Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022

PV Chủ nhật, ngày 29/05/2022 08:58 AM (GMT+7)
Với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững", Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, cả nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có phục hồi sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Đó là phát biểu khai mạc của đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022, diễn ra sáng nay, (ngày 29/5) tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La.

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại.

Dân Việt xin đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Lương Quốc Đoàn

Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022- Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 tại Sơn La. Ảnh: Nguyễn Chương

Kính thưa: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Kính thưa các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh, thành phố tham dự tại điểm cầu Sơn La và các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.

Thưa các vị đại biểu, khách quý và toàn thể bà con nông dân!

Thay mặt Hội Nông dân Việt Nam và hội viên nông dân cả nước, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và cảm ơn tình cảm sâu sắc của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 tại tỉnh Sơn La; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh, thành phố tham dự trực tiếp tại điểm cầu chính và 62 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.

Tôi nhiệt liệt chào mừng 300 đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm và hàng nghìn cán bộ, hội viên nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học; phóng viên báo, đài Trung ương và các địa phương đã tham dự và đưa tin về Hội nghị tại các điểm cầu trên cả nước.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ!

Kính thưa toàn thể các đồng chí và bà con nông dân!

Qua 3 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng, các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự biến chuyển lớn, được đông đảo nông dân đồng tình. Đó là nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nông dân, nhất là nông dân trẻ khởi nghiệp; quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.

Kính thưa toàn thể Hội nghị!

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022 được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, cả nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Hội nghị đối thoại được tổ chức tại tỉnh Sơn La lần này càng ý nghĩa hơn khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá XIII vừa bàn và thông qua ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022- Ảnh 2.

Hơn 300 đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 tại điểm cầu trung tâm. Ảnh: Nguyễn Chương

Qua chuẩn bị Hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả nước; đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề chính, vấn đề lớn, nổi cộm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị lần này như sau:

Thứ nhất là, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nông dân cũng như doanh nghiệp đối tác nhà nông nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã, cụ thể giá phân bón có loại tăng 250%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Nông dân cần được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ hai là, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển, liên kết "4 nhà", trong đó liên kết trung tâm "Nhà nông – Doanh nghiệp" nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy. Vấn đề đặt ra, đó là cần tập trung giải quyết mối liên kết "4 nhà", trong đó trọng tâm là phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới như thế nào?

Thứ ba là, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 nội dung của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia; nhiều Nghị quyết của Đảng đều xác định vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, mục tiêu tỷ lệ kinh tế số trong GDP đến năm 2025 là 20%, năm 2030 là 30%. Như vậy, muốn có một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn hiện đại, thì cần có những người nông dân văn minh, nông dân có tri thức. Do vậy đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình và có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư là, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có cả một số doanh nghiệp nước ngoài, làm xuất hiện hình thức "gia công trong nông nghiệp", điều này đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng nông dân hưởng lợi ít và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này.

Thứ năm là, những năm qua, Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế, 70-80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó trên 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao (đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp). Trong thời gian tới, giải pháp, chính sách nào tăng tỷ lệ chế biến và xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường.

Thứ sáu là, chủ trương và khẩu hiệu "sản xuất theo tín hiệu thị trường", nhưng hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất. Do vậy, cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo cho sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa - rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương.

Thứ bảy là, Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu chủ trương định hướng nông dân tham gia cổ phần hoá bằng đất, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân lẫn doanh nghiệp. Nông dân góp đất có nguy cơ tăng rủi ro hoặc giảm cơ hội nhận được lợi ích tương xứng vì đất được doanh nghiệp định giá thấp, nông dân có cổ phần ít, lợi nhuận không đáng kể, không đảm bảo cuộc sống, cổ phần ngày càng nhỏ qua mỗi đợt huy động vốn mới. Người nông dân nhiều nơi mong muốn định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, đảm bảo sinh kế, việc làm khi đất bị thu hồi…

Thứ tám là, phong trào khởi nghiệp quốc gia hiện nay đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Khởi nghiệp đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn vì đây là một lĩnh vực nhiều rủi ro và cần đầu tư lâu dài ; thực tế hiện nay cho thấy, các ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp do nông dân khởi xướng thực hiện còn rất ít, quy mô còn nhỏ, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Thứ chín là, một trong những khó khăn và thua kém về lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam là chưa làm chủ được nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi. Trân trọng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ!

Kính thưa toàn thể các đồng chí và bà con nông dân!

Hội nghị lần này diễn ra ngay sau thành công của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, trong đó Trung ương đã tập trung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khẳng định sự quan tâm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tầm quan trọng và chiến lược đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Nông nghiệp phải được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nông dân là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nông thôn là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự thành công của Hội nghị lần này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hoá chủ trương, chiến lược đó của Đảng.

Một lần nữa, thay mặt cán bộ, hội viên nông dân cả nước xin trân trọng cảm ơn những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dành cho cán bộ, hội viên và nông dân cả nước trong suốt thời gian qua. Trong thời gian tới, kính mong Thủ tướng tiếp tục dành tình cảm, sự quan tâm đối với tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khoẻ Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Trung ương, quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước!

Xin trân trọng cảm ơn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem