Đôi nam nữ mò mẫm vào vườn nhà ông Suy. Đêm băng giá tối đen như mực. Hai "kẻ trộm" lần đến luống tỏi nhổ vội vài cây rồi nắm tay nhau rúc rích cười chạy về nhà. Trong ngôi nhà trình tường hình nấm khổng lồ người mẹ sắp thêm bánh bên hòn đá thiêng trong góc bếp. Người cha chắt rượu mật ong rừng vàng óng ra chai. Một mâm cỗ đầy màu sắc được bày ra gồm bánh chưng xanh ngắt cùng các loại bánh tro đen, bánh dày trắng, xôi lá đỏ đang chờ cả nhà.
Giắt nắm cây tỏi lên vách bếp để lấy lộc đầu năm (*), chàng trai quay sang ngắm cô gái đang e thẹn chúc Tết cả nhà bằng những bao lì xì đỏ thắm: "Con chúc bố mẹ năm mới khỏe mạnh, thu hoạch được nhiều thảo quả và thóc, ngô. Chị chúc các em ngoan, học giỏi". Quay sang chàng trai: "Em chúc anh một năm tràn đầy niềm vui". Chàng trai cười lớn tiếp lời… "Và cuối năm em tặng anh một em bé Hà Nhì!". Cả nhà rộn lên những tiếng cười vui…
Đó là đêm giao thừa đầu tiên, "Cái Tết đầu tiên của mèo con" - vợ tôi. Học xong cao đẳng sư phạm, em được phân công lên tận miền biên viễn này dạy học. Tôi là cán bộ đồn Biên phòng gần đấy, nhà bố mẹ tôi cũng ngay ở xã… Rồi duyên phận đưa đẩy để giờ em là vợ tôi và đón cái Tết đầu tiên nơi chênh vênh đất trời này... Những ngày đầu làm dâu, từ một tiểu thư thành phố về làm việc và ở hẳn nơi đây, em lạ lẫm với cuộc sống khác lạ của gia đình chồng và cộng đồng Hà Nhì. Nhưng chịu khó học từng nết ăn ở và phong tục tập quán của dân tộc mình, em cũng dần hòa nhập…
Mẹ dạy em làm bánh dày, bánh gù để ngày Tết em trổ tài giúp mẹ. Và cũng thật là tự nhiên khi tôi và mẹ trở thành cuốn từ điển sống bất đắc dĩ để em khảo cứu về Tết và phong tục Tết quê chồng. Khi biết tục lệ cũ trong đêm giao thừa nhổ trộm tỏi hàng xóm để hái lộc nhưng nay tục lệ ấy đã phôi pha, em quả quyết giao thừa năm nay em và tôi sẽ khôi phục lệ đó để: "Nhà ta quanh năm làm ăn có lộc! Với lại tưởng tượng đến cảnh đi "ăn trộm" ấy nó phiêu lắm anh ạ!". Em cười duyên khiến tôi khó có thể chối từ kế hoạch Tết của em, trong đó có cả những bí mật tặng riêng tôi, em còn gói kín…
Tết năm nay chúng tôi đã có một cái Tết vui vẻ. Sáng mồng Một, hai đứa ra giếng thần của làng, xách một xô đầy về nhà cho may mắn quanh năm. Em xăm xắn làm bánh trôi gừng để bố dâng lên tổ tiên, để mẹ dâng cúng thần bếp. Em đã thành cô gái Hà Nhì thành thục với những món ăn truyền thống như khâu nhục, thịt xào nõn thảo quả cùng những món ăn Việt như nem rán, canh miến… để bố mẹ tôi tự hào đãi khách và khoe tài khéo tay hay làm của dâu mới…
Mồng Hai, chúng tôi đi chúc Tết các nhà và đến dự lễ hội Xuân ở đầu làng. Em trở thành sơn nữ Hà Nhì với bộ áo yếm truyền thống có những đường viền lam nhạt lượn cong như sóng nước, mây vờn với những bông hoa bằng bạc, những chiếc khuy vải tết hình con bướm tím nhạt nổi bật trên nền xanh đen của trang phục. Em thử nghiệm chơi đu với mấy cô bạn trong làng, tiếng em cười giòn tan như gieo nốt nhạc trong tôi... Rồi hai đứa tay trong tay đi chơi dưới mịt mù sương khói ảo diệu mà cảm thấy lòng thanh thản. Sáng mồng Bốn, chúng tôi ra thành phố chúc Tết bên vợ... Ngồi trên xe, em nép vào ngực tôi thủ thỉ "Tết quê anh vui quá!"... Tôi nắm bàn tay em và hỏi về món quà đặc biệt. Em mỉm cười lắc đầu "Chờ nhé! Chờ nhé…".
Những ngày Tết ngoài thành phố, em tha thướt áo dài đi chúc Tết họ hàng và kể cho họ nghe những cảm nhận Tết quê chồng giữa cộng đồng Hà Nhì đầy tình nghĩa. Ai cũng chúc phúc cho vợ chồng tôi. Còn em vẫn cười tươi khi tôi tò mò về món quà năm mới mà em vẫn hứa tặng…
Tối hôm đó, trong phòng riêng, em bẽn lẽn trao mừng tuổi tôi một phong lì xì đỏ thắm: "Quà năm mới của anh đấy!". Tôi hấp tấp mở. Sau lớp lụa hồng, chiếc que thử thai với 2 vạch đỏ thẫm hiện ra. Tôi ngẩn người vì quá bất ngờ rồi sung sướng tột độ bế em lên xoay một vòng. "Ôi! Món quà đặc biệt nhất của anh!". Tôi hét lên sung sướng rồi lao xuống tầng 1, reo lên ầm ĩ với bố mẹ vợ: "Chúng con có em bé rồi!". Cả hai bố mẹ đứng bật dậy sững sờ và cười tươi rói. Ông bà cười mà ánh mắt rưng rưng… Ông lấy chai vang Ý rót ra ly chúc mừng tin tốt đẹp. Ông run run nói trong sự hồ hởi: "Bố chúc mừng các con, chúc mừng cho đại gia đình ta ít lâu nữa có thành viên mới!".
Em đã bàn với tôi nhiều dự định cho năm mới và cả tương lai. Nào là đặt tên con trong khai sinh và tên gọi thân mật ở nhà; nào là cách chăm sóc con vừa khoa học vừa dân dã; nào là từ giờ đến lúc nghỉ sinh, em phải bồi dưỡng thật tốt cho đội học sinh giỏi đi thi ngoài huyện, tỉnh… Em say sưa nói về những dự định tốt đẹp, ánh mắt lấp lánh như có vì tinh tú trong đó đã hớp hồn tôi… Hôm sau thấy tôi định dán bức tranh bé trai đẹp như thiên thần lên đầu giường, em ngăn lại: "Em chỉ mong con giống anh chứ không cần đẹp như tranh vẽ thế kia…!" Chao ôi! Nghe em thật thà nói vậy mà trái tim tôi tan chảy. Hóa ra tình yêu của em dành cho tôi còn lớn hơn tôi tưởng rất nhiều...
… Tôi viết những dòng này khi con gái Bắp của tôi đã 2,5 tuổi. Từ khi sinh ra, Bắp đã thích nghi được ngay với không khí rét đậm quê nhà, cứ ăn rồi ngủ, hồng hào và bụ bẫm. Tôi tạm thời được phân công về một trạm biên phòng cách nhà hơn 50 cây số đường đèo. Không có tôi bên cạnh, chắc em sẽ buồn mặc dù được cả nhà chồng quan tâm, săn sóc. Nhưng tôi tin với tình yêu và nghị lực của mình cùng với sự yêu thương của hai bên gia đình, em sẽ luôn vui vẻ vươn lên để những dự định tươi đẹp của em cho một năm mới đầy bận rộn sẽ đạt kết quả mỹ mãn và ngập tràn hạnh phúc.
Tết Kỷ Hợi năm ấy là cái tết đẹp nhất, hạnh phúc nhất với nhiều kỳ vọng nhất cho đôi vợ chồng son chúng tôi. Bởi đó là mùa xuân đầu tiên chúng tôi có thêm một thiên thần. Người vợ bé nhỏ của tôi đã chiếm trọn tình cảm của gia đình và cộng đồng người Hà Nhì quê tôi. Tình yêu quê hương, cộng đồng và gia đình trong em cứ lớn dần theo chu kỳ năm tháng như đông qua, xuân lại tới.
Yêu lắm mùa xuân vùng cao quê hương... Yêu lắm gia đình bé nhỏ của tôi.
(*) Người Hà Nhì đen ở Ý Tý (Bát Xát): Theo phong tục cũ, đêm 30 Tết có tục nhổ trộm tỏi hàng xóm gọi là hái lộc đầu xuân.
Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt, trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.