Yên Bái: Ngoài điệu xòe Thái, khèn bè, học sinh ở đây còn được học chữ cổ có ký tự riêng, không có dấu

Tuệ Như Thứ sáu, ngày 03/12/2021 06:17 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhiều trường học trên địa bàn TX Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) còn đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Thái vào giảng dạy. Trong đó, có việc giảng dạy chữ Thái cổ vào các chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Bình luận 0

Khác với chữ Thái Việt Nam hiện đại, chữ Thái cổ của người dân tộc Thái có các ký tự riêng, không có dấu và khó học hơn. 

Do vậy, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ngoài dạy các điệu xòe Thái cổ, các làn điệu dân ca,... nhiều trường học trên địa bàn TX Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) còn giảng dạy chữ Thái cổ cho học sinh.

Yên Bái: Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học.

Trường TH-THCS Lý Tự Trọng (phường Pú Trạng, TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) có hơn 40% học sinh là người dân tộc Thái. Các học sinh này sinh sống tập trung ở các thôn, bản khu vực sản xuất nông nghiệp, xa trường như: Bản Nỏng, bản Noọng, bản Tân, bản Ten, bản Que, bản Ngoa.

Tại ngôi trường này, ngoài dạy học các chương trình chính khóa, nhà trường còn thành lập các câu lạc bộ nhạc cụ, múa Xòe, chữ Thái cổ.

Thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ, các em học sinh không chỉ được gặp gỡ, giao lưu vui chơi, giải trí mà còn được tìm hiểu về các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là văn hóa, đọc, viết chữ Thái cổ.

Yên Bái: Học sinh ở đây vừa được học kiến thức vừa được học bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc - Ảnh 2.

Góc học tập, sinh hoạt ngoại khóa các câu lạc bộ tiếng Thái, chữ Thái cổ của thầy và trò TX Nghĩa Lộ. Ảnh: XT

Em Lò Thị Bảo Chi (học sinh lớp 7B, trường TH-THCS Lý Tự Trọng) tâm sự: "Ở nhà em cũng được ông bà, bố mẹ dạy tiếng Thái, đến trường em cũng được dạy tiếng Thái. Học chữ thì rất là khó, nhưng học một thời gian em thấy dễ hiểu, em rất là thích học tiếng Thái, chữ Thái cổ".

Thầy giáo Lê Thanh Tùng, giáo viên trường TH-THCS Lý Tự Trọng cho biết, nhà trường đã đưa tiếng và chữ Thái cổ vào dạy qua hình thức câu lạc bộ cho các em có nhu cầu muốn học và yêu thích văn hóa Thái. Các em học tập cũng rất hăng say và yêu thích môn học này.

"Bên cạnh đó cũng có một số khó khăn gặp phải. Thứ nhất là học sinh trên địa bàn đa dạng về dân tộc, vì vậy khi đưa vào để truyền dạy thì các em khó để tiếp thu. Thứ hai là trong địa bàn có 2 ngành là Thái trắng và Thái đen nên khi đưa vào, giáo viên cũng phải lựa chọn hình thức để làm sao cho các em dễ hiểu nhất và đúng phương ngữ của các em", thầy Tùng cho biết thêm.

Yên Bái: Học sinh ở đây vừa được học kiến thức vừa được học bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc - Ảnh 3.

Thầy giáo Lê Thanh Tùng trong một giờ lên lớp dạy chữ Thái cổ cho các em học sinh. Ảnh: XT

Còn trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ (xã Nghĩa Lợi, TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) có 98% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 95%.

Nhà trường thường lồng ghép vào các môn học những kiến trúc về nhà sàn, trang phục, ẩm thực truyền thống dân tộc Thái, các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc...

Các thầy, cô giáo cũng tích cực tìm hiểu, sưu tầm tranh, ảnh qua sách, báo để khai thác, nắm bắt các nét văn hóa truyền thống của địa phương, từ đó có thêm kiến thức nhằm truyền dạy cho học sinh được tốt hơn.

Nhà trường thành lập riêng câu lạc bộ chữ Thái cổ, tổ chức sinh hoạt 2 lần/tháng cho học sinh tiểu học và THCS. Học sinh được cô giáo hướng dẫn đọc, viết chữ Thái cổ. Bạn nào có năng khiếu lại kèm cặp và hướng dẫn các bạn và các em khối tiểu học.

Cô giáo Lò Thị Phương Lợi, giáo viên trường TH-THCS Hoàng Văn Thụ tâm sự: "Bản thân mình cũng là một người dân tộc Thái. Trước khi dạy học cho học sinh trong trường, mình cũng phải học hỏi và trau dồi kiến thức rất nhiều, đặc biệt từ cha mẹ, ông bà và các nghệ nhân. Tiếng Thái thì mình nói được nhưng về chữ Thái cổ thì về sau khi lớn lên, học xong đại học mình mới được tiếp cận".

Yên Bái: Học sinh ở đây vừa được học kiến thức vừa được học bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc - Ảnh 4.

Câu lạc bộ chữ Thái cổ thuộc trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ sinh hoạt 2 lần/tháng. Ảnh: XT

Từ năm 2019 - 2020, Phòng GDĐT TX Nghĩa Lộ đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có việc giảng dạy chữ Thái cổ vào các chương trình hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh.

Đến nay, hoạt động này vẫn được các trường duy trì thường xuyên và mang lại hiệu quả tích cực. Từ đó, giúp học sinh nâng cao nhận thức về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Yên Bái: Học sinh ở đây vừa được học kiến thức vừa được học bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc - Ảnh 5.

Học sinh được cô giáo hướng dẫn viết chữ Thái cổ. Ảnh: XT

Bà Lò Thị Tuyết Dung, Trưởng phòng GDĐT TX Nghĩa Lộ cho biết, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương, chúng tôi đưa các hoạt động như mặc trang phục dân tộc, trang trí khuôn viên lớp học.

Bên cạnh đó, lập các câu lạc bộ sở thích, câu lạc bộ về tìm hiểu các giá trị văn hóa địa phương. Câu lạc bộ về khèn bè, chữ Thái cổ cũng đã được đưa vào nhà trường từ năm học 2019 – 2020.

Yên Bái: Học sinh ở đây vừa được học kiến thức vừa được học bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc - Ảnh 6.

Là loại chữ khó học, tuy nhiên hầu hết các em học sinh trên địa bàn TX Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đến nay đều biết đọc, viết chữ Thái cổ. Ảnh: XT

"Trong thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn tiến tới đưa việc giảng dạy, truyền dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc vào nhà trường, phù hợp với điều kiện thực tế vùng miền của từng địa phương. Đó cũng là để ngành giáo dục góp phần vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương", Trưởng phòng GD&ĐT TX Nghĩa Lộ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem