinh dưỡng khi tới trường?

- Hầu hết các vụ liên quan đến dinh dưỡng học đường không phải là do đầu bếp không có kiến thức, không có kinh nghiệm mà là do nhà trường tổ chức như thế nào. Nhà trường không được phép hợp đồng với đầu bếp không có kinh nghiệm. Và một câu hỏi nữa đặt ra là phải chăng do nhà trường bớt xén suất ăn của học sinh để các em phải ăn những suất ăn nghèo nàn dinh dưỡng như một số nơi?

Nhiều phụ huynh mất niềm tin với bữa ăn học đường nên tặc lưỡi cho con ăn ở trường thế nào cũng được rồi tối về nhà ăn bù. Bà suy nghĩ gì về điều này?

- Quan điểm sai lầm của phụ huynh khi cho rằng “Con ăn ở nhà mới là chính, còn ở trường ăn bao nhiêu thì ăn”. Chúng ta phải thống nhất quan điểm, với trẻ nhỏ không có ăn tạm, ăn bù. Bữa ăn nào của các em cũng cần được kiểm nghiệm cẩn thận từ các khâu.

Vậy phụ huynh có nên cùng nhà trường tham gia kiểm tra thực phẩm và suất ăn của học sinh như một số trường đang làm không thưa bà?

- Tôi không tán thành việc phụ huynh đến trường kiểm tra thực phẩm. Phụ huynh không phải là chuyên gia. Bằng mắt thường nhìn thực phẩm không thể kiểm tra chính xác. Các bà nội trợ có thể phân biệt được thực phẩm tươi sống nhưng việc có chứa chất gây hại hay không thì không biết được.

Phụ huynh cũng không có trách nhiệm mà đây là trách nhiệm chính của cơ quan chức năng. Phụ huynh chỉ kiểm soát có đủ thực phẩm, dinh dưỡng, số lượng đủ no hay không vì việc này có thể nhìn bằng mắt là biết được.

Phụ huynh cũng không có thời gian để kiểm tra nhà trường. Nhà trường phải nâng cao trách nhiệm của mình. Thanh tra, kiểm tra thuộc các cơ quan chức năng. Phụ huynh đóng tiền thì nhà trường phải có trách nhiệm. Chúng ta đừng nên lôi phụ huynh vào việc này.

Vừa qua, Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH đã có kiến nghị cần xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Luật Dinh dưỡng học đường là điều cần thiết. Tuy nhiên, trước khi chúng ta nghiên cứu thành Luật, cần cả một quá trình liên quan đến nhiều khâu từ khảo sát đến giám sát, thống kê.

Hiện tại, chúng ta phải có quy định chặt chẽ về dinh dưỡng học đường. Quy định có thể là Nghị định, Thông tư để các cơ sở giáo dục thực hiện tốt về bữa ăn học đường.

Trân trọng cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem