Bản cáo trạng cho thủy điện

Thứ hai, ngày 18/11/2013 11:46 AM (GMT+7)
“Đại hồng thủy” không ở đâu xa xôi trong Kinh thánh, nó là hiện thực tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam mấy ngày qua.
Bình luận 0
Nước từ đâu tràn về nhanh chóng đến mức những người cao tuổi có kinh nghiệm nhất ở dải đất miền Trung đều phải bất ngờ. Họ chỉ kịp thốt lên “không thể tưởng tượng” nổi. Họ tưởng tượng sao được khi biết bao cánh rừng bị tàn phá âm thầm. Nhưng ghê gớm hơn, rừng đã bị phá để thực hiện 15 dự án thủy điện trên khắp miền Trung và Tây Nguyên. Mỗi công trình thủy điện mọc lên, có hàng vạn cây rừng ngã xuống.

Và hậu quả của nó là nước trên thượng nguồn không có rừng cản bước, nó tràn về ào ạt với tốc độ nhanh khủng khiếp. Con người phải trả giá cho những sự ứng xử tàn bạo với thiên nhiên. Và hậu quả là nước xả lũ từ các hồ chứa thủy điện tràn ra, hợp sức với nước mưa nhấn chìm vùng hạ du thủy điện và đồng bằng trong cơn hồng thủy. Dân chúng táo tác chạy trong đêm để tránh lũ, leo lên mái nhà mong tìm sự cứu giúp.

Các công trình thủy điện đã đem lại lợi ích là một ít nguồn điện, nhưng hậu quả do nó gây ra không thể tính hết được. Chỉ riêng Quảng Ngãi, nhiều chiếc cầu bị cuốn phăng, nhiều tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 24 bị phá tan hoang. Ở Quảng Nam gần như các tuyến giao thông nội tỉnh đều bị ách tắc, ngoài Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh bị sạt lở hàng trăm điểm. Còn với người dân, nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, vật nuôi, cây trồng bị hủy hoại. Năm hết, tết đến, chỉ thấy trước mắt là trắng tay và đói rách, nỗi cơ cực này khó có thể chia sẻ được.

Đã có nhiều tranh luận trong nghị trường, phản biện trong cộng đồng về lợi ích và tác hại của các dự án thủy điện. Nhưng mặc cho những tiếng nói phản đối, dự án thủy điện vẫn mọc lên dày đặc. Nếu như có một “nhóm lợi ích” cần phải chỉ ra thì đây là một địa chỉ cần xem xét.

Chỉ mới đây thôi, tại nghị trường, các đại biểu thắc mắc, nghi hoặc, bức xúc vì câu nói của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công Thương... Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ...”.

Các quan chức nói với nhau “chúng ta đang nói về chúng ta”, còn nhân dân hiểu rằng họ đang tránh né trách nhiệm về những cơn lũ hôm nay và nhiều cơn lũ tiếp theo sẽ tàn phá đất nước này về sau. Hãy đừng thêm những dự án thủy điện cũng như những “công trình” phá rừng nữa. Đừng để lợi ích cho riêng một nhóm trở thành nguyên nhân mang đến đau khổ cho dân chúng.
Chân Tâm (Chân Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem