|
Trẻ em dân tộc La Hủ. |
Bốn dân tộc này hiện có tỷ lệ đói nghèo rất cao; chất lượng dân số thấp, nguy cơ suy giảm nòi giống; văn hoá truyền thống đang bị mai một; hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở yếu kém...
Đầu tư trực tiếp cho người dân
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hoàng Xuân Lương cho biết, việc xây dựng Đề án nhằm tập trung nguồn lực đủ mạnh để giải quyết những khó khăn cho đồng bào 4 dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao.
Đề án được thực hiện trong 10 năm, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I (2011-2015), giai đoạn II (2016-2020). Điểm nổi bật của Đề án là các khoản mục đầu tư, hỗ trợ tập trung vào đối tượng là các thôn, bản và hộ gia đình.
Trong tổng số 47 khoản, mục đầu tư, hỗ trợ, nhiều khoản cấp trực tiếp cho các hộ gia đình như: Nhà ở, gạo ăn và các vật dụng thiết yếu trong 5 năm đầu; hỗ trợ bảo vệ rừng, khai hoang, cải tạo đất, giống, vật tư, công cụ sản xuất; hỗ trợ học sinh, giáo viên cắm bản; hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ, dinh dưỡng cho trẻ em sau sinh...
Các khoản đầu tư, hỗ trợ khác tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng thôn, bản như: Xây dựng điểm dân cư mới; công trình cấp nước sinh hoạt; công trình thuỷ lợi; trạm điện và điện chiếu sáng; trường, lớp học cắm bản; làm cầu đường, giao thông; trạm y tế, phòng khám và các hoạt động y tế thôn, bản; bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống...
Phải đủ nguồn lực
Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án do UBDT tổ chức mới đây, đại diện các bộ, ngành đề nghị, cần rà soát lại những chính sách đầu tư, hỗ trợ của nhà nước đã và đang thực hiện tại các địa bàn có 4 dân tộc này sinh sống để tránh chồng chéo.
Theo bà Đỗ Thị Thúy- Vụ Tài chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), một số khoản mục đầu tư, hỗ trợ của dự thảo Đề án chồng chéo với các chính sách của nhà nước đang thực hiện. Cụ thể như các khoản hỗ trợ cho học sinh; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ chi phí điều trị bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, T.Ư; hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ sau sinh; cấp máy thu thanh cho hộ gia đình...
Ông Giàng A Tính - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng: Các chính sách đầu tư, hỗ trợ trước đó của nhà nước chưa đủ lực để nâng cao toàn diện đời sống của đồng bào 4 dân tộc này. Chương trình 135 phần lớn dừng lại ở cụm trung tâm xã, nhiều chương trình đầu tư, hỗ trợ khác như 134, 167... và chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ cũng chưa biết đến bao giờ mới “lan toả” hết được các thôn, bản và đến từng hộ dân...
Ông Nguyễn Văn Đủ - Phó Cục trưởng Cục HTX&PTNT, Bộ NN&PTNT cho rằng, một số khoản mục của dự thảo Đề án thấp hơn so với các chính sách hiện hành. Ví dụ mức hỗ trợ gạo ăn cho đồng bào là 13kg/người/tháng, thấp hơn 2kg so với chính sách Nghị quyết 30a.
Hay như định mức 50 triệu đồng để xây dựng một mô hình khuyến nông, khuyến lâm thì rất khó thực hiện vì đây là địa bàn rất khó khăn, các chi phí đều cao hơn các nơi khác... Ông Đủ đề xuất, Đề án cần có kinh phí thuê đơn vị tư vấn, đánh giá độc lập tiến trình thực hiện và kết quả để bảo đảm tính hiệu quả của Đề án... Trước đó, nhiều chương trình, dự án không có đơn vị tư vấn đánh giá độc lập, nên không thể hiện được rõ tính hiệu quả.
Dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao có tổng cộng 3.504 hộ, 17.810 nhân khẩu, cư trú tại 86 bản thuộc 15 xã (10/15 xã biên giới) trên địa bàn 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang. Tỷ lệ hộ nghèo đói trong 4 dân tộc này từ 64,71-81%; trên 48,6% hộ ở nhà đất tạm bợ; tỷ lệ trẻ sơ sinh và dưới 5 tuổi tử vong cao gấp 3-4 lần so với trung bình cả nước; 50% dân số mù chữ; tỷ lệ tảo hôn từ 80-100%, tỷ lệ hôn nhân cận huyết hơn 20%; các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu đáng báo động...
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.