Bài toán chuyển sàn HoSE của Vietnam Airlines

Nhật Minh Thứ sáu, ngày 04/01/2019 08:00 AM (GMT+7)
Việc chuyển sàn sang HoSE của Vietnam Airlines ngay trong những ngày đầu năm 2019 cho thấy áp lực vốn để đầu tư phát triển của hãng hàng không ngày càng lớn khi các đối thủ như Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ngày càng mạnh và Bamboo Airlines của ông Trịnh Văn Quyết cũng sắp khai thác chuyến bay đầu tiên.
Bình luận 0

Sở GDCK TP.HCM thông báo, vừa qua sở đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN).

Chuyển nhà tư UPCoM sang HoSe

Theo đó Vietnam Airlines đăng ký niêm yết toàn bộ 1.418.290.847 cổ phiếu tương ứng số vốn điều lệ tương ứng hơn 14.182 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn đăng ký niêm yết là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC).

Vietnam Airlines đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán HVN vào tháng 1.2017. Ngay sau khi lên sàn HVN đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp. Điểm nhấn nhất là đến cuối tháng 1.2018 đã đạt đỉnh ở mức xấp xỉ 53.100 đồng/cổ phiếu, sau đó nhanh chóng giảm mạnh và hiện đang giao dịch quanh mức 35.700 đồng/cổ phiếu.

img 

Diễn biến giao dịch của mã cổ phiếu HVN

Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm qua, HVN giảm nhẹ và đã đảo chiều tăng mạnh trong phiên đầu tiên của năm 2019. Đóng cửa phiên 2.1.2019, HVN tăng 8,2% lên 35.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch hơn 1,71 triệu đơn vị. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày hôm qua mã cổ phiếu này không còn giữ được sắc xanh khi giảm 2,5 điểm về chốt phiên tại 34.400 đồng/CP

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Vietnam Airlines chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HoSe thời điểm hiện tại là 1 bước đi phù hợp khi hãng hàng không này đang chạy nước rút để hoàn tất các thủ tục liên quan đến quá trình cổ phần hóa.

Cũng phải nói thêm rằng, thị trường chứng khoán hiện nay đang kênh huy động vốn hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp sau khi niêm yết. Trong năm 2018 vừa qua, đã có không ít trường hợp chuyển nhà từ Upcom sang HoSe mang lại kết quả tích cực.

Gelex (GEX) là doanh nghiệp đầu tiên "chuyển nhà" trong năm 2018 – từ Upcom sang niêm yết trên HoSE. Nhìn đồ thị giao dịch giá cổ phiếu GEX một năm qua có thể nhận thấy biên độ giao động giá khá lớn. Gelex tăng kịch trần 3 phiên đầu trên HoSE, sau đó là những nhịp điều chỉnh tăng/giảm, đặc biệt giai đoạn nửa đầu tháng 4.2018 GEX đạt đỉnh ở mức giá trên 32.100 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Vốn điều lệ của Gelex cũng tăng hơn gấp rưỡi so với thời điểm chuyển sàn, hiện trên 4.000 tỷ đồng.

Hay như VNPD của CTCP phát triển điện lực Việt Nam cũng "chuyển nhà" sang HoSE, vượt 12% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng. Đến nay sau 1 năm chuyển sàn, vốn điều lệ VNPD tăng nhẹ lên thành 1.065 tỷ đồng nhờ phát hành gần 4,1 triệu cổ phiếu .Cổ phiếu TVB của Chứng khoán Trí Việt tăng 68% so với đầu năm 2018

img

Diễn biến giao dịch của mã cổ phiếu VNPD của CTCP phát triển điện lực Việt Nam

Trong bối cảnh cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần đang là bài toán nhiều áp lực đối với các hàng hàng không Việt Nam khi có thêm những tân binh mới như Bamboo của ông Trịnh Văn Quyết thì việc Vietnam Airlines chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HoSe có lẽ cũng với mong muốn tăng vốn điều lệ để tạo sự bứt phá mạnh hơn, vượt qua các đổi thủ cạnh tranh trong năm 2019 này

 Doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng

Vietnam Airlines nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2018 của công ty rất thuận lợi. Cụ thể, lần đầu tiên tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines vượt mức hơn 100.000 tỷ đồng, ước đạt khoảng 102.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt gần 2.800 tỷ đồng, tăng 15% so với kế hoạch. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 73.500 tỷ đồng doanh thu và 2.012 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 102,7% kế hoạch năm 2018. Tổng số nộp ngân sách hợp nhất năm 2018 gần 6.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines cũng được cải thiện theo hướng an toàn. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động (Operating Profit Margin) đạt 4,38%. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) xuống dưới 3 lần, thấp hơn thời điểm đầu năm 2018.

img 

Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines vượt mức hơn 100.000 tỷ đồng

Cùng với sự tăng trưởng ổn định các chỉ tiêu tài chính, năm 2018, Vietnam Airlines ước thực hiện an toàn gần 142.000 chuyến bay, vận chuyển 22 triệu lượt khách và gần 350 nghìn tấn hàng hóa. Chỉ số đúng giờ (OTP) vượt mục tiêu năm và đạt ở mức cao 90%.

Năm 2019, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển đội máy bay giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; ứng dụng công nghệ thông tin 4.0; đồng bộ hóa các hệ thống công nghệ thông tin, tối ưu hóa sản xuất dựa trên quy chuẩn của ngành hàng không tiến tới mô hình kinh doanh số (digital business).

Để có tiền đầu tư, bài toán vốn sẽ là bài toán khó với Vietnam Airlines nếu doanh nghiệp này không chuyển sàn. Hiện tại nhà nước đang sở hữu 86,2% cổ phần của Vietnam Airlines và sẽ giảm xuống còn khoảng 82,1% vào khoảng đầu năm 2018, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo kế hoạch, đến năm 2020 tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines sẽ giảm xuống còn 51%.

Việc Vietnam Airlines chuyển sàn là theo đúng kế hoạch đặt ra với quá trình cổ phần hoá của Tổng công ty này, nhưng nếu không chuyển sàn, doanh nghiệp này khó mà huy động vốn.

Quan trọng hơn, Vietnam Airlines cần phải đẩy mạnh hoàn thiện dịch vụ để bảo toàn thị phần trước sự lớn mạnh của Vietjet Airlines của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và đối thủ mới  Bamboo Airlines của ông Trịnh Văn Quyết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem