Bài hát tạo hot trend của Đen Vâu "Đem tiền về cho mẹ" bị... phản đối?

Tào Nga Chủ nhật, ngày 02/01/2022 09:06 AM (GMT+7)
Bài hát của Đen Vâu đang tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong làng nhạc Việt. Tuy nhiên, hình ảnh đòn roi, la mắng và đặc biệt là quan điểm đem tiền về cho mẹ có nên được cổ súy?
Bình luận 0

Có nên dạy con "Đem tiền về cho mẹ"?

Mấy ngày qua, bài nhạc rap "Đem tiền về cho mẹ" của Đen Vâu cùng Nguyên Thảo đang tạo hot trend trên mạng xã hội cũng như các kênh nghe nhạc trực tuyến. Lời bài hát thể hiện đầy niềm vui cũng như sự trưởng thành của con khi cố gắng làm việc và có thể đem tiền về cho mẹ.

Tuy nhiên, "Đem tiền về cho mẹ" liệu có phải là quan điểm đúng? Thực tế, con cái luôn có trách nhiệm với cha mẹ nhưng khi nghe những câu nói mỗi khi về thăm quê như "Tết năm nay mang bao tiền về cho mẹ?"; "Chắc năm nay mừng tuổi bố mẹ to"; "Gửi tiền về cho mẹ xây nhà đi thôi"... đã vô tình tạo áp lực nặng nề.

Thậm chí nhiều người vì không đủ điều kiện, thiếu may mắn, chưa thành đạt nên dù ở xa rất nhớ nhà nhưng không dám về quê. Tiền quan trọng nhưng có cần nhấn mạnh đến mức ấy không? Thay vì mang Tiền thì mang Tình về quê có được không?... là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Bài hát tạo hot trend của Đen Vâu "Đem tiền về cho mẹ" bị... phản đối? - Ảnh 1.

Bài hát "Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu đang tạo hot trend. Ảnh chụp màn hình

Liên quan đến quan điểm trên, Nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ: "Tôi biết sẽ có nhiều vị phụ huynh và cả các bạn trẻ sẽ lên án tôi khi tôi nói rằng đừng ai sinh con chỉ để có người dựa cậy lúc tuổi già. Bởi nói vậy là đi ngược lại truyền thống lâu đời của dân tộc. Khi mà câu cửa miệng của nhiều bậc cha mẹ vẫn là "Đẻ thằng con trai để sau này còn có người chống gậy". Rằng, kể cả nhiều cha mẹ trẻ, con mới 3-5 tuổi vẫn nói: "Mai này mẹ già con có nuôi mẹ không?". Rằng "Đầu tư cho con ăn học để mai này lớn kiếm tiền nuôi lại bố mẹ"…

Có quá nhiều những kỳ vọng đặt vào con cái rằng đầu tư hôm nay để mai sau con nuôi lại mình. Bởi chẳng cha mẹ nào muốn mình sẽ trở thành những người già cơ nhỡ, không ai nuôi. Bởi mặc định rằng cha mẹ phải hy sinh mọi điều cho con cái thì sau này con cái mới chăm sóc lại cha mẹ. Không! Điều đó là không sai. Không ai sai khi chúng ta dành tất thảy những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Nó chỉ sai nếu như tất thảy những thứ chúng ta làm chỉ là để mai sau có đứa nuôi lại mình...

Mấy tháng trước, tôi có đọc một bài báo về bi kịch người trẻ lẫn người già ở Singapore. Khi mà cha mẹ bán hết tài sản để đầu tư cho con đi du học rồi khi những đứa trẻ trở về, chưa kịp kiếm được một việc làm tử tế đã phải nai lưng ra trả nợ tiền bố mẹ đi vay, vừa phải nuôi bố mẹ khi bố mẹ đã trắng tay. Vốn là nhiều cha mẹ Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Đài Loan vẫn thế. Họ sẵn sàng bán cả thận của mình để lo cho con một khoản tiền mong con đổi đời. Là thương con và kỳ vọng vào con.

Và những đứa con thì sao? Bi kịch của chữ Hiếu nhiều khi còn bi ai hơn cả chữ Tình. Tôi vẫn hay đùa bảo vợ mình rằng, sinh con ra, đầu tư học hành ăn uống suốt 18 năm đầu, mạnh dạn cho thêm 4 năm Đại học nữa mới là 22 năm. Nếu cha mẹ có con năm 24 tuổi thì đến năm 46 tuổi trở đi là bắt đầu thu lợi được rồi. Đẻ càng sớm thì thời gian thu lợi càng sớm.

Từ 46 tuổi, nếu tính 22 năm thì đến 68 tuổi là hoà vốn. Sau 68 tuổi là lãi ròng. Mà chăm 1 đứa trẻ khi bé so với chăm một ông già bà lão thất thập cổ lai hi thì rõ ràng chăm người già tốn kém hơn nhiều vì thuốc men các kiểu. Đấy là nói vui vậy thôi. Chứ nếu nghĩ báo hiếu chỉ là vậy thì thật buồn. Nuôi con mà chỉ nghĩ đến việc sau này dựa cậy chúng lúc tuổi già thì nghe thật giống… công cụ.

Đừng nghĩ sinh con để mai này cậy nhờ rồi lại thở dài nếu sinh… con gái. Vì con gái lấy chồng dù muốn báo hiếu với cha mẹ nhưng chúng vẫn còn bố mẹ chồng của chúng. Đừng khoác lên vai chúng thứ nghĩa vụ phải học hành để sau này kiếm ra nhiều tiền nuôi cha mẹ. Đừng phủ lên đời chúng cái đích đến của chúng chỉ là sau này nuôi cha mẹ. Chúng ta sinh ra những đứa con, hãy để chúng sống cuộc đời của chúng thay vì phải sống với ước mơ của chúng ta.

Với vợ chồng tôi, cuối cùng, con chăm cha không bằng bà chăm ông. Mai này, các con cứ việc sống với đời của các con, cha mẹ sẽ tự lo được cho đời mình. Nếu là hiếu nghĩa, thứ cha mẹ cần chỉ là được thấy mặt nhau hàng tuần, thấy nhau vui, khoẻ và hạnh phúc. Thứ cha mẹ để lại cho con không phải là tài sản bao nhiêu mà là sự tự hào hãnh diện của con khi nói về cha mẹ chứ không phải con cái cố kiết sống giống sự tự hào của cha mẹ đã vẽ lên về con mình".

Một hình ảnh "gợn gợn" khác trong bài hát "Đem tiền về cho mẹ" của Đen Vâu là một bà mẹ khá bạo lực. Cụ thể như "Về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn"; "Đừng mang mất dạy, về đây tao đánh"... Rất nhiều vụ bạo hành trẻ em đã xảy ra khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Hay mới đây nhất, vụ bé gái 8 tuổi bị người tình của bố đánh đến mức tử vong là hồi chuông cảnh tỉnh cho cha mẹ đang có quan điểm yêu cho roi vọt.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường: “Nội dung của tác phẩm này thể hiện tâm tư, tình cảm, quan điểm của cá nhân một bạn trẻ sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, qua quá trình học hành nay đã có những tác phẩm đầu đời, đang được nhiều người mến mộ và nhận thức được trách nhiệm của mình đối với mẹ, trong đó thể hiện nội dung là phải kiếm tiền mang về cho mẹ.

Nhiều người cho rằng quan điểm như vậy sẽ gây ra áp lực cho các bạn trẻ trong việc kiếm tiền, trách nhiệm với cha mẹ. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi là một bài hát thì rất khó có thể làm thay đổi suy nghĩ, quan điểm, hành động của một con người. Suy cho cùng bài hát cũng chỉ để giải trí, là cảm xúc của người sáng tác trong một thời điểm nào điểm chứ không phải là một công trình khoa học, một tác phẩm nghiên cứu về văn hóa, giáo dục. Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật thì thường ra đời từ cảm xúc cá nhân ở những thời điểm nhất định và mang dấu ấn cá nhân. Căn cứ vào hoàn cảnh sáng tác, trình độ sáng tác, cảm xúc của tác giả và những tư tưởng được truyền tải trong tác phẩm thì sẽ thể hiện được giá trị của tác phẩm, sức sống của tác phẩm đối thời gian”.

Tuy nhiên, với một số hình ảnh hiện lên trong bài hát như “ăn đòn”, “đánh”, Luật sư Cường cho hay: “Những hành vi sử dụng đòn roi trong giáo dục con cái hiện nay là không phù hợp với đạo đức, văn hóa của người Việt Nam, thậm chí là hành vi vi phạm pháp luật. Mọi hành vi đánh đập, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của trẻ em dù người đó là cha mẹ, thầy cô giáo thì đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem