Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Nhớ sao tiếng trống hội làng ngày chưa đại dịch

Trần Thanh Tùng Thứ sáu, ngày 04/02/2022 13:00 PM (GMT+7)
Hằng năm, cứ vào độ Tết đến xuân về, nghe theo tiếng trống thúc hội, người dân làng Đại Vũ quê tôi lại nô nức kéo nhau ra chùa làng để du xuân trẩy hội.
Bình luận 0

Trong ký ức của tôi, tiếng trống hội ngày mùng 3 tháng Giêng Âm lịch năm nào là tiếng gọi thiêng liêng có sức hiệu triệu với mọi người con của làng.

Giữa những ngày chuyển giao của đất trời, lòng tôi lại nôn nao nhớ về tiếng trống hội làng những ngày chưa có dịch. Với những người con xa quê cả năm trời như tôi, cảm giác "thòm thèm" tiếng trống thúc hội ấy như trực trào dâng trong ngày xuân mới. Những năm gần đây, tiếng trống ấy chẳng thể cất lên do ảnh hưởng từ dịch bệnh, mùa xuân vì thế cũng có nét đượm buồn. 

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Nhớ sao tiếng trống hội làng ngày chưa đại dịch - Ảnh 1.

Keo vật hầu thánh mở màn khai hội. (Ảnh: Thanh Tùng)

Tôi nhớ như in những ngày đầu xuân còn hội, tiếng trống thúc của hội làng vang lên dồn dập như lời mời gọi mọi người cùng nhau tụ họp chốn thiêng trẩy hội. Cùng với tiếng trống ấy, người dân quê tôi lại nô nức kéo nhau tới đình làng để xem hội vật.

Qua thông cáo của một vị trưởng lão trong làng, tôi được biết khi xưa làng tôi có tên làng Đại Vũ. Hội vật làng Vũ được tổ chức hằng năm trên sới vật trước phủ Vũ – nơi thờ công chúa Thiềm Hoa thời Lý – người có công khai canh lập ấp nơi đây. Năm xưa, ngoài phần nghi lễ kính cẩn, tôn nghiêm, người dân quê tôi còn diễn lại những trò chơi độc đáo, những sinh hoạt văn hóa dân gian không nơi nào có được, đó là tục chen cầu, vật lễ và tục tranh dom cướp vàng…

Trải qua những trầm tích của thời gian, làng tôi chỉ còn giữ được nghi thức vật lễ và hội vật được cha ông truyền lại. Với tên gọi "Mùa xuân thượng võ", dân làng Đại Vũ chúng tôi luôn tự hào về một nét đẹp truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ và nét đẹp của quê hương. Trong những năm mở hội, hội vật phủ Vũ đều thu hút rất nhiều đô vật trong vùng tham gia. 

Mở đầu phần hội là các nghi lễ với keo vật hầu thánh. Keo vật hầu thánh là keo vật do hai lão đô có sức khỏe, có uy tín trong làng thực hiện. Các lão đô thực hiện keo vật hầu thành chính là trụ cột, người truyền dạy vật cho con cháu tại làng, qua đó góp phần duy trì truyền thống. 

Thời trai trẻ, các cụ từng là các đô vật anh tài, tạo nên tiếng vang cho lò võ vật làng Vũ trước các sới vật trong vùng. Với hình dáng quắc thước cùng sự từng trải, việc được xem các cụ thi đấu là điều người dân làng tôi mong chờ nhất. Những miếng vờn, thế đánh ra nhanh, dứt khoát nhưng không mang nặng tính chất thắng thua của các cụ chẳng khác nào những nghệ sĩ biểu diễn trên một sân khấu lớn. Thông qua những miếng đánh truyền thống đặc trưng của từng lò võ được các cụ phô diễn, người xem chỉ còn biết trầm trồ, thán phục. 

Theo thông lệ, đây là keo vật biểu diễn mang tính nhân văn, do đó keo vật này sẽ không phân định thắng thua mà chỉ có kết quả hòa. Đó được coi như sự mở đầu cũng như lời báo cáo với thành hoàng làng, đồng thời báo hiệu cho sự thành công của lễ hội.

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Nhớ sao tiếng trống hội làng ngày chưa đại dịch - Ảnh 2.

Nhớ ngày đông vui hội làng trong ký ức. (Ảnh: Thanh Tùng)

Trải qua nhiều năm tổ chức, hội vật làng tôi đều được các lò vật trong vùng đánh giá rất cao về nghi lễ cũng như truyền thống. Điều đặc biệt trong hội vật làng Đại Vũ mà hiếm có nơi nào duy trì được đó là trước khi tham gia thi đấu, các đô vật đều phải thực hiện kỹ thuật xe đài. Đây cũng là nét đẹp hiếm có của vật cổ truyền dân tộc. Nghi thức múa xe đài là hoạt động lại các động tác trong lao động sản xuất thường ngày hay cũng có thể là các màn biểu diễn các nghi lễ vật hầu thánh truyền thống của hội làng.  Qua màn xe đài, người xem có thể phần nào hiểu được trình độ của các đô vật, cũng như tinh thần thượng võ và dấu ấn riêng của lò vật Đại Vũ.

Sau khi keo vật hầu thánh kết thúc là khoảng thời gian cho các đô vật của làng tranh tài. Lúc này, mỗi đô vật đăng ký tham gia sẽ được xem xét và phân chia vào các hạng cân cũng như độ tuổi tương ứng. Không chỉ người lớn mà nhiều em nhỏ có sức khỏe, có kĩ thuật cũng được ban tổ chức sắp xếp cho tham gia thi đấu. Đây vừa là sân chơi bổ ích, giúp các em rèn luyện sức khỏe, tinh thần thượng võ và tình yêu quê hương. Các em cũng chính là mầm non tương lai, là thế hệ kế cận để gìn giữ và phát huy truyền thống, bảo toàn nét nguyên vẹn cho hội làng. 

Nhiều em có tố chất đã được tuyển chọn để đào tạo, vun đắp và trở thành những vận động viên chuyên nghiệp tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế, mang huy chương về cho quê hương, đất nước. Nhìn các em thi đấu, tôi lại nhớ về tuổi thơ tham gia tham gia "lò vật" của làng. Trong ký ức của tôi khi đó, đứa trẻ 13-14 tuổi năm nào đã từng khóc hết khi chỉ giành được tấm huy chương đồng trong lần tham dự giải vật do tỉnh tổ chức năm đó.

Khác với mọi năm, tiếng trống năm nay chẳng thể nào rộn rã gọi mời. Sân chùa cũng vì đó và vắng bóng người thưa. Tôi lại thèm biết bao cảm giác hòa mình vào dòng người trong ngày trẩy hội. Dạo quanh từng ngôi nhà nhỏ trong làng, cùng với những câu chúc Tết đầu năm, mọi người lại tiếc nuối bởi thêm một năm hội làng lỡ hẹn do dịch bệnh gây ra.

Một mùa xuân mới lại về trên quê hương, sắc thắm của hoa mai, hoa đào lại rực rỡ trên dải đất hình chữ  S. Và đâu đó trong tâm thức của mỗi người con quê tôi, ước vọng về tiếng trống khai hội đầu xuân khi dịch bệnh qua đi là mơ ước chung nơi xóm nghèo nhưng đậm chất tình quê một thuở...

Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.

Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt, trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.



Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem