Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Lì xì của ba

Nguyễn Xuân Phương Thứ bảy, ngày 05/02/2022 13:30 PM (GMT+7)
Tết năm nào cũng vậy, cứ mùng 1 là tôi lại được ba lì xì. Chẳng phải là những tờ tiền trong bao lì xì đỏ chót. Mà ba lì xì tôi những cuốn sách vẫn còn thơm phức mùi mực in.
Bình luận 0

Ký ức của những cái Tết khoảng 30 năm trước đến giờ vẫn còn in đậm vẹn nguyên trong tâm trí. Đó là những tháng ngày cơ hàn, bi đát. Tết đến, chỉ là những cái Tết đói khổ, nghèo nàn. Túng khó đến nỗi, ngày 30 Tết, ba má còn phải lủi thủi lội bộ ngược xuôi khắp làng trên xóm dưới để mượn gạo, mượn trấu, mượn dầu... Bữa cơm tất niên có được cũng nhờ những bao trấu, những lon gạo, những miếng thịt... đậm sâu nghĩa xóm tình làng.

Thấu hiểu được những nhọc nhằn thiếu thốn ấy, nên vào thuở đó, trong những ngày cạn Chạp, khi mà bạn bè tôi mơ mộng, mong mỏi và mường tượng Tết đến sẽ được lì xì những tờ tiền 200 đồng in hình cánh đồng 5 tấn ở Thái Bình, những tờ tiền 500 đồng với hình ảnh cảng Hải Phòng..., thì tôi chỉ ước ao sao cho ngày Tết, nhà mình có đủ trấu để nấu bếp. Có đủ dầu để thắp đèn. Có đủ gạo để nấu cơm cúng ông bà đã phiêu diêu nơi miền cực lạc. 

Dẫu khổ nghèo là vậy, nhưng Tết đến, sau thời khắc giao thừa, ba cũng có phần lì xì cho tôi. Chẳng phải là những tờ tiền trong bao lì xì đỏ chót. Mà ba lì xì tôi những cuốn sách vẫn còn sực nức mùi mực in.

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Lì xì của ba (1h30) - Ảnh 1.

Những dòng chữ ba đề tặng trên sách mà ba lì xì cho tôi vào năm 2000. Cách đây tròn 22 năm. Ảnh: Nguyễn Xuân Phương

Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi "đủ lớn" để biết cảm nhận: "tôi được lì xì" là cái Tết năm tôi lên 6 tuổi. Tôi còn nhớ mãi ba lì xì cho tôi một bộ sách giáo khoa lớp 1 mới cóng. Khỏi phải nói tôi đã mừng rỡ, sung sướng đến mức nào. Bởi trước đó, hồi tôi vào lớp mẫu giáo lớn, tôi từng nghe ba má nói chuyện với nhau, dò hỏi con ai trong xóm đang học lớp 1, để đến lúc vừa nghỉ hè, sẽ đến nhà họ "xí phần", ngỏ lời mượn sách cho tôi học lại. Thời khốn khó ấy, chuyện mượn lại sách để học hầu như phổ biến ở quê. Vì quá nghèo, chẳng phải gia đình nào cũng đủ tiền mua sách cho con. Thế nên khi được lì xì bộ sách giáo khoa, hình dung đến cảnh vài tháng nữa, khi bắt đầu vào năm học mới, được học bằng sách của mình chứ chẳng phải bằng sách mượn, lòng tôi chộn rộn, sướng vui và hạnh phúc ngập tràn. Cả cái Tết năm đó, Tết với tôi là những trang sách. Tôi lật mở từng trang để tập đánh vần, tập viết, tập làm toán... 

Và năm nào cũng vậy. Dù cuộc sống có chao đảo, tả tơi. Dù cái khổ cái nghèo vẫn bủa vây gia đình quanh năm suốt tháng đi chăng nữa. Nhưng cứ mùng 1 Tết thì tôi vẫn đều được ba lì xì sách. Có năm là một bộ truyện cổ tích Việt Nam dành cho thiếu nhi, với đủ đầy các truyện: Thánh Gióng, Tấm Cám, Sọ Dừa, Cây tre trăm đốt. Có năm là bộ sách nâng cao lớp 4. Có năm là cuốn sách tuyển chọn những bài tập làm văn mẫu... 

Theo thời gian, tôi lớn dần lên, nhưng ba vẫn mãi giữ vẹn nguyên thói quen cũ. Khi tôi vào cấp 3, ba lì xì những cuốn sách có nội dung về hướng nghiệp, chọn nghề. Ngày tôi bước vào ghế giảng đường đại học, ba tìm mua những cuốn sách về kỹ năng sống, những nguyên tắc để thành công, cách học khôn ngoan mà không gian nan... để lì xì tôi trong ngày đầu năm mới. 

Và rồi, theo từng năm tháng, "gia tài" của tôi với những cuốn sách mà ba lì xì nhiều hơn, được chất chồng cao hơn. Cuốn sách nào cũng thế, lật trang đầu tiên cũng đều có dòng chữ mà ba ghi nắn nót: "Ba lì xì cho con! Mong con ngoan ngoãn, học giỏi". 

Mãi sau này, tôi mới nghe má kể lại. Cứ vào những ngày nửa cuối tháng Chạp, ba lại tranh thủ nhận lời cày bừa thuê, thồ phân thuê, gánh rạ thuê... nhiều hơn. Tất cả chỉ để ba có thêm một khoản tiền mua sách lì xì cho tôi. Mỗi cuốn sách ba lì xì, có lẽ được đánh đổi hàng triệu giọt mồ hôi của ba đã rơi xuống. Ba tiện tặn, chẳng dám mua cho bản thân ba đôi dép mới hay sấp vải mới may đồ đi chúc Tết. Có được đồng nào, ba chỉ cất giữ, để dành, nhằm mua được thêm cuốn sách nhằm lì xì cho tôi. Hôm đấy, tôi ngồi nghe má kể, mà khóe mắt bất giác đẫm ướt và cay xè từ lúc nào chẳng biết. Tôi khóc, bởi vì thương ba vô cùng...

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Lì xì của ba (1h30) - Ảnh 2.

Ba tôi có thói quen lì xì sách cho con cháu vào ngày Tết.

Chưa một lần nào ba kể tôi nghe lý do vì sao ba không lì xì tiền như người ta mà lại lì xì sách. Nhưng khi lớn dần lên, tôi chiêm nghiệm, chợt hiểu, rồi thầm cảm ơn ba vì những cuốn sách mà ba đã lì xì. 

Bởi tôi nhận ra, đó là những thứ tài lộc đầu năm thật sự vô giá, hơn cả những tờ tiền dù có mệnh giá cao. Có lẽ qua những cuốn sách, ba muốn nhắn nhủ tôi thông điệp, rằng tri thức mới chính là điều quan trọng hơn cả bạc tiền. 

Nhờ sách ba lì xì, tôi được khơi gợi thói quen đọc sách, gieo mầm cho tôi tình yêu với sách, và giúp tôi có cơ hội được thu nhặt vô vàn kiến thức bổ ích làm hành trang đưa tôi vào đời. 

Giờ đây, cuộc sống càng lúc càng đổi thay. Tết ngày nay so với Tết ngày xưa cũng đã dần khác đi nhiều. Vậy nhưng mỹ tục lì xì sách vào ngày Tết của ba vẫn còn lưu giữ. Thế nên sau những tháng ngày bôn ba xa xứ tha hương mưu sinh kiếm sống, cứ vào những ngày cạn Chạp, khi đất trời đã ngập tràn giai điệu và hương xuân miên man, khi Tết đã bắt đầu chộn rộn, râm ran, thì lòng tôi lại rạo rực, nôn nao muốn nhanh bước về nhà đón Tết. Và hơn hết, để đợi chờ khoảnh khắc được ba lì xì sách.

Như Tết năm nay, tôi ở tuổi 35, vẫn còn ba lì xì những cuốn sách: Sống đời bình an, Sống an nhiên đời bình yên... kèm những dòng chữ mà lòng ba mong mỏi: "Chúc con may mắn, hạnh phúc, bình an".

Một ngày nào đó, khi tôi có con, chắc chắn vào ngày Tết, tôi cũng sẽ lì xì cho con những cuốn sách. Giống như ba đã từng lì xì cho tôi. Vì tôi muốn nâng niu và lưu truyền nét đẹp văn hóa vào ngày Tết cổ truyền mà ba đã và đang đắp bồi, gìn giữ! 

Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.

Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt, trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem