Bản Dao vào vụ đói

Thứ hai, ngày 09/04/2012 16:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm nào cũng vậy, cứ vào độ áp Tết và đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, đồng bào Dao Trắng ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, lại bước vào vụ đói.
Bình luận 0

Cái đói kéo dài đến tận vụ thu hoạch lúa xuân, làm cho bản người Dao lay lắt, héo úa...

Đói ăn kinh niên

Cái đói của bản người Dao Trắng ở xã Tân Lập cứ truyền hết từ đời này sang đời khác. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho hay: "Năm nào cũng vậy, bản người Dao nhà đói ít nhất là 3 tháng, còn nhiều thì nửa năm".

img
Những ngày đói giáp hạt, ngô, sắn là thức ăn quý giá với người Dao.

Lật quyển sổ hộ nghèo, ông Dự liệt kê một dãy con số nghe mà chạnh lòng: Bản Xiêng 1 có 106 hộ thì 70 hộ nghèo; Xiêng 2 có 71 hộ thì 53 hộ nghèo; Thanh Rang có 46 hộ thì 37 hộ nghèo. Ông còn chú thích thêm đã là hộ nghèo thì đồng thời là hộ đói. Trung bình mỗi hộ có 5-6 khẩu, như vậy tại 3 thôn này ít nhất mỗi năm có gần 1.000 người rơi vào cảnh đói.

Nói về nguyên nhân của cái đói, ông Dự lắc đầu: "Người đẻ chứ đất không đẻ, dân số ngày càng tăng mà tính tổng cộng cả 3 thôn mới có 10,7ha lúa nước, đặc biệt là Thanh Rang chỉ có 1ha ruộng nước, chia cho 37 hộ thì mỗi hộ chưa đủ 1 sào, chưa kể là chia theo đầu người. Giao thông đi lại khó khăn, nhất là Xiêng 2 và Thanh Rang. Bên cạnh đó do trình độ dân trí còn thấp, họ chưa biết đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt nên hiệu quả kinh tế thấp".

Thời điểm này, đến bản người Dao thật vắng lặng, vì mọi người đã lên nương, lên rẫy tra ngô, trồng sắn, phần đi làm thuê, làm mướn chạy bữa qua ngày. Vừa đặt gánh sắn xuống sân, ông Đặng Văn Chính ở bản Xiêng 1 than: "Đói lắm, không biết có qua được cơn đói này không". Nhà ông Chính có 4 khẩu, nhưng chỉ có hơn sào ruộng, thóc lúa làm ra chỉ đủ ăn trong vài tháng, còn đa phần phải chạy vạy, làm thuê làm mướn đủ nghề, thậm chí vay lãi để đong gạo ăn.

Đói ăn còn gây khó cho việc vận động học sinh ra lớp. Tại Trường THCS Tân Lập, cô giáo Phạm Thị Kim Dung - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ vào vụ đói là học sinh bỏ học rất nhiều, trung bình một lớp nghỉ 5-6 em. Thường ngày, các em phải lên nương rẫy cùng cha mẹ. Nhà trường đã thường xuyên đến nhà vận động các em ra lớp, nhưng việc duy trì sĩ số là rất khó khăn".

Cần tư duy tiến bộ

Trong cơn đói lay lắt, mọi người đang cuồng chân tìm miếng ăn, vậy mà không ít cảnh các ông, các bà người Dao vẫn ngồi ung dung hút thuốc, nhai trầu trên sàn nhà. Theo quan niệm của người Dao, không kể tuổi nhiều hay ít, khi con cái đã lập gia đình, có dâu, rể là cha mẹ sẽ không phải đi lao động nữa, mà chỉ ở nhà trông nhà, dạy dỗ, chỉ bảo con cái làm ăn.

Gạo cứu đói của Chính phủ vẫn được đưa đến cho bà con, cùng việc hỗ trợ cây, con giống, khoa học kỹ thuật. Nhưng để thoát nghèo, điều quan trọng vẫn là người dân phải có ý thức tự lực và thay đổi tư duy.

Chính vì thế mà có người mới trên 40 tuổi, bỗng nhiên trở thành lao động dôi dư, suốt ngày ngồi nhà pha chè, hút thuốc, xơi trầu, thậm chí rượu chè, trong cái đói vàng mắt. Đến nay, tuy con số này không nhiều, nhưng cũng tác động không nhỏ tới đời sống, kinh tế của người Dao trong suốt một thời gian dài.

Đã thế, những năm gần đây, khi giao thông đã phát triển và đặc biệt là với dịch vụ mua xe trả góp, nhiều hộ người Dao ở đây đã bán trâu, bò... để mua xe. Đến nay hầu như nhà nào cũng có xe máy. Xe mua về nhiều lúc không có xăng, bỏ xó cả tháng trời, nhưng hễ có tiền là tiếng xe máy lại vang rộn cả bản, thậm chí vài ba bước chân tới rẫy cũng đi xe... Nói không quá, nhiều nhà đói ăn cũng chỉ vì mua xăng và sửa xe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem