Bấm bụng mua rau củ đắt ngang thịt

Thứ tư, ngày 18/09/2013 19:00 PM (GMT+7)
Liên tục từ đầu tháng 9 tới nay, giá các loại rau củ, thực phẩm trên địa bàn cả nước, từ nông thôn tới thành thị biến động tăng lên.
Bình luận 0
Tại các chợ, người tiêu dùng phải bấm bụng mua rau với giá cao, ngược lại, người nông dân vẫn chỉ bán rau củ với giá rẻ cùng với nỗi lo về mùa vụ thất bát...

img
Ảnh minh hoạ từ internet

Tại Hà Nội, thời tiết mưa nắng thất thường khiến các mặt hàng rau củ, thực phẩm vừa ổn định giá được vày ngày thì lại tăng lên chóng mặt những ngày qua.

Khảo sát tại các chợ khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân cho thấy, giá rau xanh tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/mớ. Cụ thể rau cải có giá 10.000-12.000 đồng/mớ; rau muống 12.000-15.000 đồng/mớ, thậm chí 20.000-25.000 đồng/mớ; bắp cải có giá 14.000 – 15.000 đồng/kg; khoai tây giá 18.000 – 19.000 đồng/kg; cà chua giá 26.000 – 28.000 đồng/kg; bí đỏ giá 9.000 – 10.000 đồng/kg; bí xanh giá 18.000 – 19.000 đồng/kg; hành lá giá 28.000 – 30.000 đồng/kg; măng chua có giá 20.000 – 22.000 đồng/kg...

Các loại thịt gia cầm, thịt lợn cũng tăng thêm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Cụ thể thịt gà công nghiệp có giá 65.000 - 70.000 đồng/kg; gà ta có giá 120.000 – 130.000 đồng/kg; thịt vịt có giá 110.000 – 115.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn có giá 75.000 – 85.000 đồng/kg... Chị Hà bán rau củ tại chợ Thành Công cho biết, thời tiết mưa nắng đã khiến cho sản xuất rau xanh bị đình trệ, chưa thể phục hồi ra lứa mới để bán nên giá tăng cao. Các đầu mối đều tăng giá rau nên người bán lẻ cũng phải tăng.

Tương tự, tại TP.HCM, các tiểu thương cho biết do mưa nhiều những ngày qua khiến rau củ bị hư hại, nguồn cung giảm nên giá một số rau củ hàng Đà Lạt tăng mạnh trở lại.

Cụ thể như xà lách búp 40.000 đồng/kg (tăng 5.000-10.000 đồng), khoai tây Đà Lạt khoảng 40.000-45.000 đồng/kg (tăng hơn 10.000 đồng); nấm rơm 85.000-90.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng); cà chua 15.000-18.000 đồng/kg (tăng 3.000-6.000 đồng), bông cải xanh, bông cải trắng Đà Lạt 45.000 đồng/kg (tăng 10.000-15.000 đồng), khổ qua, bầu, bí, mướp 10.000-12.000 đồng/kg, các loại rau muống, mồng tơi, cải ngọt 5.000-6.000 đồng/bó.

Không chỉ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mà tại cả "vựa rau" như tỉnh Thái Bình, thì giá rau củ cũng tăng. Giá rau ngót, rau muống ai không tự trồng được mà phải đi chợ mua thì cũng mất tới 2.000-3.000 đồng/mớ, trong khi bình thường chỉ 500-1.000 đồng/mớ...

Giá rau củ tại các thành phố lớn, thị trấn, thị xã tăng như vậy, song thực tế người nông dân lại không thu được bao nhiêu từ những biến động giá cả này của thị trường.

Chị Trần Bích Thủy, xóm Đồng Lan, xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang chia sẻ, nếu không tự chở rau ra thành phố bán thì trồng rau chỉ có lỗ.

"Nhà tôi có gần 5 sào chuyên trồng rau màu. Thời tiết thuận lợi, mỗi lứa rau gia đình tôi cũng có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/sào. Nhưng nay, mỗi sào chỉ còn thu được gần 1 triệu đồng là may" -chị Thủy nói.

Theo chị Thủy, mưa nắng thất thường, rau củ chết nhiều nên nông dân đang "hại kép", vừa mất mùa, giá bán không bù lại được. Chưa kể, các loại rau thơm phải mất hơn 1 tháng mới được thu hoạch, nhưng chỉ cần một cơn mưa là thối hết, mất trắng...

Chị Phan Thị Hà – Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho hay, với diện tích đất màu khá lớn (vụ Đông năm 2013 kế hoạch của huyện là sản xuất 1.800 ha rau màu), màu mỡ thuận lợi cho sản xuất rau thì lẽ ra nông dân phải thu lãi lớn nếu giá cả thị trường tăng. Song thực tế đến nay, nông dân đang chịu cảnh giá cả không ổn định do bán buôn tại ruộng, được mùa giá rẻ, mất mùa giá đắt.

Có những thời điểm giá 1 kg rau cải có thể lên đến cả chục ngàn, nhưng cũng có lúc chỉ được một vài ngàn, thậm chí có khi rau rớt giá quá mạnh, không thể bán được nên rau bị quá lứa phải nhổ bỏ để trồng lứa khác. Tình trạng rau chính vụ bị ế ẩm là chuyện xảy ra thường xuyên, trong khi giá cả tăng thì nông dân không còn rau để bán.

Ngay Vân Nội - vùng trồng rau có giá của Hà Nội thì thời điểm này, nhiều hộ trồng rau cũng lỗ nặng, nhất là những hộ trồng ở khu chân ruộng thấp, trũng. Người nông dân bị thiệt hại từ 1-2 triệu đồng/sào, do chi phí mua lưới, giấy bóng, khung trồng rau, phân bón, giống...

"Giá rau cao nhưng đâu còn rau để hái bán vì đây là thời điểm cuối vụ, các loại rau như mồng tơi, rau ngót, cà chua... đều hết. Cung - cầu thiếu cân đối đã đẩy giá rau xanh tăng cao", chị Hân-tiểu thương ở thôn Vân Nội than thở.

Theo ông Trần Quốc Khánh-Trưởng phòng thương mại (Sở Công thương Hà Nội), sản lượng rau, củ mà thành phố sản xuất được chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Nhóm hàng này lại bị phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nên rất khó chủ động về nguồn cung và giá bán cho người dân.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) ông Chu Xuân Kiên cũng cho rằng, sản xuất rau củ bị ảnh hưởng thời tiết là khó tránh, nên để bình ổn được giá, giúp nông dân cải thiện thu nhập thì Hà Nội phải đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất cho nông dân để ổn định nguồn cung, rút ngắn khâu trung gian, giảm giá thành. Hiện giá dịch vụ trong nông nghiệp chiếm tới hơn 40% giá cả mà người tiêu dùng phải trả cho từng mớ rau, con cá nhưng người dân chưa được hỗ trợ.

"Đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương cần đặt nặng việc đầu tư hệ thống phục vụ sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, tưới tiêu, vật tư, phân bón... một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thâm canh và nông dân cần áp dụng những kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất để tránh bị thua lỗ, đảm bảo giá cả thị trường ổn định, tránh biến động mạnh như hiện nay chỉ vì những lý do đơn giản như thời tiết mưa nắng"-ông Kiên nói.

Mai Hương-Lê Trang-Thu Hồng (Mai Hương-Lê Trang-Thu Hồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem